Trên đà phục hồi của nền kinh tế, việc thực hiện những giải pháp nhằm tăng cường hoạt động kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng, hướng tới sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều đó, Chính phủ và toàn bộ hệ thống tài chính cần tạo những điều kiện nhất định để cho những giải pháp đưa ra được thực hiện và đi vào đời sống KTXH :
Tập trung xây dựng, ban hành đồng bộ và kịp thời hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của các ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN cần ban hành một số văn bản để hoàn thiện cơ chế điều hành như thông tư về lãi suất cơ bản, thông tư về lãi suất trong trường hợp thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, thông tư về thu phí cho vay, thông tư về áp dụng lãi suất không kỳ hạn trong trường hợp người gửi tiền rút trước hạn.
Hoàn thiện các quy định về cấp phép và quản lý ngân hàng để có một hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, đủ năng lực tài chính để có thể đứng vững trong cạnh tranh ngày càng quyết liệt; cần thiết phải có chính sách về sáp nhập, mua lại những ngân hàng không đủ năng lực tài chính theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa NHNN với các cơ quan có liên quan nhằm ban hành đồng bộ các quy định và chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực TDNH.
Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, theo hướng rà soát lại hệ thống doanh nghiệp, kiên quyết cắt bỏ các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng và hấp thụ vốn đầu tư của nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của nền kinh tế, điều này sẽ tác động trở lại làm cho chất lượng và hiệu quả của hoạt động tín dụng ngày càng cao hơn.
Nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 và Quyết định 09 năm 2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhằm chuyển dần quan hệ vay mượn ngoại tệ tại các ngân hàng sang mua bán đối với các đối tượng vay không tái tạo được ngoại tệ, còn với các đối tượng vay có thể tái tạo được ngoại tệ, hoạt động tín dụng vẫn được xem xét.
Bước sang năm 2011, khi Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 bắt đầu có hiệu lực, đã có những điều khoản để NHNN có thể can thiệp khi thị trường có dấu hiệu bất thường thì Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) không nên đưa ra các mức lãi suất đồng thuận nữa, tránh tạo nên những áp lực cho các ngân hàng nhỏ; thay vào đó, Hiệp hội nên tập trung vào việc góp ý cho các chính sách, cũng như tạo được sự thống nhất trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, nâng cao sự liên kết và năng lực cạnh tranh của hệ thống trước sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài.
Không nên quá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát vì sẽ gây ra vòng luẩn quẩn: lạm phát cao -> thắt chặt tiền tệ -> lãi suất cao -> hạn chế tín dụng -> doanh nghiệp gặp khó khăn -> khan hiếm
hàng hóa -> nhập khẩu -> sức ép tỷ giá -> lạm phát cao. Bên cạnh đó, các chính sách đưa ra cần cân nhắc độ trễ, tính toán những ảnh hưởng tới nền kinh tế, tránh tình trạng chính sách đưa ra quá nhiều gây nên sự chồng chéo, giảm hiệu quả và gây khó khăn cho việc thực hiện.
Trong điều kiện Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011 đã cho NHNN nhiều quyền hạn hơn trong việc đưa ra các quyết định hành chính, cần hạn chế việc điều tiết thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính, đặc biệt là trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và ở một số thời điểm nhất định, các biện pháp hành chính vẫn rất cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ, khi đó, nếu đã dùng các quyết định hành chính thì phải dứt khoát và có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, dần hướng tới xu hướng tự do hóa thị trường tài chính,
không nên kiểm soát mục tiêu tăng trưởng TDNH ở một tỷ lệ cụ thể, mà nên kiểm soát chặt chất lượng tín dụng góp phần tăng hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.
KẾT LUẬN
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các quan hệ giao lưu kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng. Kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến nhất định trong quá trình hội nhập với thế giới. Cùng với đó, kinh tế trong nước cũng trở nên nhạy cảm hơn và chịu nhiều tác động trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Vì vậy, để có thể hướng tới một sự phát triển bền vững thì điều quan trọng nhất là phải tăng cường sức mạnh nội tại của nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến cho một loạt các định chế tài chính lớn trên thế giới bị sụp đổ. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đứng vững trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng này. Hơn thế nữa, những nỗ lực của toàn hệ thống, đặc biệt là trong hoạt động tín dụng cũng đã góp phần đưa đất nước vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Song, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình tăng trưởng tín dụng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính cũng như của cả nền kinh tế.
Vì thế, trên đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế, theo định hướng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra, toàn bộ hệ thống ngân hàng cần xây dựng, thực hiện một chính sách tăng trưởng tín dụng hợp lý, kế thừa những thành tựu đã đạt được, phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh và thịnh vượng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS. Lê Văn Tề, Tín dụng ngân hàng, NXB Giao thông vận tải, 2009.
2. PGS.TS. Lưu Thị Hương, Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Thống kê, 2005.
3. PGS.TS. Nguyễn Hữu Tài, Giáo trình Lý thuyết Tài chính - Tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2007.
4. PGS.TS. Nguyễn Văn Công, Nguyên lý Kinh tế học vĩ mô, NXB Lao động - xã hội, 2005.
5. Peter Rose, Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Tài chính, 2001. 6. PGS.TS. Phan Thị Cúc, Giáo trình Tín dụng ngân hàng, NXB Thống kê, 2009.
7. PGS.TS. Phan Thị Thu Hà, Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Giao thông vận tải, 2009.
8. TS. Nguyễn Minh Kiều, Tiền tệ ngân hàng, NXB Thống kê, 2006. 9. Các văn bản Luật:
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 10. Các trang web của:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: http://www.sbv.gov.vn Tổng cục thống kê: http://www.gso.gov.vn