Những hạn chế

Một phần của tài liệu KIỂM SOÁT TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 53 - 56)

Cuộc KHTC toàn cầu năm 2008 đã cho chúng ta một bài học đắt giá và sự nhận thức sâu sắc về mức độ rủi ro của hệ thống tài chính thế giới trong giai đoạn hiện nay. Trên đà phục hồi của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng, góp phần duy trì hoạt động SXKD và đời sống xã hội, từng bước đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, NHNN và toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong hoạt động tăng trưởng và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đà đi lên của nền kinh tế:

 Tốc độ tăng trưởng tín dụng không ổn định, chưa phù hợp với đà phục hồi của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2008 - 2010, có những lúc tình

hình tín dụng khá ảm đạm, tốc độ tăng trưởng đạt mức thấp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, TDNH lại tăng trưởng quá nóng, dẫn đến tình trạng vốn chưa phát huy hiệu quả thì giá cả đã leo thang, gây áp lực lên lạm phát. Điều này đã khiến cho thị trường trở nên thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư; từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô không được đảm bảo.

 Tăng trưởng tín dụng không đi kèm với nâng cao chất lượng tín dụng. Trái lại, tình hình nợ xấu đang có diễn biến phức tạp với xu hướng ngày càng gia tăng, làm tăng rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng cũng như của toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2010, nợ dưới chuẩn toàn ngành ngân hàng là 51.085 tỷ đồng, chiếm 2,42% tổng dư nợ toàn hệ thống, nhưng đáng lưu ý, nợ nhóm 5 (nhóm “có khả năng mất vốn”) chiếm một nửa trong số này. Trong đó, khối nhà nước chiếm tới 60,12% tổng nợ nhóm 5, còn đối với khối cổ phần thì tính đến 30/11/2010 nợ nhóm 5 chỉ chiếm 0,73% tổng dư nợ (tăng 6,19% so với tháng trước), nhưng chiếm 33,43% nợ nhóm 5 toàn ngành và có tới 38/39 đơn vị có nợ nhóm 5. Tính chung trong năm 2010, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khoảng 2,5%. Nếu tính thêm các khoản nợ của tập đoàn Vinashin, nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng thêm 0,7%. Đặc biệt, cuối năm 2010, ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Fitch, Moody's và Standard & Poor's đã lần lượt hạ mức tín nhiệm của Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của toàn hệ thống.

 Lãi suất tăng cao và biến động với tần suất lớn, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn để duy trì hoạt động SXKD, vừa khiến cho thị trường tài chính trở nên kém hiệu quả, nhất là trong hoàn cảnh nền kinh tế trong nước bị tác động của cuộc KHTC và suy thoái kinh tế thế giới. Bước sang đầu năm 2011, lãi suất trên thị trường tiền tệ tiếp tục đạt mức cao, lãi suất tiền gửi VND có thời điểm lên tới 16 - 17%/năm, lãi

suất cho vay 18 - 20%/năm. Cùng với đó là cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ yếu về quản trị và khó khăn về thanh khoản, đã đẩy mặt bằng lãi suất lên cao; chính sách lãi suất trở nên méo mó khi lãi suất ngắn hạn cũng như dài hạn, không kỳ hạn cũng như có kỳ hạn. Lãi suất thực trong nước cao đột biến, hiếm có nước nào trên thế giới lại có chênh lệch lãi suất tiền gửi và lạm phát khoảng 5% như ở Việt Nam.

 Mất cân đối giữa huy động và cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi. Năm 2009, tăng trưởng tiền gửi đạt 27%, không theo kịp con số 37,73% của tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó, những cuộc đua lãi suất đã làm cho các ngân hàng ở trong tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay, tạo áp lực lên khả năng thanh khoản của hệ thống. Theo báo cáo của NHNN năm 2010, huy động vốn của các NHTM chủ yếu là kỳ hạn ngắn với tỷ trọng 74% trong tổng vốn huy động, trong khi cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng khoảng 44% tổng dư nợ cho vay. Đây là một khó khăn cho các ngân hàng khi vừa phải tìm kiếm nguồn huy động cho hoạt động tín dụng, vừa phải dự trữ một lượng tiền đủ lớn để đảm bảo khả năng thanh toán cho người gửi tiền.

 Mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng bằng nội tệ và tín dụng bằng ngoại tệ. Trong sáu tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng bằng VND chỉ đạt 4,6% quá thấp so với con số tăng trưởng 27% của tín dụng bằng ngoại tệ. Tính chung trong năm 2010, tăng trưởng tín dụng bằng VND là 25,34%, trong khi bằng ngoại tệ lên tới 37,76%. Nếu nhìn lại năm 2009, suốt nửa đầu năm là trạng thái tăng trưởng âm của tín dụng bằng ngoại tệ, thì năm 2010 đã có sự đột biến ngay từ những tháng đầu tiên. Điều này đã tạo nên rủi ro tỷ giá, ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối, từ đó tác động tiêu cực tới hoạt động SXKD, đặc biệt là các quan hệ thương mại quốc tế, kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế.

 Tỷ trọng tín dụng đối với khu vực phi sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và đầu tư chứng khoán ở một số ngân hàng còn cao. Điều này

một mặt kìm hãm vốn cho khu vực sản xuất, mặt khác làm tăng rủi ro cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cuộc KHTC toàn cầu năm 2008 lại bắt nguồn từ chính sự đổ vỡ của thị trường bất động sản.

Một phần của tài liệu KIỂM SOÁT TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 53 - 56)