Phối hợp đồng bộ, toàn diện các chính sách kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu KIỂM SOÁT TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 59 - 60)

Trong các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nói riêng là một trong những công cụ quan trọng nhất của nhà nước để quản lý và điều hành nền kinh tế. Nhược điểm lớn nhất trong phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam là vẫn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, thường xuyên thay đổi và chưa xây dựng được một chiến lược hoạch định chính sách khoa học và hợp lý.

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục và có dấu hiệu bùng phát vào những tháng đầu năm 2011, lạm phát trở thành một trong bốn vấn đề gay gắt nhất liên quan đến bình ổn vĩ mô, cùng với quản lý tỷ giá, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách. Chính sách tài khóa vẫn còn để thâm hụt ngân sách lớn, đầu tư trong nước tăng chậm, chi ngân sách còn rất lãng phí. Bên cạnh đó thì chính sách tiền tệ còn lúng túng, bị động. Chính sách tỷ giá chưa phát huy tác dụng tích cực như một công cụ hữu hiệu trong nền kinh tế mở. Tất cả những vấn đề này đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra những khó khăn cho hoạt động kiểm soát tăng trưởng TDNH, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến chính sách kinh tế vĩ mô không đồng bộ là chính sách được hình thành từ những cơ quan độc lập, lại không được liên hệ với nhau chặt chẽ do thiếu sự chỉ đạo thống nhất, tập trung. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để có thể tăng cường kiểm soát tăng trưởng TDNH, hướng các dòng tín dụng vào các lĩnh vực thực sự cần thiết, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, Chính phủ cần phối hợp đồng bộ, toàn diện các chính sách kinh tế vĩ mô ngay từ khâu hoạch định đến quá trình thực hiện; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin giữa các cơ quan làm chính sách.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần thành lập một Uỷ ban liên bộ để phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô giữa các cơ quan khác nhau của

Chính phủ, cũng như công bố chính sách một cách thống nhất. Đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cần sử dụng phương pháp định lượng nghiêm ngặt, xác định tốc độ tăng trưởng tín dụng hằng năm phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát và cán cân thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cần chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước và quốc tế, điều hành thị trường vốn nhằm đảm bảo sự thống nhất, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ và dự báo kịp thời diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của thị trường tài chính trong nước và quốc tế để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành một cách hiệu quả.

Một phần của tài liệu KIỂM SOÁT TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 59 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(75 trang)
w