Quy trình chung dạy một bài tập viết

Một phần của tài liệu một vài biện pháp rèn chữ cho học sinh tiểu học (Trang 59 - 62)

6 Cấu trúc luận văn

2.5 Quy trình chung dạy một bài tập viết

2.5.1 Giới thiệu bài mới

Trên cơ sở nội dung bài viết đã được trình bày trên bảng lớp, gồm chữ cái, vần, từ và dòng chữ ứng dụng, giáo viên cần làm những việc làm sau:

- Đọc gộp cả tiếng, có thể giải nghĩa từ và dòng chữ viết ứng dụng (ngắn gọn, súc tích).

- Học sinh đọc lại toàn bài (riêng học sinh lớp 1 và lớp 2 cần phải kết hợp đọc và đánh vần).

2.5.2 Phân tích cấu tạo chữ

a) Phân tích chữ cái

Giáo viên gợi ý đặt câu hỏi và thông qua chữ mẫu trên bảng lớp để học sinh nhận biết và phân tích hình dáng, cấu tạo của chữ cần dạy. Có thể gợi ý cho học sinh: Chữ gồm mấy nét, là những nét gì? Các nét chữ đó như thế nào? Sự liên kết phối hợp của các nét ra sao? Điểm đặt bút, điểm dùng bút của chữ ở vị trí nào trên dòng kẻ?

Quan sát chữ mẫu, học sinh sẽ phát hiện được sự giống nhau và khác nhau của chữ đang học với chữ đã học, từ đó khắc sâu biểu tượng về chữ đang học. Nếu là chữ đã học, có thể yêu cầu học sinh phân tích ngay.

g)Phân tích vần, từ và dòng chữ viết ứng dụng

Bước này gồm các việc:

Giáo viên củng cố lại một số chữ cái viết khó hoặc các chữ cái mà học sinh hay viết sai (các chữ có nét khuyết, nét cong, nét thắt): b, k, v, r, g, s…

- Xác định chữ viết hoa (nếu có) và quan hệ giữa chữ viết hoa với chữ viết thường, nhất là chữ cái được viết sau chữ hoa không có nét móc để chuẩn bị cho việc xác định khoảng cách giữa chữ viết hoa với điểm đặt bút của chữ cái đứng sau.

- Xác định cách nối giữa các chữ cái ở vị trí nào có nét nối thuận lợi, chỗ nào không thuận lợi, khi viết phải lia bút hoặc tạo nét phụ.

2.5.3 Giáo viên viết mẫu

- Giáo viên phân tích cách viết và mô phỏng cách viết bằng cách chỉ theo nét chữ viết của từng chữ cái, dấu phụ theo quy trình viết.

Viết mẫu là thao tác trực quan của giáo viên trên bảng lớp giúp học sinh nắm bắt được quy trình viết chữ. Do vậy, giáo viên cần phải viết chậm, đúng theo quy tắc viết chữ. Khi viết mẫu, phải tạo điều kiện để học sinh quan sát được tay giáo viên viết từng nét chữ. Đối với những chữ cái có nét nối khó, giáo viên cần viết chậm và phối hợp giải thích cách viết. Sau đó có thể viết trích đoạn chỗ viết khó ở phần bảng phụ (các nội dung khó, viết trích đoạn ở phần bảng phụ có thể xóa khi viết sang nội dung khác).

2.5.4 Học sinh luyện tập viết vào bảng

a) Luyện tập viết chữ

- Trước khi học sinh viết vào vở các em được luyện tập trên bảng. Hầu hết cả lớp viết vào bảng học sinh, một vài em có thể viết trên bảng lớp (số học sinh tùy theo thực tế bảng lớp to, nhỏ).

- Nội dung viết luyện tập về cơ bản theo thứ tự bài viết. Đối với dòng chữ ứng dụng, không nhất thiết viết lại toàn bộ dòng chữ, mà cần chọn lọc các nội dung chữ viết khó (viết một, hai chữ hay trường hợp nối khó).

b) Tổ chức học sinh nhận xét chữ viết luyện tập

- Giáo viên nêu câu hỏi gợi ý để học sinh quan sát chữ viết của bạn (bảng lớp, bảng học sinh) và nhận xét chữ viết của nhau về cấu tạo chữ, nét chữ, nét nối…

- Phát hiện chữ viết đẹp, những chỗ viết sai, học sinh tự điều chỉnh sửa chữa. - Giáo viên chữa lại những sai sót của học sinh và khẳng định kiến thức.

Chú ý:

- Giáo viên nên kết hợp giảng giải phân tích và tổ chức cho học sinh luyện tập đối với từng nội dung viết có trong bài. Cần thực hiện tốt việc dạy xong cách viết của nội dung nào thì tổ chức cho học sinh luyện tập ngay.

- Có thể có bài viết nội dung bài học dài (có nhiều nội dung dòng chữ tập viết), giáo viên cần chọn lọc nội dung để dạy. Có thể lược bớt các chữ có cách viết giống nhau, để tập trung cho học viết các nội dung khác và tổ chức học sinh luyện tập theo nội dung tương ứng.

2.5.5 Học sinh viết vào vở

- Giáo viên nêu yêu cầu và nội dung cần viết trong bài tập viết (điểm đặt bút, khung chữ, đường kẻ dòng, số dòng viết của từng nội dung…).

- Học sinh thực hành viết vào vở.

- Giáo viên hướng dẫn cá nhân học sinh viết chữ (sửa chữa chữ sai, tư thế ngồi viết, cách cầm bút nếu cần thiết có thể rút ra kinh nghiệm chung với cả lớp).

- Chấm điểm tại chỗ: Kết hợp với quá trình nhận xét cá nhân học sinh, giáo viên có thể chấm bài của một số học sinh vào cuối thời gian viết vào vở.

2.5.6 Củng cố bài tập viết

Tùy theo thời gian còn lại của giờ dạy, giáo viên củng cố kiến thức trọng tâm bằng những cách thức sau:

- Sử dụng bài viết của học sinh trong vở để cùng học sinh nhận xét, rút kinh nghiệm ưu khuyết điểm về kĩ năng viết chữ.

- Yêu cầu học sinh viết bảng lớp các chữ có liên quan đến trọng tâm của bài viết, sau đó giáo viên và các học sinh khác nhận xét và sửa chữa.

- Thi viết chữ đúng mẫu, rõ ràng, đẹp. Có thể dùng bộ chữ rời cho học sinh thi ghép nét tạo chữ cái (với học sinh lớp 1).

- Tổ chức trò chơi viết chữ cái theo gợi ý bằng lời về cấu tạo chữ hoặc viết chữ theo tranh vẽ gợi ý.

Cần tăng cường các hình thức củng cố, nâng cao bài viết để một mặt tạo cho giờ học không khí vui tươi, sinh động, nhẹ nhàng, mặt khác tạo điều kiện phối hợp nhịp nhàng giữa Tập viết với Học vần, Chính tả góp phần nâng cao hiệu quả đọc và viết của học sinh.

Trên đây là tiến trình chung để dạy một giờ Tập viết trong trường Tiểu học. Khi giảng dạy, tùy theo hoàn cảnh cụ thể về học sinh, khối lớp và nội dung bài dạy mà giáo viên có thể vận dụng phối hợp những phương pháp giảng dạy nói chung và kinh nghiệm của bản thân để thực hiện bài giảng có kết quả.

CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM

Một phần của tài liệu một vài biện pháp rèn chữ cho học sinh tiểu học (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)