6 Cấu trúc luận văn
2.4 Một số phương pháp giảng dạy giáo viên nên áp dụng khi giảng dạy
Trước hết giáo viên cần làm cho HS và cha mẹ HS phải nhận thức được tầm quan trọng của môn tập viết.
- Muốn HS viết đúng, đẹp phải có sự công phu của GV theo 1 phương pháp khoa học và kinh nghiệm đã được đúc kết cùng với sự kèm cặp thường xuyên, sâu sát của các bậc phụ huynh, sự nỗ lực của mỗi HS
- Tạo phong trào thi đua giữ vở sạch viết chữ đẹp
- Trong giờ tập viết GV hướng dẫn HS tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện đúng các nguyên tắc về tư thế ngồi viết, cách đặt bút, cách để tay, bài viết phải đảm bảo yêu cầu, ánh sáng và thuận chiều khi viết đưa đúng bút từ trái sang phải, từ trên xuống dưới không ấn ngòi bút mạnh vào mặt giấy.
- Ngay từ đầu hè GV phải rèn luyện từng nét, phải đi sâu đi sát, phát hiện những em viết chữ đẹp để bồi dưỡng.
- Khi viết luôn luôn sửa và uốn nắn những chữ viết xấu và sai.
- Hướng dẫn HS ngồi đúng tư thế, đẹp khen và động viên em viết đúng, đẹp.
Khi dạy tập viết GV phải phối hợp các phương pháp dạy học để tiết học có hiệu quả.
2.4.1 Phương pháp trực quan
Giáo viên khắc sâu biểu tượng về chữ cho các em bằng nhiều con đường: kết hợp mắt nhìn, tai nghe, tay luyện tập. Điều này giúp các em chủ động phân tích hình dáng, kích thước và cấu tạo mẫu chữ, tìm sự giống nhau và khác nhau của chữ cái đang học với chữ cái đã học trước đó trong cùng một nhóm bằng thao tác so sánh tương đồng.
Mẫu chữ là hình thức trực quan ở tất cả các bài tập viết. Đây là điều kiện đầu tiên để các em viết đúng. Có các hình thức mẫu chữ: Mẫu chữ in sẵn, chữ phóng to trên bảng, chữ mẫu trong vở tập viết, hộp chữ mẫu, một bài viết đẹp... Tiêu chuẩn cơ bản của chữ mẫu là phải đúng chữ quy định, rõ ràng và đẹp.
Chữ mẫu có tác dụng:
Chữ mẫu phóng to trên bảng sẽ giúp học sinh dễ quan sát, từ đó tạo điều kiện để các em phân tích hình dáng, kích thước và các nét cơ bản cấu tạo chữ cái cần viết trong bài học.
- Chữ mẫu của giáo viên viết tiếp trên bảng giúp học sinh nắm được thứ tự viết các nét của từng chữ cái, cách nối các chữ cái trong một chữ nhằm đảm bảo yêu cầu viết liền mạch, viết nhanh.
- Chữ mẫu trong hộp chữ các em kết hợp mắt nhìn, tay xếp để phối hợp các thao tác viết chữ một cách đồng bộ.
Chữ của giáo viên khi chữa bài, chấm bài cũng được học sinh quan sát như một loại chữ mẫu. Vì thế, giáo viên cần có ý thức viết chữ đẹp, đúng mẫu, rõ ràng.
Khi dạy chữ viết, việc đưa đồ dùng trực quan là chữ viết mẫu được in sẵn. Đây là việc làm để cung cấp cho học sinh biểu tượng về chữ viết, chưa cung cấp được kĩ năng viết chữ. Vì thế, trực quan tốt nhất là cho học sinh quan sát giáo viên viết mẫu. Giáo viên vừa viết vừa phân tích từng nét của chữ cái hoặc từng kĩ thuật nối liền nét các con chữ trong một chữ. Việc viết mẫu của giáo viên tạo niềm tin cho học sinh, bên cạnh đó học sinh cũng dễ tiếp thu hơn, tạo điều kiện cho việc rèn kĩ năng viết liền mạch, viết nhanh.
Ngoài ra, để việc dạy chữ viết không đơn điệu, giáo viên cần coi trọng việc xử lí quan hệ giữa âm và chữ, tức là giữa đọc và viết. Do đó, trong tiến trình dạy tập viết, nhất là tập viết những âm mà địa phương hay lẫn, giáo viên cần đọc mẫu. Việc viết đúng sẽ củng cố việc dạy đọc đúng, ngược lại đọc đúng giữ vai trò quan trọng để đảm bảo viết đúng.
2.4.2 Phương pháp đàm thoại, gợi mở
Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở giai đoạn đầu của tiết học. Giáo viên dẫn dắt học sinh tiếp xúc với các chữ sẽ học bằng một hệ thống câu hỏi, từ việc hỏi về các nét cấu tạo chữ cái, độ cao, kích thước chữ cái đến việc so sánh nét giống nhau và nét khác biệt giữa các chữ cái đã học với các chữ cái đã phân tích. Với những câu hỏi khó, giáo viên cần định hướng câu trả lời cho các em hoặc giáo viên có thể tô mẫu cho học sinh thảo luận nhóm, sau đó lên chỉ trên hình để phân tích. Thảo luận nhóm để học sinh được đóng góp xây dựng ý kiến cho nhau nên dễ dàng tìm ra tri thức mới. Vai trò của người giáo viên ở đây là người tổ chức hướng dẫn học sinh phân tích cấu tạo chữ cái, chuẩn bị cho giai đoạn luyện tập viết chữ tiếp theo.
Ví dụ: Khi dạy chữ cái a, giáo viên có thể đặt câu hỏi: - Chữ a cấu tạo bằng những nét nào?
- Nét thứ nhất của chữ a là nét gì? - Nét thứ hai là nét gì?
- Chữ cao mấy ô?
- Độ rộng của chữ bao nhiêu?
2.4.3 Phương pháp luyện tập
Giáo viên cần chú ý đến các giai đoạn của quá trình tập viết chữ. Việc hướng dẫn học sinh luyện tập thực hành phải tiến hành từ thấp đến cao giúp cho học sinh dễ tiếp thu. Lúc đầu là việc viết đúng hình dáng, cấu tạo, kích thước các cỡ chữ, sau đó là viết đúng dòng và đúng tốc độ quy định. Việc rèn luyện kĩ năng viết chữ phải được tiến hành đồng bộ ở lớp cũng như ở nhà, ở phân môn Tập viết cũng như ở các phân môn của bộ môn Tiếng Việt và các môn học khác.
Khi học sinh luyện tập viết chữ, giáo viên cần chú ý uốn nắn để các em cầm bút đúng và ngồi đúng tư thế. Bài viết đẹp phải đi kèm với tư thế đúng, rèn cho trẻ viết đẹp mà quên mất việc uốn nắn cách ngồi viết là một thiếu sót lớn của giáo viên. Cần lưu ý các hình thức luyện tập cơ bản sau:
- Tập viết chữ (chữ cái, chữ số, từ ngữ, câu) trên bảng lớp
Hình thức viết chữ trên bảng đen có tác dụng kiểm tra sự tiếp thu cách viết chữ và bước đầu đánh giá kĩ năng viết chữ của học sinh. Hình thức này thường dùng khi kiểm tra bài cũ hoặc sau bước giải thích cách viết chữ, bước luyện tập viết chữ ở lớp. Qua đó, giáo viên phát hiện chỗ sai của học sinh (về hình dáng, kích thước, thứ tự viết các nét…) để uốn nắn chung cho cả lớp hoặc đánh giá cho điểm.
- Tập viết chữ vào bảng con của học sinh
Đối với các em viết phấn mềm hơn viết chì, bảng con lại có thể xóa, lau, sửa nét dễ dàng. Khi học sinh luyện viết bảng con giáo viên có thể cầm tay từng em khi học những bài đầu. Học sinh luyện tập viết chữ bằng phấn trên bảng con trước khi tập viết vào vở. Học sinh có thể tập viết chữ cái, viết các vần, các chữ hoặc từ có hai hay ba chữ vào bảng con. Khi sử dụng bảng con, giáo viên cần hướng dẫn các em cả cách lau bảng từ trên xuống, cách sử dụng và bảo quản phấn, cách lau tay sau khi viết để giữ vệ sinh (phải có giẻ ướt để lau bảng). Viết vào bảng xong, học sinh cầ giơ lên để giáo viên kiểm tra. Cần chú ý giữ trật tự trong lớp khi dùng hình thức luyện tập này và nên tận dụng hai mặt bảng khi viết.
Đối với học sinh lớp 1, cần phải có mẫu trình bày bảng con từng nội dung để học sinh nhìn vào đó mà viết theo.
- Luyện tập viết chữ trong vở tập viết
Muốn cho học sinh sử dụng có hiệu quả vở tập viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh chuẩn bị tốt về bút và vở, trong vở phải có giấy kê tay hoặc giấy thấm, cũng như hướng dẫn tỉ mỉ nội dung và yêu cầu về kĩ năng viết của từng bài viết (chữ mẫu, các dấu chỉ khoảng cách chữ, dấu vị trí đặt bút, thứ tự nét viết…) giúp các em viết đủ, viết đúng số dòng đầu tiên ở mỗi phần bài viết. Việc đảm bảo tốt các công việc trên sẽ giúp các em viết tốt hơn những dòng sau.
- Luyện tập viết chữ khi học các môn khác
Cần tận dụng việc viết các bài học, bài làm ở các môn học khác để học sinh tập viết. Đối với lớp 1 nói riêng, bậc Tiểu học nói chung, sụ nghiêm khắc của giáo viên về chất lượng chữ viết ở tất cả các môn học là cần thiết. Có như thế, việc luyện viết chữ mới được củng cố đồng bộ, thường xuyên. Việc làm này đòi hỏi giáo viên ngoài những hiểu biết về chuyên môn còn cần có sự kiên trì, cẩn thận, lòng yêu nghề, mến trẻ.
2.4.4 Phương pháp kể chuyện nêu gương
Khi dạy tập viết cho học sinh, điều quan trọng là phải gây được hứng thú, làm cho học sinh yêu thích rèn viết chữ đẹp. Từ đó các em say mê và quyết tâm rèn chữ cho đẹp. Giáo viên có thể nêu những gương sáng về rèn chữ viết, kể những câu chuyện về rèn chữ như: Thần siêu luyện chữ, Chữ người tử tù, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu...
Ví dụ: Chuyện kể về Cao Bá Quát
“Cao Bá Quát là một nhân vật lịch sử đầu thế kỉ XIX, ông không những nổi tiếng giỏi thơ văn mà còn là người viết chữ đẹp (người xưa có câu “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, nghĩa là những người giỏi văn chương như các ông Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì trước đời nhà Hán chưa từng có).
Chuyện kể rằng: Thuở đi học, Cao Bá Quát hay viết ngoáy, “chữ xấu như gà bới” nên chính đoạn văn ông viết ra, ông cũng không đọc được nữa. Nhiều bài văn của ông rất hay vẫn bị thầy cho điểm kém.
Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản;
- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu oan, nhờ thầy viết giúp cho lá đơn. Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:
- Ngỡ việc gì, chứ viết lá đơn đưa lên cửa công, tôi xin sẵn lòng ngay.
Lời lẽ trong đơn rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét oan cho bà cụ. Nào ngờ chữ ông xấu quá, quan đọc không ra nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường. Về nhà bà cụ kể lại, Cao Bá Quát rất buồn và ân hận. Ông thấy ràng dù văn hay đến đâu mà chữ xấu không ai đọc được thì cũng chẳng ích gì. Từ đấy ông ra sức luyện viết chữ sao cho đẹp.
Sáng sáng, ngay lúc ngủ dậy, ông cầm que vạch lên cột nhà một nét sổ thẳng cho thật cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông còn mượn những cuốn sách viết chữ đẹp để làm mẫu tập viết nhiều kiểu chữ khác nhau.
Kiên trì luyện tập như thế suốt mấy năm liền, chữ ông ngày một đẹp và ông đã trở thành người có tài viết đủ các kiểu chữ. Kiểu chữ nào ông viết cũng đẹp và rõ ràng.”
(Theo Truyện đọc lớp 1, 1995)
Ngoài ra, giáo viên cần nêu ngay những gương người thật việc thật.
Ví dụ: Em A chữ viết đẹp nhất trường, các em hãy quan sát chữ viết của bạn và học tập. Giáo viên có thể phô tô các bài viết của học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia để làm mẫu cho các em,đồng thời động viên các em nếu cố gắng, kiên trì rèn luyện thì chữ viết của các em cũng đạt được như vậy thậm chí có thể đẹp hơn. Khi đã gây được hứng thú chi học sinh, lúc đó các em rất thích rèn viết chữ đẹp. Cô giáo lúc này sẽ cung cấp các bài tập để rèn kĩ năng viết.
2.4.5 Phương pháp chia nhóm
Căn cứ vào đặc điểm của từng chữ cái, căn cứ vào các nét đồng dạng giữa các chữ cái trong bảng chữ cái, căn cứ vào kích thước quy trình viết các chữ cái. Chúng ta có thể chia nhóm chữ như sau:
* Chữ thường có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm 1: i, u, ư, t, p, y, n, m, v, r, s
Nhóm 2: l, b, h, k
Cần chú ý khi dạy các chữ thường là phân tích kĩ chữ đầu tiên của nhóm. Dựa vào nét chữ đồng dạng với đầu nhóm, giáo viên cho học sinh tự rèn các chữ còn lại chú ý nhắc học sinh rèn kĩ các nét cơ bản.
* Chữ hoa.
Dựa và các nét chữ đồng dạng ta chia chữ cái viết hoa thành các nhóm như sau: + Nhóm 1: A, Ă, Â, N, M + Nhóm 2: P, B, R, D, Đ + Nhóm 3: C, G, S, L, E, Ê, T + Nhóm 4: I, K, V, H, K + Nhóm 5: O, Ô, Ơ, Q + Nhóm 6: U, Ư, Y, X
Tương tự khi dạy chữ viết hoa, chúng ta cũng cần chú ý cho học sinh phân tích kĩ chữ đầu tiên của nhóm, tập viết thật kĩ chữ đầu tiên của nhóm cho thật đẹp, từ đó học sinh có thể phân tích và tự rèn các chữ còn lại.
Việc chia nhóm như vậy giúp học sinh so sánh được cách viết các con chữ, tìm ra điểm giống nhau và khác nhau, độ cao, … Từ đó học sinh nắm chắc cách viết và các em sẽ viết được chuẩn hơn.
2.4.6 Tổ chức trò chơi
Trong mỗi tiết học, giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi để gây hứng thú cho các em để tránh mệt mỏi, căng thẳng. Tùy theo nội dung từng bài dạy mà giáo viên có thể tổ chức các trò chơi khác nhau.
Ví dụ: Thi “Viết chữ đẹp”, “Viết nhanh, viết đúng”, “Tay xinh viết đẹp”…
Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” trong từng tháng. Trong tiết sinh hoạt hoặc sau mỗi tiết dạy, giáo viên cần tuyên dương, khen ngợi những em có bài viết đẹp, trình bày sạch sẽ. Những bài viết đẹp của học sinh sẽ được treo trang trọng trên bảng Hoạt động của lớp để các em khác noi theo. Hàng tháng có tổng kết, khen thưởng cho những học sinh có nhiều tiến bộ trong việc rèn chữ, giữ vở để các em cố gắng viết đẹp hơn.