3.1 Về đầu tư xây dựng cơ bản:
Đến năm 2000 các dự án mới đã bắt đầu được triển khai, song với tiến độ còn chậm và hầu như tất cả các dự án còn đang dở dang. Nhìn chung các công ty, xí nghiệp có dự án đầu tư đều rất thiếu kinh nghiệm và khá lúng túng trong việc tiến hành các thủ tục đầu tư, nên tiến độ rất chậm. Ngoài ra, thiếu nhiều người có năng lực và trình độ cho những công
trình đầu tư mới cộng với bộ máy quản lý vẫn cồng kềnh rườm rà, ảnh hưởng không ít tới hiệu quả điều hành công việc. Đây cũng là một trong những vấn đề mà ngành cần quan tâm trong những năm tiếp theo, nhằm nhanh chóng tạo ra các công suất mới, tạo nên sự đột biến trong việc nâng cao sản lượng và cho ra đời các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
3.2 Về công tác tài chính:
Thiếu vốn lưu động là một căn bệnh trầm kha của hầu hết các các đơn vị trong ngành. Nguyên nhân của việc thiếu vốn chủ yếu tập trung ở 3 vấn đề:
•Sản xuất được đẩy mạnh, sản lượng được nâng cao nhưng vốn lưu động không được bổ sung thêm
•Công nợ phải thu của các doanh nghiệp lớn luôn ở mức cao (Riêng ở Tổng Công ty Giấy Việt Nam là 600 tỷ đồng, chiếm 1/3 doanh thu)
•Lượng dự trữ vật tư và sản phẩm tồn kho ở mức cao, làm vốn kinh doanh bị ứ đọng. Trong toàn Tổng Công ty, nhóm dự trữ (gồm vật tư, nguyên liệu, sản phẩm, hàng hoá) chiếm một tỷ lệ rất lớn, bằng khoảng 40 – 65% tài sản lưu động và bằng 25 – 35% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Trong lúc đó, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản lại thấp (Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2001 của Tổng Công ty Giấy Việt Nam gần 700 tỷ, nhưng thực tế cho đến hết tháng 6 cũng mới giải ngân được 4 tỷ, đạt 8% so với kế hoạch năm), vốn tín dụng được phân bổ lại không được sử dụng hết, do tiến độ đầu tư quá chậm. Việc triển khai và thực hiện dự án cũng không đồng bộ, nên phát sinh lãi vay ngoài kế hoạch. (Riêng Tổng Công ty số dư nợ ngắn hạn ngân hàng đến 31/12/2000 dự kiến trên 600 tỷ đồng, lãi phải trả hàng năm đạt con số 62 tỷ đồng)
Đối với Tổng Công ty Giấy Việt Nam, trong 5 năm thì chỉ có năm 1997 được cấp bổ sung vốn lưu động 11,580 triệu đồng và một vài công trình đầu tư xây dựng cơ bản nhỏ bé được cấp vốn (mang tính thí nghiệm, ứng dụng), còn lại nguồn vốn kinh doanh tăng là do tiếp nhận một số đơn vị có số vốn kinh doanh không lớn về Tổng Công ty như Công ty Diêm Thống Nhất, Diêm Hoà Bình, Nhà máy Gỗ Đồng Nai. Do vậy nguồn vốn kinh doanh của Tổng Công ty không có thay đổi lớn và hiện đang dao động ở mức trên 1.000 tỷ đồng. Chính nguồn vốn đầu tư không được cấp bổ sung nên công tác xây dựng cơ bản chủ yếu dựa vào nguồn vốn khấu hao là chính. Hàng năm nguồn vốn này không lớn (khoảng 100 tỷ đồng) so với việc đầu tư cải tạo ngành giấy, còn việc đầu tư mở rộng và đầu tư
mới là không thể được vì suất đầu tư và quy mô đầu tư hợp lý của ngành giấy là rất lớn (suất đầu tư khoảng 1.000 – 2.000 USD/tấn giấy với quy mô trên 50.000 tấn/năm).
3.3 Về công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật:
Các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật chủ yếu tập trung vào những vấn đề khá bức xúc hiện nay như xử lý môi trường; nghiên cứu sử dụng nguyên liệu mới, nghiên cứu công nghệ mới nhằm giảm thiểu độ ô nhiễm môi trường, nghiên cứu công nghệ tạo ra sản phẩm mới, nghiên cứu công nghệ tái sinh giấy loại… Các đề tài nghiên cứu khoa học chủ yếu do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đảm nhận. Một số đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp ngành đã được triển khai thực hiện, trong đó, một số đề tài đã được đánh giá đạt loại xuất sắc hoặc khá và đã được nghiệm thu. Tuy nhiên, việc áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất đang thực sự có những khó khăn về tính khả thi của nó, cũng như khả năng đầu tư của các đơn vị trong ngành.
3.4 Những vấn đề khác
Thứ nhất, thủ tục hành chính hiện tại vẫn còn quá rườm rà, không nhất quán, làm đi làm lại nhiều lần. Nhiều công đoạn mang tính hình thức, yếu tố này gây chậm trễ rất nhiều cho quá trình đầu tư phát triển và cản trở việc giải quyết nhanh thủ tục để giải ngân kịp thời. Thứ hai, chính sách cho các công trình đầu tư, trồng rừng vẫn chưa rõ ràng. Thứ ba, Nhà nước chưa có quan tâm đúng mức nên việc định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước chưa đạt hiệu quả…
PHẦN III