Tình hình đầu tư cho ngành giấy Việt Nam thời gian qua.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010 (Trang 26 - 28)

Công nghiệp giấy Việt Nam trong những năm qua đạt những thành tựu đáng kể về gia tăng sản lượng và nâng cao hệ số huy động năng suất vận hành. Nhiều xí nghiệp sản xuất giấy được đầu tư mở rộng hoặc xây dựng mới. Năng lực sản xuất công nghiệp giấy Việt Nam đã tăng thêm 275.000 tấn và đạt 450.000 tấn. Nhịp độ tăng trưởng trong thời kỳ năm 1995 - 2000 đạt 63,64%. Bình quân hàng năm tăng trưởng 12,73%.

Để đạt được những thành tựu trên trong 5 năm qua (1996 – 2000) ngành giấy đã phải cố gắng rất nhiều. Đặc biệt các đơn vị trong Tổng Công ty Giấy Việt Nam, tuy vốn liếng ít ỏi, vẫn biết kết hợp cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, tăng năng suất và tiết kiệm, với việc đầu tư cải tạo và nâng cấp thiết bị, nâng cấp dây chuyền, không những tạo ra công suất mới mà còn đưa được chất lượng nhiều mặt hàng lên tiếp cận với mức trung bình của thế giới và tạo ra được một số mặt hàng mới.

Những hạng mục nổi bật thực hiện ở các đơn vị trong Tổng Công ty thời gian 1996-2000 (với tổng vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD) gồm: hệ thống thu hồi kiềm 15.000 tấn/năm, kết hợp việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường với cân đối dây chuyền sản xuất ở Giấy Đồng Nai; dây chuyền đóng vở tập công suất 100 triệu cuốn/năm ở Giấy Viễn Đông; dây chuyền khử mực DIP giấy loại 20.000 tấn/năm ở Giấy Tân Mai; cải tạo phần ướt máy xeo, lắp đặt hệ thống QCS kiểm soát chất lượng sản phẩm và một loạt sửa chữa ở hệ thống lò hơi, hệ thống nước, điện phân muối ở Giấy Bãi Bằng; cải tạo nâng cấp máy xeo 1, 2, 3 (đưa công suất lên 60.000 tấn/năm) ở Giấy Tân Mai; cải tạo phần ướt và hệ thống van hơi, cấp hơi máy xeo ở Giấy Việt Trì; nâng cấp máy xeo 1 ở Giấy Đồng Nai (lên 10.000 tấn/năm); cải tạo thay thế một số thiết bị trong dây chuyền ở Giấy Hoàng Văn Thụ, Giấy Vạn Điểm, Giấy Hoà Bình…

Tổng giá trị máy móc thiết bị nghi khí bổ sung và nâng cấp đã lên tới 664 tỷ đồng, chi phí sửa chữa tới 428 tỷ đồng (chiếm khoảng 6% tổng doanh thu sản xuất kinh doanh trong 5 năm của Tổng Công ty – gần 7.000 tỷ đồng). Ngoài ra, Tổng Công ty còn chi tới 15,5 tỷ đồng cho công tác an toàn lao động và kiểm định thiết bị áp lực; 6,7 tỷ đồng cho công tác bảo đảm môi trường.

Đáng chú ý là, cũng trong 5 năm qua, nhất là trong 3 năm gần đây, các đơn vị sản xuất giấy in, giấy viết của Tổng Công ty đã lần lượt áp dụng thành công chuyển đổi công nghệ gia keo từ môi trường axít sang môi

trường kiềm hoặc trung tính, sử dụng chất độn CaCO3 với tỷ trọng cao hơn hẳn chất độn trước kia, không những làm tăng được chất lượng giấy mà còn tiết kiệm một lượng đáng kể bột giấy. Từng bước, công nghệ này đi dần vào hoàn thiện, tạo cơ sở vững chắc cho việc ổn định chất lượng và sản lượng của các công ty lớn trong Tổng Công ty.

Đặc biệt một số tiến bộ về khoa học công nghệ trong giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.

Một số sản phẩm có bước tiến khá rõ nét, đạt được Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) như giấy in báo Tân Mai loại A, giấy in, viết, photocopy Bãi Bằng loại A, giấy in, viết Tân Mai loại A, giấy in, viết Đồng Nai loại B, Việt Trì loại B. Một số sản phẩm khác đạt Tiêu chuẩn Ngành (TCN) như giấy bao gói, bìa màu, cáctông của Giấy Bình An loại B, Vạn Điểm loại B, Việt Trì loại A, Hoàng Văn Thụ loại B, Hoà Bình loại B, Tân Mai loại A. Các đơn vị đạt mức chất lượng cao nhất về một số mặt hàng gồm Giấy Bãi Bằng về giấy in, viết, Giấy Tân Mai về giấy in báo, Giấy Tân Mai và Việt Trì về cáctông lớp mặt.

Trong phấn đấu giảm tiêu hao vật chất cho sản xuất giấy, các đơn vị thuộc Tổng Công ty cũng đã đạt được thành tích quan trọng: với mục tiêu định mức dùng nước dưới 40 m3 cho một tấn giấy thì các đơn vị đã đạt được 65 – 85 m3, định mức dùng điện đạt 800 – 900 kwh cho một tấn sản phẩm so với chỉ tiêu 700 kwh, định mức bột giấy đạt 970 – 1.060 kg cho 1 tấn giấy so với chỉ tiêu 900 kg. Tiến bộ rõ rệt có tiết kiệm hơi và nước trong sản xuất giấy in báo Tân Mai, tiết kiệm bột giấy trong sản xuất giấy in, viết Bãi Bằng, tiết kiệm nước trong sản xuất giấy in, viết ở Giấy Đồng Nai, tiết kiệm bột và nước trong sản xuất giấy in, viết Việt Trì, tiết kiệm than và điện trong sản xuất giấy bao gói Hoàng Văn Thụ, cáctông Vạn Điểm và giấy bao gói Hoà Bình.

Nổi bật nhất trong các đơn vị của Tổng Công ty là Công ty Giấy Bãi Bằng, Công ty Giấy Việt Trì và Công ty Giấy Tân Mai, các đơn vị này đều đã nêu lên các tiến bộ của đơn vị mình về mặt ứng dụng các công nghệ mới, phát huy sáng kiến, kết hợp với đầu tư cải tiến và nâng cấp dây chuyền.

Tuy vậy, phần gia tăng năng lực sản xuất từ năm 1995 đến nay chỉ tập trung đầu tư những xí nghiệp quy mô nhỏ từ 1.000 – 1.500 tấn/năm; công nghệ, thiết bị phần lớn của Trung Quốc chỉ tương đương những công nghệ, thiết bị hiện có (cũ) và phần lớn các công trình đầu tư đó tập trung ở các địa phương. Một số dự án đầu tư mới ứng dụng công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất 50.000 – 100.000 tấn/năm được thiết lập. Khó khăn nhất là thiếu

nguồn vốn để triển khai đầu tư các dự án xây dựng nhà máy sản xuất chế biến và các dự án quy hoạch, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất ổn định lâu dài.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010 (Trang 26 - 28)