+ Ai là người xác định mục tiêu lạm phát
Xét về mặt lý thuyết, Chính phủ thường là người đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Xét về mặt thực tế, việc đưa ra mục tiêu này đều dựa vào sự tư vấn của Bộ trưởng Tài chính hoặc của Thống đốc NHTW, nhưng cũng có những trường hợp Chính phủ chỉ đưa ra định hướng thực thi chính sách tiền tệ theo chính sách mục tiêu lạm phát, còn mục tiêu cụ thể lại do Thống đốc NHTW quyết định sau khi có tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Tài chính( tuỳ luật áp dụng của từng quốc gia trên thế giới).
+ Đo lường mức độ lạm phát mục tiêu
Trước hết là phải xác định chỉ số đo lường lạm phát: hầu hết các nước theo đuổi chính sách này lựa chọn chỉ số giá tiêu dùng CPI để tính lạm phát mục tiêu bởi vì chỉ số này quen thuộc và dễ hiểu đối với công chúng. Tuy nhiên, trong cách tính CPI của mỗi nước cũng có khác nhau. Thường thì để cho việc dự đoán lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ sát với mục tiêu hơn các nước thường quan tâm đến việc tỷ lệ lạm phát cơ bản tức CPI có loại trừ giá cả của các mặt hàng hay có biến động lớn( tránh cú sốc).
Sau khi đã xác định được chỉ số tính, việc tiếp theo là phải xác định lạm phát mục tiêu là một con số cụ thể hay dao động trong một khoảng. Đồng thời, trong khoảng mục tiêu đó, có nước lại chọn điểm giữa khoảng như là tỷ lệ lạm phát trung tâm để điều hành chính sách tiền tệ sao cho tỷ lệ lạm phát nằm trong khoảng mục tiêu nhưng cố gắng càng bám sát tỷ lệ lạm phát trung tâm càng tốt [16, tr.89].
Việc tiếp theo là xác định tỷ lệ lạm phát như thế nào là hợp lý? Như chúng ta đã biết, lạm phát ở mức độ nào đó có tác dụng kích thích sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm thất nghiệp. Chính vì vậy, việc xác định tỷ lệ lạm phát mục tiêu rất quan trọng. Về bản chất, mục tiêu lạm phát gắn với chỉ số lạm phát, do đó, việc xây dựng mục tiêu lạm phát có nghĩa là xây dựng một chỉ số lạm phát cụ thể và điều này được xem như mục tiêu ổn định giá cả trong một số năm tiếp theo. Tuy nhiên, ổn định giá cả ở đây không có nghĩa
là lạm phát bằng 0 mà phải được hiểu là chỉ số lạm phát có thể ở mức trên 0 nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu ổn định giá cả.
Trong cách tính chỉ số lạm phát, cần thiết phải có sự loại trừ giá cả của một số mặt hàng có biến động lớn mà khó có thể dự báo được, đồng thời chỉ số lạm phát phải được công chúng quan tâm và được hiểu một cách dễ dàng.
+ Thời điểm nào là hợp lý:
Để hình thành một chính sách mục tiêu lạm phát tin cậy sẽ là rất quan trọng và cần thiết để đạt được một số thành công ban đầu trong việc kiểm soát lạm phát bởi vì việc đạt được những thành công này làm cho dân chúng tin tưởng vào các chính sách đang được Chính phủ hiện hành áp dụng.
Một số vấn đề quan trọng là khung thời gian hợp lý như thế nào? Bởi vì chính sách tiền tệ ảnh hưởng lên lạm phát với độ trễ về thời gian tương đối dài, do đó, chính sách tiền tệ không thể đạt được mục tiêu lạm phát cụ thể ngay lập tức mà chỉ có thể đạt được sau một thời gian nhất định. Ngoài ra, các cú sốc có thể xảy ra trong khoảng thời gian giữa điểm khởi xướng chính sách tiền tệ và thời điểm phát huy tác dụng của nó. Điều này có nghĩa nên xác định mục tiêu ở tầm trung hạn [50].
+ Việc thực thi phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và linh hoạt.
Sau khi đã xác định được các vấn đề trên, mục tiêu lạm phát phải được chuyển tải đến công chúng một cách rõ ràng, minh bạch và hiệu quả, để dân chúng hiểu được. Đồng thời, NHTW phải có trách nhiệm giải thích và công bố đến dân chúng về những thay đổi của chính sách với những lý do rõ ràng. Điều này làm tăng tính minh bạch và giảm độ trễ của chính sách tiền tệ đến những thay đổi giá cả và những quyết định tiền lương.
Tính linh hoạt của chính sách tiền tệ là nhằm đối phó lại với các cú sốc về tổng cung hay tổng cầu tức là chính sách này cho phép có độ lệch khỏi mục tiêu lạm phát và mục tiêu lạm phát có thể thay đổi theo thời gian [16, tr.90].