Trong những năm qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thưc hiện tốt hơn công việc soạn thảo, phối hợp soạn thảo và trình dự án pháp lệnh lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành. Các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về soạn thảo văn bản đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động soạn thảo pháp lệnh của các cơ quan, tổ chức dần đi vào nề nếp. Việc tổ chức soạn thảo được tiến hành quy củ hơn, từ việc thành lập Ban soạn thảo đến tiến hành công việc soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan vào dự án pháp lệnh. Cùng với sự đóng góp của các luật gia, nhà chuyên môn có kinh nghiệm, am hiểu về kỹ thuật lập pháp, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan, thành phần Ban soạn thảo ngày càng được mở rộng
hơn ngay từ giai đoạn đầu và thực tế cho thấy sự tham gia của họ là rất có hiệu quả.
Về chất lượng của các dự án: đa phần các pháp lệnh được ban hành đều đáp ứng được yêu cầu đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, góp phần tích cực vào việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và tính kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh khi Quốc hội chưa có điều kiện ban hành thành luật. Việc tuân thủ chặt chẽ quy trình soạn thảo theo quy định của pháp luật đã có tác động tích cực đến chất lượng dự án pháp lệnh. Sau khi các pháp lệnh có hiệu lực đã góp phần quan trọng vào việc hình thành khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó coi phát triển kinh tế là trung tâm, nhiều dự án pháp lệnh đã được ưu tiên tập trung soạn thảo và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, do các quy định hiện nay về Ban soạn thảo, chủ thể góp phần cơ bản vào tiến độ và chất lượng pháp lệnh, mới dừng lại ở việc liệt kê các chủ thể thành lập Ban soạn thảo, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của Ban soạn thảo trong từng giai đoạn soạn thảo, cũng như chưa có quy định rõ trách nhiệm của Trưởng ban soạn thảo, thành viên Ban soạn thảo, cho nên trong thời gian qua quá trình chuẩn bị dự án pháp lệnh thường bị kéo dài về mặt thời gian do thiếu điều tra, khảo sát thực tiễn trước khi tiến hành soạn thảo hay đề nghị xây dựng pháp lệnh để đánh giá đúng thực trạng các quan hệ xã hội, thực trạng các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành cũng như đánh giá mức độ cần tác động thích hợp của nhà nước. Một số dự án pháp lệnh chất lượng còn thấp do tiến hành soạn thảo khi khung chính sách pháp luật chưa được dự liệu đầy đủ, các quan hệ xã hội chưa được nghiên cứu
toàn diện; vẫn còn tình trạng ban hành pháp lệnh theo kiểu chắp vá, thiếu sự thống nhất trong nội dung của pháp lệnh.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan trình dự án phải gửi tờ trình, dự án pháp lệnh tới cơ quan thẩm tra để tiến hành thẩm tra, song trong hầu hết các trường hợp, thời hạn này không được bảo đảm gây nhiều khó khăn cho cơ quan thẩm tra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Soạn thảo pháp lệnh là một công đoạn quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ của dự án pháp lệnh. Ngoài một số pháp lệnh lớn, quan trọng có sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước cấp cao, phần lớn các dự án pháp lệnh đều rơi vào tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”; việc chuẩn bị kế hoạch cụ thể, chi tiết cho công tác soạn thảo được tiến hành một cách hình thức, chiếu lệ cho xong. Trình tự thực hiện các bước lộn xộn, trước sau không thống nhất, có việc đáng triển khai trước lại không tiến hành kịp thời làm ảnh hưởng đến các công đoạn sau, có việc cần tiến hành một lần thì lại làm đi làm lại, trùng lặp, gây tốn kém, kéo theo khó khăn là không tập hợp được các chuyên gia vào những thời điểm cần thiết, gây ảnh hưởng không tốt đến tiến độ cũng như chất lượng dự án pháp lệnh, khiến “… tiến độ chuẩn bị các dự án, đặc biệt là các dự án pháp lệnh còn chậm, nhiều khi không kịp với chương trình làm việc của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra dự án, dẫn đến việc xem xét, thông qua gặp nhiều khó khăn. Chất lượng chuẩn bị một số dự án pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nên phải mất nhiều thời gian cho việc xem xét, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản. Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh chưa được chuẩn bị chu đáo để trình đồng thời với dự án pháp lệnh, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả thi hành của pháp lệnh” [41, tr.2].
Một thực tế hiện nay là đối với dự án do Chính phủ soạn thảo gần như “khoán trắng” cho bộ chủ trì với tâm lý khá phổ biến là coi hoạt động của Chính phủ trong việc chuẩn bị dự thảo pháp lệnh như “một việc làm thêm”, bên cạnh hàng loạt các hoạt động quản lý hành chính nhà nước khác. Cũng bởi vậy mà thời gian dành cho các thành viên Chính phủ tham gia nghiên cứu, thảo luận để quyết định trình dự án pháp lệnh chưa đầy đủ, chủ yếu là lấy ý kiến bằng cách gạch vào ô phiếu nên khi trình ra cơ quan có thẩm quyền thì không có sự thống nhất ngay với cả ý kiến trong tờ trình của Thủ tướng. Hơn nữa, việc lấy ý kiến các bộ, ngành để xây dựng văn bản còn mang tính hình thức và trong nhiều trường hợp, Ban soạn thảo không tiếp thu được gì trong những ý kiến này bởi nó thực sự không chất lượng như mong muốn của Ban soạn thảo.
Hoạt động xây dựng pháp lệnh gồm nhiều giai đoạn khác nhau và một phần đáng kể trong các giai đoạn đó hiện do Chính phủ đảm trách. Mặc dù Hiến pháp năm 1992 quy định cho nhiều cơ quan, tổ chức có quyền trình dự án pháp lệnh nhưng trên thực tế hầu hết các pháp lệnh đều thuộc trách nhiệm của Chính phủ xây dựng, trình và sau khi pháp lệnh được ban hành, Chính phủ lại có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Đơn cử như Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, kể từ khi được ban hành cho đến nay đã có trên dưới 50 nghị định của Chính phủ hướng dẫn. Cũng có những dự án phạm vi điều chỉnh còn thiếu toàn diện, chưa lường trước một cách tối đa các tình huống có thể xảy ra, gây nên sự lúng túng trong quá trình áp dụng; hay chưa được trình kèm theo danh mục các quy định của pháp luật cần được bãi bỏ; chưa định rõ phạm vi hành động của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật mà đôi khi lạm dụng cách thể hiện “theo các quy định của pháp luật”.
Điểm d khoản 4, điểm g khoản 1 Chỉ thị số 31/2006/CT-TTg quy định:
“4. Văn phòng Chính phủ:
... d) Trả lại cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh không
trình đồng thời dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nếu dự án đó có nội dung cần quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành;
g) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
… Chịu trách nhiệm về việc dự án luật, pháp lệnh bị trả lại theo quy định tại điểm d khoản 4 Chỉ thị này.”
Như vậy, việc “trả lại” cơ quan chủ trì soạn thảo có phải là chế tài pháp lý duy nhất “quá nhẹ” hay không mà cho tới nay, trên thực tế thì hầu như các dự án pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều thiếu loại văn bản hướng dẫn này, mặc dù trong dự án pháp lệnh có quy định phải cần hướng dẫn thi hành.