Về việc thẩm tra dự án pháp lệnh

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 58 - 61)

Bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định một cơ chế thẩm tra khá đầy đủ và đồng bộ nên trong thời gian qua, công tác thẩm tra đã đạt được kết quả khá tốt, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng văn bản soạn thảo, đảm bảo được tiến độ xem xét, thông qua. Tất cả các pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều được Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội thẩm tra trước khi trình với phạm vi thẩm tra gồm: đối tượng, phạm vi điều chỉnh, tính khả thi của pháp lệnh, ngôn ngữ pháp lý, sự phù hợp của nội dung dự án với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của pháp lệnh với hệ thống pháp luật. Nội dung báo cáo thẩm tra nhìn chung đạt chất lượng tốt, đã

đưa ra được phương án xử lý những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan được hỏi ý kiến trong quá trình soạn thảo.

Thực tế cho thấy, nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội chấp nhận. Bởi cơ quan thẩm tra thường xem xét dự án trên nhiều phương diện và không né tránh những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời cũng đề xuất các giải pháp để tránh khuynh hướng cục bộ, chủ quan mà cơ quan trình dự án vì nhiều lý do thường khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, từ thực tiễn của hoạt động thẩm tra cho thấy, Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội có lúc, có việc còn lúng túng trong cách đánh giá và đưa ra phương án xử lý đối với từng vấn đề cụ thể của dự án được thẩm tra. Có những báo cáo thẩm tra chưa thực sự đi sâu vào những vấn đề quan trọng như phân tích những chính sách, tỏ rõ thái độ của cơ quan mình trong những vấn đề thuộc về quan điểm hay còn nhiều ý kiến khác nhau được thể hiện trong dự án mà đôi khi chỉ tập trung vào ý kiến của Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội tham gia thẩm tra. Nhìn chung, việc tham gia thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội còn mang tính hình thức, thường do đại diện của bộ phận thường trực tham dự và phát biểu ý kiến cá nhân, mà hầu như chưa có một cơ quan nào chủ động tổ chức họp và phát biểu ý kiến độc lập với tư cách là cơ quan được giao trách nhiệm tham gia vào quá trình thẩm tra dự án pháp lệnh. Hơn nữa, phần lớn các đại biểu Quốc hội tham gia Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội đều hoạt động kiêm nhiệm và sinh hoạt tại địa phương, cơ sở nên việc bảo đảm chế độ hoạt động tập thể và quyết định theo đa số của hai loại cơ quan này cũng là một vấn đề được đặt ra khi nghiên cứu tìm cách nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra các dự án.

Cũng bởi đặc điểm tổ chức của Uỷ ban pháp luật mà việc phối hợp thẩm tra với Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật trên thực tế chỉ

được thực hiện bởi thường trực Uỷ ban pháp luật, trong khi đơn vị này thường không đủ người để tham gia phối hợp thẩm tra một cách thường xuyên với các dự án luật chứ chưa nói đến các dự án pháp lệnh.

Đọc qua báo cáo thẩm tra của một số dự án pháp lệnh ta thấy, các báo cáo này thường dùng các cụm từ “có đa số” hay “một số thành viên Hội đồng hoặc Uỷ ban” hay “có ý kiến cho rằng” hay “một số thành viên uỷ ban cho rằng” nhất trí hoặc có ý kiến khác về dự án pháp lệnh mà không ghi cụ thể số lượng là bao nhiêu trong báo cáo. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số văn bản pháp luật khác cũng chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ số người là thành viên của Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội là bao nhiêu để phiên họp đó được coi là hợp lệ, báo cáo thẩm tra đó mới có giá trị pháp lý và thể hiện kết quả làm việc tập thể của cơ quan thẩm tra; hoặc chưa có quy định chặt chẽ và dự liệu cơ chế giải quyết những trường hợp có ý kiến khác nhau trong quá trình thẩm tra dự án pháp lệnh. Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan cũng không quy định cụ thể về cách thức tiến hành thẩm tra sơ bộ. Do đó, nếu căn cứ vào quy định của pháp luật thì về nguyên tắc hoạt động, trong mọi trường hợp thẩm tra, các Uỷ ban của Quốc hội đều phải tiến hành phiên họp toàn thể. Song do khó khăn về mặt tổ chức, điều kiện hoạt động của các thành viên Uỷ ban mà việc thẩm tra sơ bộ dự án đa phần chỉ tiến hành phiên họp thường trực uỷ ban, mà không tổ chức phiên họp toàn thể, cũng như việc tổ chức phiên họp liên tịch giữa các uỷ ban trên thực tế là không thực hiện được, mà thay vào đó là việc uỷ ban chủ trì thẩm tra mời đại diện thường trực của Hội đồng dân tộc, các uỷ ban hữu quan tham dự (thậm chí có khi đơn vị được mời chỉ cử cán bộ cấp vụ hoặc chuyên viên của Vụ giúp việc tới dự). Điều này dẫn tới việc thẩm tra một số dự án pháp lệnh chưa đảm bảo được đúng các yêu cầu đặt ra.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 58 - 61)