Về khâu đưa kiến nghị pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 53)

luật, pháp lệnh

Sau thời gian dài thực hiện các quy định về lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhìn chung các kế hoạch đã được xây dựng trên cơ sở xem xét nhu cầu quản lý, thực trạng kinh tế xã hội và đặc biệt là từ yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng soạn thảo của từng văn bản, tăng cường tính chủ động trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể:

- Việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã từng bước đáp ứng được yêu cầu kế hoạch hoá công tác lập pháp. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI (2003-2007) và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho từng năm của nhiệm kỳ đã được chuẩn bị tương đối tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng và ban hành một số lượng lớn các pháp lệnh, đặc biệt là sau khi thực hiện quy trình sửa đổi theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2001. Nhìn chung, những vấn đề, lĩnh vực phức tạp, quan hệ xã hội còn nhiều biến động đều được ban hành dưới dạng pháp lệnh đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra.

- Với quy định bắt buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án phải nêu rõ tác động kinh tế - xã hội, các điều kiện đảm bảo cho việc soạn thảo dự án, thi hành pháp lệnh đã phần nào đảm bảo tính khả thi cao của việc xem xét, thông qua pháp lệnh cũng như việc triển khai pháp lệnh sau khi được thông qua. Đó cũng là những căn cứ thuyết phục cho việc lựa chọn những dự án cần thiết nhất, được chuẩn bị tốt nhất để đưa vào chương trình, tránh những ý muốn chủ quan, không sát thực.

Tuy nhiên, do thiếu một chiến lược lập pháp dài hạn hoàn bị nên các chương trình hàng năm thường chắp vá, bị động theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân trình dự án, chưa được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên hợp lý và thường vượt quá khả năng thực hiện. Việc dự kiến chương trình về mặt hình thức đã đáp ứng được các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan, song trên thực tế chưa thể hiện tính khoa học, thực tiễn mà chỉ là việc nghiên cứu một cách khái quát, nhiều khi mang tính chủ quan của người làm thuyết minh, chưa thực sự gắn với chương trình kinh tế - xã hội, chưa trở thành một bộ phận của chương trình này. Các bản thuyết minh về dự án thường được soạn thảo trong một thời gian ngắn, nhiều khi mang tính đại cương, chung chung, chưa phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng các vấn đề mà pháp luật yêu cầu nên chương trình chưa đánh giá được một cách sát thực tính cần thiết và tác động của

văn bản sau khi ban hành. Hơn nữa, một số cơ quan chưa đánh giá thực trạng tình hình thực hiện các văn bản hiện hành, cũng như chưa xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tế phải điều chỉnh dẫn tới khi tiến hành xây dựng văn bản thường lúng túng trong việc xác định phạm vi, đối tượng, nội dung cần điều chỉnh. Trên thực tế, có những văn bản thật sự cần thiết phải ban hành để kịp thời điều chỉnh những thay đổi của công cuộc đổi mới, những yêu cầu bức xúc của đời sống xã hội thì lại chưa được dự kiến hoặc ban hành và ngược lại; đôi khi có biểu hiện của sự “chạy” đưa dự án vào chương trình để có kinh phí, có tài trợ, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho cán bộ viên chức. Cũng bởi thứ tự ưu tiên chưa được xác định rõ nên khi chương trình được thông qua, có khi văn bản đã được ban hành song khả năng áp dụng lại không cao. Như Tiến sỹ Vũ Đức Khiển đã nhận xét: “Lâu nay, khi lập chương trình, chúng ta thường dung hoà ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan để đưa vào chương trình một số lượng nhiều nhất các dự án luật, pháp lệnh mà không xem xét một cách tỉ mỉ, chu đáo những yêu cầu, nội dung đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định” [29, tr.6].

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)