NHTMCP SÀI GÒN
3.2.6. Coi trọng nhưng không quá ỷ lại vào TSĐB.
Tài sản đảm bảo là một trong những yếu tố quan trọng mà ngân hàng phải xem xét trước khi quyết định cho vay. Vì tài sản đảm bảo là nguồn trả nợ thứ cấp cho khoản vay nếu dự án kinh doanh của khách hàng gặp rủi ro, dòng tiền của khách hàng về không đúng như dự kiến. Tuy nhiên, khoản vay sẽ phải được thanh toán bằng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ không phải từ tài sản nên tài sản đảm bảo chỉ nên là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ để ngân hàng quyết định có cho vay hay không. Vì thực tế tại
nhiều ngân hàng ở Việt Nam đã cho thấy rất nhiều những khoản vay đã được xét duyệt giải ngân chỉ dựa vào tài sản đảm bảo lại trở thành nợ quá hạn. Như vậy, cán bộ tín dụng tại SCB- chi nhánh Hà Nội khi tiếp cận với các khoản vay có tài sản đảm bảo thì nên chú ý một số vấn đề.
Đầu tiên là các điều kiện cần thiết về TSĐB: Quyền sở hữu, quyền sử dụng, và bắt buộc phải được cơ quan Nhà nước chứng nhận. Ngoài ra có rất nhiều tài sản đảm bảo chịu nhiều biến động kinh tế giá cả, chu kỳ kinh tế, hệ thống pháp lý, như cầm cố cho vay chứng khoán là một ví dụ điển hình. Và đặc biệt, khi nhận quyền phải thu làm tài sản đảm bảo tại SCB, cán bộ tín dụng phải thận trọng để quản lý dòng tiền vào ra của doanh nghiệp, thời hạn của hợp đồng, tính chất hợp pháp, tính chắc chắn của các hợp đồng kinh tế. Do vậy, cán bộ tín dụng cần phải có những đánh giá chính xác và phải có khả năng dự báo những thay đổi về giá trị của tài sản đó, tránh tình trạng cán bộ tín dụng tin vào các thông tin do khách hàng cung cấp mà đánh giá quá cao so với giá trị TSĐB, đến khi phát mại thì ngân hàng chịu thiệt hại nhiều, không thu hồi được vốn như dự đoán.
Hơn nữa, khi khoản vay có tài sản đảm bảo của khách hàng gặp vấn đề thì cán bộ tín dụng nên chủ động giúp đỡ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, chứ không nên ỷ lại, chờ đến lúc phát mại tài sản. Bởi nếu khách hàng đủ điều kiện được gia hạn nợ hoặc thấu chi, rất có thể việc kinh doanh của khách hàng được cải thiện và thậm chí còn phát triển hơn nữa, tạo mối quan hệ tốt giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Như vậy, ngân hàng sẽ ít thiệt hại hơn do phát mại tài sản thường gặp phải rất nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục, chi phí, thời gian, giá trị…
Ngoài ra, khi cho vay nếu khách hàng không có tài sản đảm bảo thì ngân hàng cũng không nên từ chối ngay yêu cầu vay vốn của khách hàng. Vì thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tuy không có tài sản đảm bảo nhưng lại
có phương án kinh doanh hiệu quả, uy tín tốt thì vẫn có thể là một trong những đối tượng được sử dụng vốn vay ngân hàng.
Do vậy, tuỳ theo mức độ tin cậy đối với từng khách hàng mà áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay thích hợp như: phải có tài sản thế chấp, cầm cố bảo đảm tiền vay, bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc bằng tín chấp... nhưng việc thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh vẫn là biện pháp quan trọng nhất để cho vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả được tiền vay. Việc trích lập và dự phòng để xử lý rủi ro là cần thiết để có nguồn để bù đắp rủi ro nhưng cũng làm tăng chi phí cho ngân hàng.