Thành công trong nghệ thuật viết truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc không chỉ thể hiện ở tính chân thật của đề tài, các chi tiết, sự việc, cốt truyện được miêu tả, ở nghệ thuật xây dựng nhân vật, mà còn ở lời văn súc tích, bối cảnh lịch sử – xã hội, khung cảnh thiên nhiên Nam Bộ hay quê hương được ông làm nền cho câu chuyện. Trong truyện Ba con cáo, nhà văn có những đoạn văn miêu tả cảnh trời mưa ở mảnh đất phía Nam Tổ Quốc thật ấn tượng: “Trời cứ mưa, mưa như cầm chỉnh mà đổ, mưa như một oanh tạc cơ định về căn cứ, đổ rốc hết bao nhiêu bom còn sót lại trên tàu, mưa cho ráo hết nước để rồi khô hạn được trong sáu tháng dài, mưa đêm chưa phỉ lại mưa ngày, mưa cho đến xương kẻ dưới mồ chắc cũng lạnh thấy tủy khô” [38; 678]. Truyện ngắn “Rung cây dừa” viết về một Lỗ Bình Sơn tân thời, một thầy giáo, vì sự phản bội của một người đàn bà đã rời bỏ mảnh đất con người trốn ra một hòn đảo trong quần đảo Củ Tron. Nhưng rồi “tiếng vang của loài người, của xã hội văn minh lại kêu réo như tiếng còi tàu thỉnh du. Còi tàu vẳng đưa lên hình bóng nước non xa lạ, còn tiếng con người lại nghê nga chơn trời cũ, bóng bạn xưa, không thúc dục như còi tàu, nhưng lại thỏ thẻ, nỉ non, dai dẳng như lời mời nhẫn nại của một người nhiều hảo ý và thiết tha đón khách” [38; 779]. Những câu văn đầy xúc cảm và giàu chất thơ như thế rất nhiều trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc. Khác với các tác giả sinh ra ở miền Bắc, nhưng toàn bộ hành trang cuộc đời và văn nghiệp đều gắn liền với phương Nam như Lê Văn Trương, Nguyễn Hiến Lê, nhưng đồng thời cũng khác với các nhà văn sinh ra ở Nam Bộ nhưng hoàn toàn viết theo lối Bắc như Đông Hồ và cũng không giữ nguyên đậm đặc chất liệu Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, văn chương Bình Nguyên Lộc thể hiện sự giao lưu văn hoá, đứng ở miền giao thoa văn hoá Bắc - Nam từ trong tâm thức, cách nhìn và nhất là giọng điệu văn chương.
Việc sử dụng từ địa phương trong sáng tác cho thấy Bình Nguyên Lộc am hiểu lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân Nam Bộ. Đọc tác phẩm của ông, người
đọc như được sống trong không gian Nam Bộ với những cảnh vật, con người sinh hoạt thật gần gũi, thân quen. Chính vì thế, tác phẩm của ông dễ dàng tìm được sự đồng cảm, đồng điệu từ độc giả nơi đây. Khi sử dụng một từ ngữ có tính chất đặc thù của phương ngữ miền Nam, ông thường tìm cách giải thích, truy nguyên nguồn gốc của nó ở ngoài Bắc thế nào, có khi còn phê bình là nơi nào dùng chính xác, hợp lý hơn, không chỉ trong văn phong khoa học, trong giọng điệu trần thuật hay miêu tả, mà còn thông qua ngôn ngữ nhân vật: "Con chàng hiu má à! Người Bắc thì kêu nó là con chẫu chuộc nghe ít ghê hơn tên của ta. Tiếng chàng hiu gợi hình dáng một con người mà là người ma, ghê quá." [39; 56].
Bình Nguyên Lộc được ca ngợi là nhà ảo thuật về ngôn từ, khi ông luôn có lối so sánh với những hình dung từ chính xác, đắc địa, hiện đại và tài hoa: "Là con trai tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to" [38; 705]; hoặc "Vịnh Thái Lan, phần thuộc hải phận Việt Nam, chi chít những đảo là đảo, như có đứa trẻ tinh nghịch nào hốt đá cuội mà vứt rải trên một cái ao con"
[38; 770]. Sức nặng trang văn của ông không chỉ ở vốn tri thức về văn hóa, mà còn ở sự kết hợp hài hoà giữa giọng kể và giọng tả, vừa thể hiện sự bộc trực của miệt quê nơi ông sáng tác, vừa phóng túng, mượt mà của một ngôn ngữ chuẩn mực phổ thông.
Trong hàng ngũ những nhà văn cách mạng từng sống và viết trong vùng đô thị miền Nam trước 1975, Bình Nguyên Lộc có một sức viết và một phong cách viết nổi bật. Văn xuôi của ông nói chung, truyện ngắn nói riêng, đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả miền Nam vì hiện thực bình dị, đời thường, vì tình cảm yêu quê hương đất nước, con người thấm đẫm trong từng trang viết, vì sự hấp dẫn ở nghệ thuật viết truyện. Có thể Bình Nguyên Lộc không có tác phẩm bất hủ để đời hay bao quát một phạm vi hiện thực xã hội rộng lớn, nhưng với những gì nhà văn đã cống hiến, nhất là ở thể loại truyện ngắn, văn học sử nước nhà đã ghi nhận xứng đáng công lao của ông. Ông xứng đáng là cây bút văn xuôi yêu nước nổi tiếng vùng đô thị miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
TIỂU KẾT CHƯƠNG I
Trên đây là những cơ sở cho việc nghiên cứu từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc.
Nam Bộ là một vùng đất mới, được hình thành trong quá trình nam tiến của những lưu dân từ Bắc và Trung Bộ, Việt Nam. Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh hoạt mới đòi hỏi con người phải có cách định danh sự vật hiện tượng trong cuộc sống hằng ngày bằng những từ ngữ mới, đó là phương ngữ Nam Bộ. Vì thế, có thể nói chính vùng đất mới đã tạo ra phương ngữ Nam Bộ và đến lượt mình, phương ngữ Nam Bộ đã khẳng định sự tồn tại rất riêng của vùng đất này và nét đẹp rất duyên trong cách nói năng của con người nơi đây. Cũng chính phương ngữ Nam Bộ đã làm phong phú cho vốn ngôn ngữ toàn dân, đặc biệt nó mang đến một màu sắc mới cho kho tàng văn học của nước nhà.
Văn chương Nam Bộ là một bộ phận của văn học Việt Nam nhưng nó mang những đặc điểm khác biệt nhất định do điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử đặc thù. Sự khác biệt rõ nhất là việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng tác. Có thể nói, Bình Nguyên Lộc là một đại biểu xuất sắc của văn chương Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Các sáng tác của ông là một minh chứng giúp ta hiểu rõ về phương ngữ Nam Bộ và tiến trình mà phương ngữ Nam Bộ tham gia vào tác phẩm văn chương.
Chương 2. KHẢO SÁT CÁC LỚP TỪ NGỮ ĐỊA PHƯƠNG TRONG TÁC PHẨM CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC