Trong lịch sử văn học miền Nam, với chủ trương thể hiện tinh thần yêu chuộng thứ tiếng nói nôm na, bình dị của quê hương, các nhà văn miền Nam đã đưa ngôn ngữ Nam Bộ vào trong sáng tác và đã tạo nên màu sắc riêng cho vườn hoa văn học nước nhà. Khoảng 1930 đến 1975, văn học miền Nam phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi được người đọc biết đến. Có những tác giả sinh ra ở miền Bắc nhưng cuộc đời và sự nghiệp sáng tác gắn liền với Nam Bộ, sáng tác của họ là sự pha trộn giữa ngôn ngữ miền Bắc và ngôn ngữ miền Nam như Lê Văn Trương, Nguyễn Hiến Lê. Cũng có những tác giả sinh ra, sống và sáng tác ở miền Nam nhưng sáng tác hoàn toàn theo ngôn ngữ miền Bắc như Đông Hồ, Mộng Tuyết. Đọc tác phẩm của họ,chúng ta hoàn toàn không thể phân biệt với các tác phẩm của các tác giả miền Bắc. Bên cạnh đó có những tác giả sử dụng thứ ngôn ngữ đặc sệt chất Nam Bộ như Sơn Nam, Phi Vân. . . Bình Nguyên Lộc lại có một cách vận dụng ngôn ngữ Nam Bộ khác.
Không chỉ là nhà văn mà còn là nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Bình Nguyên Lộc từng viết một số công trình khảo cứu đặc sắc như “Lột trần Việt ngữ”, “Nguồn gốc
Mã Lai của dân tộc Việt”,… thể hiện những tìm tòi, hiểu biết sâu rộng của ông về
thứ tiếng mẹ đẻ thân thương của mỗi con người Việt Nam. Am tường tiếng Việt, yêu tha thiết quê hương Nam Bộ, Bình Nguyên Lộc đã sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ làm chất liệu chính cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ngôn ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của ông là sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam và Bắc. Bởi lẽ sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ, nhưng Bình Nguyên Lộc vẫn luôn giữ tác phong tỉ mỉ, chu đáo của một nhà nghiên cứu khi thường hay đệm vào tác phẩm của mình những dẫn giải, so sánh ngôn ngữ hai miền Nam Bắc. Nhìn chung, ngôn ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc có được sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa sắc thái phương ngữ Nam Bộ đậm đà và chất trau chuốt, mượt mà của tiếng Việt phổ thông. Đặc điểm này thể hiện qua các yếu tố sau: