Ngôn ngữ kể chuyện mang màu sắc địa phương Nam Bộ sinh động, giàu

Một phần của tài liệu TỪ NGỮ địa PHƯƠNG TRONG tác PHẨM của BÌNH NGUYÊN lộc (Trang 86 - 88)

âm thanh, hình ảnh

Cùng với giọng điệu hóm hỉnh, duyên dáng, ngôn ngữ kể chuyện của Bình Nguyên Lộc còn đặc biệt hấp dẫn bởi cách sử dụng tối đa các từ ngữ gợi hình ảnh, âm thanh vô cùng phong phú và độc đáo. Ông thường sử dụng những từ đa tiết: ong óng, lầm rầm, lụp cụp, lổn rổn,…để diễn tả đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng.

Trong sáng tác, Bình Nguyên Lộc có thói quen quan sát và lắng nghe mọi âm thanh của đời sống. Mọi thứ đều được ghi nhận trong tư duy của nhà văn, và được diễn đạt lại bằng vốn từ địa phương phong phú của ông. Bình Nguyên Lộc nghe được những thứ âm thanh lạ lùng mà rất gần gũi với đời sống: tiếng đất hấp hối, quằn quại, nặng nề; tiếng trở mình của lá chết; tiếng “đồng hồ bụng”của anh Chím Rắc; tiếng hát của người phổ ky trong tiệm ăn Tàu, tiếng tre nứa gặp lửa nổ lắc rắc, tiếng ruồi bay vù vù. . . Truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc như những cuốn phim có âm thanh nổi được dựng bằng ngôn ngữ. Mặc dù Bình Nguyên Lộc không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người duy nhất sử dụng ngôn từ tái hiện âm thanh cuộc sống: trước ông có Hồ Biểu Chánh, sau có Phi Vân, Sơn Nam cũng có những đoạn văn “nổi” về âm thanh như thế. Tuy nhiên, Bình Nguyên Lộc vẫn có cái đặc sắc của riêng mình khi dùng âm thanh cuộc sống chuyển tải qua ngôn ngữ làm nên giọng văn đa dạng, sống động cho tác phẩm của mình. “Hồi bảy giờ rưỡi, thình lình một tiếng đá rơi trên ngói nghe chát chúa. Mợ của Hén rủa: “Quân dịch vật, ban đêm mà cũng bắn giàn thun cho bể ngói của người ta hết.

Cậu của Hén cũng có mặt ở dưới nhà bếp, chỉ làm thinh thôi, nhưng châu mày suy nghĩ. Trẻ con bắn giàn thun bằng sỏi nhỏ cỡ ngón tay cái. Sỏi ấy rơi xuống ngói rồi thì lăn đi, kêu rổn rổn, nghe như cả mái ngói đều bể hết, nhưng không sao cả. Trong trường hợp này, tiếng chạm rất ngắn, nghe biết ngói bể, nhưng chỉ bể vài tấm thôi rồi cái vật này nằm yên nơi chứ không lăn xuống dốc mái nhà, chứng tỏ nó nặng lắm.” [38; 1018]

“Một tiếng súng. Trả lời tiếng súng ấy, mấy mươi chiếc phèng la đánh lên một lượt, rồi mấy trăm người hô lên một lượt để ra hiệu khởi hành:

Phèng! -Hè! Phèng! -Hè!

Bây giờ sông nổi sóng. Mũi ghe rẽ nước vo vo. Giầm chém xuống mặt sông làm bắn nước lên trắng như bọt thác.

Phèng!

-Hè!” [38; 785]

Một hòn sỏi nhỏ rơi trên mái ngói, những tiếng phèng la, tiếng người, tiếng ghe rẽ nước… được tác giả chọn lựa từ ngữ miêu tả thật chuẩn xác: rổn rổn, phèng, hè, vo vo…Điều này chứng tỏ nhà văn có một đôi tai vô cùng tinh nhạy. Cùng với việc sử dụng từ ngữ tượng thanh, Bình Nguyên Lộc lại tài tình sử dụng những cách thức so sánh để tô đậm âm thanh trong tác phẩm của mình, lối so sánh độc đáo, chính xác và tài hoa: “...khà một tiếng dài như rắn hổ” [38; 781]

Không chỉ âm thanh được chú ý tô đậm trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc, mà cả hình ảnh cũng thế. Tác giả cũng sử dụng nhiều từ ngữ gợi hình, nhiều cách thức so sánh để làm nổi bật hình ảnh thiên nhiên, con người. Những tác phẩm của Bình Nguyên Lộc thực sự là những bức tranh cuộc sống và con người muôn màu, muôn vẻ. Bình Nguyên Lộc thường hay “hình tượng hóa” tâm trạng của con người:

“…lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi trước gió to” [38; 705]; “ ...khi mà mùi hương nặc danh kia như bấm một cái nút điện làm hoạt động cả bộ máy kí ức của chàng…”[38; 679].Tác giả cũng có những phát hiện thật sống động và đẹp đẽ về thiên nhiên, như khi miêu tả cảnh con chim thằng chài lao mình xuống nước bắt cá trong “Rừng mắm”: “Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, miệng ngậm một con cá nhỏ…”[38; 643]. So sánh động tác nhanh lẹ, chuẩn xác của chim bói cá bằng hình ảnh “cục cao su” thì quả là tài tình. Còn hình ảnh nào sống động và hợp lí hơn thế?

Hoặc khi tả hình ảnh đoàn ghe thắng cuộc trong “Đồng đội”, Bình Nguyên Lộc lại liên tưởng tới một con rít khổng lồ: “Ba mươi chiếc giầm sơn đỏ của ghe An Thịt bỗng giơ cao lên một lượt để chào quan khách trong bờ. Khán giả có ấn tượng như thấy một con rít chạy tới đó rồi ngã lăn đùng ra, đưa mấy trăm chân lên trời.” [37; 790]. Sinh động, phong phú là điểm đặc sắc trong ngôn ngữ truyện kể của Bình Nguyên Lộc. Cách thức dùng ngữ âm diễn tả âm thanh, dùng từ ngữ, lối so sánh để làm nổi bật hình ảnh một cách tài hoa khiến cho Bình Nguyên Lộc được xem là nhà văn có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện, thậm chí có nhà nghiên cứu còn gọi Bình Nguyên Lộc là “nhà ảo thuật về ngôn từ”(Nguyễn Quốc Trụ)

Xét trên bình diện ngôn từ, Bình Nguyên Lộc đã dùng nhiều từ ngữ Nam Bộ rất đắt. Ngoài những từ thông dụng, thường nhật, ông còn sử dụng vốn từ Nam Bộ đặc thù, không phải nhà văn Nam Bộ nào cũng dùng. Trong tác phẩm “ Rừng mắm”, ta thấy xuất hiện những từ như: trù xa (lo tính xa), dặm hú (khoảng đường đo bằng tiếng hú), chết nhát (chết lần mòn), quá mùa hò ( qua thời con gái), rị (ghì lại), đứng bóng ( xế trưa); trong tác phẩm “ Ma rừng” ông sử dụng những từ như :

hàng đen (trâu bò trộm được), hàng trắng ( trâu bò mua hợp pháp), bò bu( bò lớn con), nằm cát( bò lười); trong “ Không một tiếng vang” những từ ngữ như: đứng ròng (nước chuẩn bị ròng), đứng lớn (nước chuẩn bị lớn) đã được ông sử dụng; trong “ Tì vết tâm linh” ta thấy xuất hiện những từ như: nê địa ( bùn đất), giấy kiếng ( giấy trong có thể nhìn xuyên qua được), xẹt ( đi nhanh), nuối ( kéo dài sự sống), hay trong “ Đồng đội”tác giả dùng từ như: xà bát (người cầm giầm lái), dồn cục ( kẹt ứ đọng),...Lớp từ này làm phong phú them lối diễn đạt theo văn phong Nam Bộ. Trên những trang văn của Bình Nguyên Lộc, nhiều từ ngữ Nam Bộ độc đáo đã được lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Một phần của tài liệu TỪ NGỮ địa PHƯƠNG TRONG tác PHẨM của BÌNH NGUYÊN lộc (Trang 86 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)