Khái niệm thực hành quyền công tố

Một phần của tài liệu chức năng của viện kiểm sát nhân dân lý luận và thực tiễn (Trang 25 - 27)

Quyền công tố và thực hành quyền công tố là hai khái niệm khác nhau, tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại những nhận thức nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Việc xác định rõ thực hành quyền công tố có ý nghĩa quan trọng, giúp có được nhận thức thống nhất về chức năng nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát, từ đó có được hoạt động thực tiễn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cải cách tư pháp.

Thực hành quyền công tố theo Từ điển Luật học là: “việc sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố để truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử”. Như đã biết, quyền công tố là quyền đại diện cho Nhà nước truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội; chỉ tồn tại trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Và để đảm bảo thực hiện quyền công tố trên thực tế, pháp luật đã quy định các quyền năng pháp lý khác nhau để các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng trong từng giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội như: khởi tố vụ án, bị can; trực tiếp điều tra hoặc yêu cầu điều tra; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra; quyết định truy tố bị can; đọc cáo trạng; tranh luận với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… (theo quy định từ Điều 13 đến Điều 19 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002). Như vậy quyền công tố và thực hành quyền công tố là hai khái niệm khác nhau. Nói đến quyền công tố là nói đến một phạm trù lý luận, ngược lại, thực hành quyền công tố là một phạm trù thực tiễn, có nghĩa là việc tổ chức thực hiện quyền công tố.

Cơ quan được giao thẩm quyền đưa vụ án ra Tòa được gọi là cơ quan thực hành quyền công tố và điều này được thể hiện ở mỗi quốc gia là khác nhau, phụ thuộc vào bản chất chế độ chính trị, điều kiện và hoàn cảnh của từng nước. Tại nước ta, căn cứ vào các quy định của pháp luật từ năm 1960 đến nay thì cơ quan thực hành quyền công tố là Viện kiểm sát nhân dân.

Từ những nội dung trình bày ở trên, có thể đưa ra khái niệm thực hành

quyền công tố như sau: Thực hành quyền công tố là việc Viện kiểm sát sử dụng

các biện pháp do luật định để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, đưa người phạm tội ra xét xử trước Tòa án và bảo vệ sự buộc tội đó 21.

2.1.2.2. Phạm vi thực hành quyền công tố

Có nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi thực hành quyền công tố. Có ý kiến cho rằng phạm vi thực hành quyền công tố chỉ là việc truy tố và buộc tội tại phiên tòa hình sự sơ thẩm. Có ý kiến cho rằng chỉ là sự buộc tội tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, một số khác lại mở rộng phạm vi khi cho rằng phạm vi thực hành quyền công tố có từ khi có tội phạm xảy ra cho đến khi thi hành xong bản án.

Quyền công tố là cơ sở của thực hành quyền công tố do vậy khi xem xét phạm vi của thực hành quyền công tố nhât thiết phải liên hệ với phạm vi của quyền công tố. Theo như phần trước đã trình bày thì về nguyên tắc, quyền công tố xuất hiện khi có tội phạm xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế không phải hành vi phạm tội nào cũng bị phát hiện và bị đưa ra xét xử (tội phạm ẩn), do vậy chỉ khi nào tội phạm được phát hiện thì mới có thực hành quyền công tố, vì thế thời điểm bắt đầu của phạm vi thực hành quyền công tố hơi khác so quyền công tố, đó là khi Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp có tội phạm xảy ra thì lúc này quyền công tố xuất hiện nhưng hành vi phạm tội lại không bị phát hiện, tức là không có bất kỳ một biện pháp thực hành công tố nào được áp dụng thì khi đó thực hành quyền công tố cũng không tồn tại. Do vậy có thể thấy phạm vi của quyền công tố rộng hơn so với phạm vi của thực hành quyền công tố.

Phạm vi của quyền công tố kết thúc khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên, không phải mọi vụ án đều được đưa ra trước Tòa để xét xử mà có những trường hợp kết thúc ở giai đoạn tố tụng trước đó theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự như: căn cứ đình chỉ điều tra (Điều 164); đình chỉ vụ án (Điều 169); căn cứ rút quyết định truy tố (Điều 181)… Khi đó quyền công tố bị triệt tiêu và theo đó chấm dứt việc thực hành quyền công tố.

Như vậy có thể kết luận: Phạm vi thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi

khởi tố vụ án và kết thúc khi bản án có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị

hoặc vụ án được đình chỉ khi có một trong những căn cứ do Luật tố tụng hình sự quy định22.

Một phần của tài liệu chức năng của viện kiểm sát nhân dân lý luận và thực tiễn (Trang 25 - 27)