Kiểm sát trong giai đoạn khởi tố

Một phần của tài liệu chức năng của viện kiểm sát nhân dân lý luận và thực tiễn (Trang 36 - 37)

 Kiểm sát việc tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Pháp luật nước ta quy định trách nhiệm phát hiện tin báo, tố giác tội phạm là của mọi cơ quan, mọi tổ chức và công dân và Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, hoặc tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Theo Khoản 3 Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP- BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì: khi được phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, Kiểm sát viên có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Kiểm sát việc kiểm tra, xác minh nguồn tin của Cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố; kiểm sát kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố.

 Kiểm sát quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Về nguyên tắc sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tố giác, tin báo về tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án và trong vòng 24 giờ kể từ khi ra quyết định, Cơ quan điều tra phải gửi đến Viện kiểm sát để xem xét. Để thực hiện kiểm sát quyết định khởi tố hoặc không khởi tố, Viện kiểm sát có thể trực tiếp tham gia cùng Cơ quan điều tra phân loại các tố giác, tin báo về tội phạm hoặc gián tiếp thông qua nghiên cứu các tài liệu kèm theo quyết định khởi tố hoặc không khởi tố.

Mục đích của hoạt động kiểm sát việc khởi tố là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của của quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan có thẩm quyền:

+ Tính có căn cứ: căn cứ khởi tố vụ án được quy định tại Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự phải bảo đảm có một trong những căn cứ theo quy định tại Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự.

+ Tính hợp pháp: Viện kiểm sát cần xem xét những vấn đề như: thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nội dung và hình thức quyết định cũng như những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc quyết định là đúng với quy định pháp luật.

Với vai trò quan trọng của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan điều tra khi tiến hành ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu chức năng của viện kiểm sát nhân dân lý luận và thực tiễn (Trang 36 - 37)