Hiện nay trong Hiến pháp cũng như tại các văn kiện của Đảng, thuật ngữ “cơ quan tư pháp” được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên trong Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật không văn bản nào nêu ra khái niệm này cũng như chưa có sự xác định rõ ràng, thống nhất cơ quan tư pháp là những cơ quan nào và do vậy vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn về vấn đề này.
Một cách chung nhất, những chủ thể nhân danh quyền lực Nhà nước thực hiện quyền tư pháp được gọi là cơ quan tư pháp. Vậy để có được nhận thức đúng về cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp cần làm rõ khái niệm quyền tư pháp là gì. Tư pháp là một dạng quyền lực Nhà nước, tại các Nhà nước thực hiện nguyên tắc phân quyền (tam quyền phân lập) trong tổ chức Bộ máy nhà nước thì tư pháp được hiểu là một trong ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó quyền tư pháp độc lập với các quyền lập pháp, hành pháp và quyền tư pháp được hiểu đồng nghĩa với quyền xét xử, quyền này chỉ do Tòa án thực hiện. Vì vậy ở các nước này, nói đến cơ quan tư pháp tức là nói đến Tòa án. Tuy nhiên tại Việt Nam, thuyết tam quyền phân lập không được công nhận mà Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (nguyên tắc tập quyền). Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì: “quyền tư pháp trước hết là quyền xét xử; tuy nhiên, quyền xét xử chỉ là một nội dung của quyền tư pháp, nhưng quyền xét xử là đỉnh cao nhất, hội tụ nhất của quyền tư pháp”. Như vậy, khái
niệm quyền tư pháp theo nghĩa hẹp là quyền xét xử nhưng hiểu theo nghĩa rộng thì quyền tư pháp là quyền xét xử của hệ thống Tòa án nói riêng, cũng như các hoạt động áp dụng pháp luật của hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật (Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án…) và các cơ quan bổ trợ tư pháp để bảo đảm thực hiện quyền xét xử đạt được hiệu quả cao nhất, nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, các quyền và tự do của con người, của công dân, đấu tranh phòng,
chống các vi phạm pháp luật 25. Do đó, việc hiểu quyền tư pháp theo nghĩa rộng
hay hẹp phụ thuộc vào quan điểm và nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực của từng quốc gia khác nhau do vậy mà cơ quan tư pháp - cơ quan nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp cũng được hiểu khác nhau ở mỗi quốc gia. Tại nước ta, hiện nay vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về việc nên hiểu quyền tư pháp theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp.
Theo Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 1999 đưa ra khái niệm về tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những tội xâm phạm hoạt động đúng đắn của các Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, cũng như trong Nghị quyết số 49- NQ/TW, ngày 02-6-2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, khi đề cập đến việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp đã nêu các cơ quan: Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân; Cơ quan điều tra; Cơ quan thi hành án. Như vậy, có thể thấy theo quan điểm của Đảng ta hiện nay thì cơ quan tư pháp được đề cập đến theo nghĩa rộng và hẹp khác nhau.