Chống áp bức cường quyền

Một phần của tài liệu vùng đất an giang thời kỳ 1757 1867 (Trang 129 - 132)

2. Người AnGiang trong đấu tranh xã hội

2.1.Chống áp bức cường quyền

Tác giả luận văn không phủ nhận những tác động tích cực của triều đình nhà Nguyễn đối với công cuộc khai phá đất An Giang, những chính sách thông thoáng khuyến khích những lưỡi phảng khai khẩn nhanh hơn trên vùng đất mới, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, nhà Nguyễn - cùng với việc khuyến khích đã vươn dài bàn tay phong kiến khống chế vùng đất này, chế ngự hết đất đai điền thổ. Vì vậy những người đã cảm thấy được tự do, thực sự được giải phóng cả trong ý thức:

Trời sinh cây cứng lá dai Gió lay mặc gió chiều ai chẳng chiều.

Sống không bị ràng buộc và cũng không bao giờ chấp nhận sự ràng buộc. Nguyện vọng sâu xa trong họ trỗi dậy thành cơn bão táp đấu tranh với ước vọng quét sạch những thế lực đen tối phi nghĩa.

Những cuộc đấu tranh giai cấp bắt đầu từ những năm 30, 40 của thế ki XIX. Nguyên nhân dẫn đến những cuộc khởi nghĩa của nông dân là sự phân hóa giai cấp trong nông thôn làm cho vấn đề ruộng đất được đặt ra gay gắt. Bọn địa chủ phong kiến giàu có được nuôi

dưỡng trong chính sách của chúa Nguyễn dựa vào thế lực kinh tế, xã hội, dần dần bao chiếm đất đai, tước đoạt cả những mảnh đất bé nhỏ của người nông dân nghèo khổ...mâu thuẫn giai cấp nảy sinh, phát triển gay gắt đeo đuổi truy bức người dân trong cuộc mưu sinh tồn tại sống còn. Bên cạnh đó là việc vua Minh Mệnh thực hiện chính sách “nhứt thị đồng nhơn” (xem tất cả đồng là người) đối với tất cả những dân tộc anh em đang cùng chung sống. Chính sách này vẻ ngoài của nó là bình đẳng dân chủ nhưng thực chất là muốn bắt buộc các sắc dân phải theo luân lý, theo cách tổ chức thôn xóm, cúng tế của người Việt. Nhất là đối với người Khơme, vua Minh Mệnh bắt buộc họ phải lấy tên, họ như người Việt như Neáng, Sơn, Thạch, Kim, Liên... và cải cách tổ chức “phum” truyền thống khiến họ mất quyền tự trị.

Từ năm 1838, Gi giữ chức tuần phủ, Hàn Biện giữ chức quản cơ người Khơme nổi dậy[51,231]. Năm 1840, tình hình thêm căng thẳng, vùng Tri Tôn, Tịnh Biên dân nổi dậy, quan tri phủ phải bỏ trốn khỏi nhiệm sở [51,232], những người khởi nghĩa tiếp tục kéo về vùng biên giới Hà Tiên đánh đồn Châu Nham. Đến tháng 10 năm ấy, từ Thất Sơn, quân khởi nghĩa gồm hơn 2.000 người kéo qua Kiên Giang đánh chợ Rạch Giá, vùng Xà Tón-Tri Tôn cũng bị khuấy động [46,116]. Đến năm 1841 tại vùng Thất Sơn, trong hàng chục ngọn đồi lớn nhỏ nghĩa quân đã xây dựng một số căn cứ, lớn nhất là Tô Sơn, Tượng Sơn, núi Tà Biệt...hoạt động trên phạm vi rộng lớn.

Tuần phủ An Giang lúc bấy giờ là Nguyễn Công Trứ xin điều động 5 vệ binh của tỉnh đến đàn áp nhưng vua Thiệu Trị không chuẩn y vì lực lượng nghĩa quân khá mạnh, có thể làm tổn hao nhiều binh lực của triều đình nếu không được chuẩn bị chu đáo. Năm 1842, sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa ở Ba Xuyên, tháng 3-1842 vua Thiệu Trị mới quyết định cho tiến quân đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Tướng Lê Văn Đức và tướng Phạm Văn Điển chỉ huy, chọn Tượng Sơn làm mục tiêu chính. Đánh vào căn cứ Tượng Sơn, quân triều đình có thể hành quân bằng đường bộ từ Long Xuyên đến, sử dụng con kênh Vĩnh Tế để điều quân từ Hà Tiên qua Lạc Quới, hoặc từ

Tịnh Biên xuống Lạc Quới (Chợ Vĩnh Thông). Từ Lạc Quới đến Tượng Sơn chỉ khoảng 3km, khúc đường này thủy bộ đều tiện lợi.

Nhằm bảo đảm yêu cầu thắng lợi của trận đánh phủ đầu. Nguyễn Tri Phương cử Nguyễn Lương Nhàn đem quân đi đường bộ và tự mình dẫn một cánh quân thủy theo đường kênh Vĩnh Tế kéo vào Tượng Sơn. Ba cánh quân cùng đánh áp vào các đồn trại của nghĩa quân.

Biết khó thể chống nổi, nghĩa quân nhanh chóng rút khỏi căn cứ Tượng Sơn lui về Tà Biệt - vùng hiểm địa để chống cự (núi Tà Biệt chạy dọc sát kênh Vĩnh Tế về phía Tây Bắc có các ngọn núi Cậu, núi Rô, về phía Đông Bắc có núi Dài che chắn, đặc biệt có cánh rừng tràm ở phía Nam với đầm nước lầy lội, dây leo cây mọc dầy đặc). Từ Tà Biệt có thể rút vào rừng tràm, hoặc lẫn vào núi rừng hoạt động.

Về phía quân triều đình tuy chiếm được Tượng Sơn nhanh chóng nhưng không dám tiến quân truy đuổi nghĩa quân sâu hơn, vì “chân núi nhỏ hẹp, bên tả gần đầm lớn, bên hữu liền với sườn núi, giặc đào hầm cấm chông để chống giữ” [46,78]. Căn cứ Tà Biệt được củng cố bằng một hệ thống hầm hào và những bãi chông lợi hại.

Trong khi quân triều đình chưa có phản ứng thì lực lượng nghĩa quân suốt dọc kênh Vĩnh Tế tăng cường hoạt động, quân triều đình rơi vào thế bị động, đối phó. Bản tấu của Nguyễn Công Trứ nói rõ tình hình này “Một dải sông Vĩnh Tế, bên hữu ngạn từ Vĩnh Thông đến Tiên Nông, bên tả ngạn từ Vĩnh Lạc đến Tịnh Biên, bọn thổ phỉ kết đồn trại liên tiếp... mà liệu số quân ta ít, phòng thủ không đủ” [51,127].

Từ Vĩnh Tế, nghĩa quân sau đó còn vượt qua sông Hậu Giang hoạt động ở Tân Châu. Quân triều đình do tướng Phạm Văn Điển chỉ huy tiếp ứng nhưng thất bại thảm hại. Phó vệ Trần Kim bị chém, suất đội Trần Linh bị trúng đạn xuyên hông, Phạm Văn Điển bị chết trên đường hành quân, quân triều đình rút khỏi khu vực Thất Sơn, Vĩnh Tế.

Tháng 5-1842, tướng Lê Văn Đức với lực lượng 5.000 quân, chia thành 5 đạo mở cuộc tấn công thứ hai đánh thẳng vào Sà Tón (Tri Tôn )và CôTô (Tịnh Biên).

Nghĩa quân chủ động bố trí trận địa mai phục ở khu rừng tràm_ một vùng đầm lầy rộng lớn ở phía trước căn cứ Cô Tô. Lê Văn Đức lọt vào trận địa mai phục, một viên suất đội bị chém chết, 600 quân triều đình bỏ chạy không dám quay đầu lại. Lúc ấy cánh quân của Tôn Thất Tường liều mạng giải vây, bản thân Tôn thất Tường bị thương nặng “binh lính dẫm xéo lên nhau xô cả vào trong đầm, quan quân bị thương và chết hơn 40 người, bỏ mất 8 cỗ súng quá sơn và súng tay, khí giới, thuốc đạn rất nhiều”[51,127,128]. Ba cánh quân còn lại chưa kịp tới gặp lính thất trận chạy về cũng hoảng loạn, bỏ hàng ngũ.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc cuối cùng cũng bị đàn áp nhưng ngọn lửa đấu tranh vẫn bùng cháy âm ỉ, triều Nguyễn không làm sao dập tắt được những cơn thịnh nộ của quần chúng đấu tranh chống những điều “bất bằng” của xã hội.

Một phần của tài liệu vùng đất an giang thời kỳ 1757 1867 (Trang 129 - 132)