Người AnGiang trong cải tạo, chinh phục tự nhiên

Một phần của tài liệu vùng đất an giang thời kỳ 1757 1867 (Trang 126 - 129)

Ra đi từ một vùng đất có nền văn hóa lâu đời, những lưu dân người Việt đến An Giang bằng hai cách.

Một là, họ tự động đi lẻ tẻ, đơn thân độc mã hoặc cả gia đình vợ con, cha mẹ, ông bà. Có trường hợp, người khỏe mạnh đội trời đạp đất đi trước, khi ổn định phần nào cuộc sống ở vùng đất lạ, mới đón gia đình, họ hàng tới sau. Cũng có khi là huynh đệ kết nghĩa, gia đình kết thân thành nhóm, thành đoàn cùng lên đường, dấn thân vào cuộc mạo hiểm chỉ với cái búa, lưỡi cày, tấm lưới.

Hai là, họ tham gia vào các đợt di dân do triều đình nhà Nguyễn đứng ra tổ chức đôn đốc khuyến khích, bảo trợ. Phương cách này được thực hiện từ lúc đất An Giang về mặt pháp lí thuộc chủ quyền nhà Nguyễn và khi nhà Nguyễn xác lập quyền lực, hình thức này được đẩy mạnh và thực hiện trên qui mô lớn. “sai lưu trấn thần chiêu tập cùng dân, cấp đất của nhà nước để đi khai khẩn đất hoang”[53,86].

Trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn nói rõ họ Nguyễn chiêu mộ những người dân có vật lực, có nhân lực. Những người này thu nhận điền nô, nô tì để khai khẩn. Thành phần này đến An Giang rất ít vì thời điểm này đất đai An Giang không có điều kiện tự nhiên thuận lợi, trong khi phía tả ngạn sông Tiền (vùng Vĩnh Long, Tiền Giang...) vẫn còn nhiều vùng chưa khai khẩn hết, đường đi lại không thuận tiện phải qua hai con sông lớn và vô số kênh rạch chằn chịt. Dần về sau những người nông dân nghèo khổ xiêu tán, nghèo đến phải trốn thuế chọn đất An Giang làm chỗ dung thân. Những người bị tội lưa bị đày đi xa từ 2000, 2500 đến 3000 dặm , lấy kinh đô làm trung tâm. Họ không được trở về nguyên quán, vì vậy cha mẹ, vợ con , ông bà có thể đi theo, nơi bị đày thường là vùng ma thiêng nước độc. Nhà Nguyễn qui định “phàm những người bị tội lưu phải đóng xiềng khóa chân...đến chỗ đi đày, quan địa phương cấp cho đất hoang và thóc giống, trâu bò cùng đồ làm ruộng cứ ba năm chiếu giá thu tiền, hàng tháng cấp gạo lương...ba năm thành sản nghiệp thì bỏ cả bài sắt.

Như vợ con tình nguyện đi theo thì đến chỗ đày được bỏ ngay xích xiềng...người tình nguyện đi theo thì được tự do đi lại” [55,88]. Những người phạm tội đồ “Tỉnh An giang tiếp giáp với đất Miên, đất bỏ hoang còn nhiều, xin từ nay trở đi phàm những tên can tội trộm cắp, cướp vặt và các tên du côn không rõ lai lịch ở 6 tỉnh mà tội chỉ mãn đồ (đồ 3 năm) trở xuống đều phát giao cho các đồn bảo tỉnh An Giang sai phái. Tên nào xin không muốn nhận lãnh, thì lựa lại đồn điền làm lính, tùy tiện để khai khẩn. Đợi số khai khẩn được bao nhiêu, cho giữ làm sản nghiệp đời đời[44, 331].

Phần lớn những di dân Việt ra đi tìm đất sống ở An Giang là những nông dân nghèo, những người mắc tội lưu, tội đồ. Họ ra đi vì cảnh “ mười dê đến chín người chăn”, “ nghèo khổ thất nghiệp rất là đáng thương” [33,16], họ ra đi vì không còn con đường sống trên vùng quê cũ. Họ chọn vùng đất xa lạ không kém phần hoang dã khắc nghiệt, vùng đất không phải là thiên đường nếu không muốn nói là ác mộng cho những người đặt chân đến đất An Giang thưở ấy. Nhưng dẫu sao ở đây, cái ác liệt của thiên nhiên, của thú dữ cũng không đáng sợ bằng nanh vuốt của tập đoàn phong kiến thống trị.

Nói đến cư dân An Giang không thể bỏ qua các cộng đồng cư dân với những nét đặc trưng, làm nên tính cách con người An Giang. Trước tiên là người Khơme. Người Khơme đã có một quá trình lịch sử lâu đời ở đất An Giang, phần đông trong số họ là những nông dân nghèo, họ chọn vùng đất xa sình lầy bùn đọng quanh năm nơi muỗi mòng rắn rết sinh sôi nảy nở, bệnh dịch thường xuyên phát sinh...không mỏ vàng, mỏ bạc, không đậu khấu trầm hương, tơ lụa, hồ tiêu... để sinh sống. Họ những người muốn thoát khỏi sự cai trị hà khắc của chính quyền phong kiến, họ là những người muốn trốn chạy chiến tranh...

Người Hoa, là những cư dân trung thành với nhà Minh, không phục và muốn né tránh triều đình Mãn Thanh. Họ theo chân Nguyễn Hữu Cảnh về đất An Giang từ rất sớm. Bản chất họ là những người trung thành, có ý chí, không sợ hãi, không khuất phục...

Người Chăm cũng định cư ở An Giang từ lúc An Giang vừa trở thành lãnh thổ của nhà Nguyễn. Họ là những người chiến binh thiện chiến nhưng khát khao cuộc sống tự do, hòa bình, không bị đàn áp, không muốn có sự buộc ràng...

Thành phần cư dân, nguồn gốc của cư dân sống trên đất An Giang chi phối, tác động đến tính cách của người An Giang sau này.

Khối cộng cư trên đất An Giang với thành phần đa số là những nông dân nghèo đi khẩn hoang, những người theo chống lại sự truy đuổi của triều đình.., những tội phạm được đưa tới vùng biên giới không có ngày về, những người trốn tránh pháp luật vì một lí do nào đó... những người Chăm tìm về vùng đất bình yên để an thân, những người Hoa rời bỏ quê hương vì nghĩa khí của mình. Tất cả - tốt lẫn xấu, nhưng đều có một khát khao chung là tự do, là tìm được một mảnh đất bình yên để sinh tồn, đều mang trong mình ít nhiều chất phản kháng nổi dậy và giàu nghị lực. Đúng như nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết “ Đất nước ta càng về phương Nam càng là đất lưu đày, đất của những người không có quyền sống trên những mảnh đất đã được khai phá, vì vậy cũng là đất của những người nổi dậy? Miền Tây Nam Bộ là mảnh đất lưu đày và nổi dậy cuối cùng của Tổ quốc. Đến đây là sơn cùng thủy tận rồi. Đến đây là đến bờ Thái Bình Dương, vịnh Xiêm La mịt mù rồi. Đến đây chỉ còn có hai con đường: một là không đủ nghị lực sống nữa đâm đầu xuống biển mà chết; hai là cố bám lại, đấu tranh để sống”[28,118].

Hầu như có cùng chung một số phận nghèo nàn, đi tìm đất sống khi đã lâm vào thế chết, truyền thống đoàn kết giữa người với người càng thêm đậm nét. Trên vùng đất mới, nơi mà “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” cũng là một nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” họ biết kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật với nhau trong tình tương thân, tương ái, giúp đỡ thật lòng và hết mình.

Mối dây ràng buộc họ với nhau cực kỳ bền vững bởi chữ nghĩa – đơn sơ giản dị mà sâu nặng. Nói đến người dân An Giang là nhắc đến những con người quý trọng tình bè bạn, tình huynh đệ giang hồ, nghĩa hiệp, “trọng nghĩa khinh tài” với câu...”Kiến ngãi bất vi, phi

anh hùng”. Trước tình cảnh ba họ mười làng, thân tộc máu mủ đơn côi, trước thiên nhiên xa lạ và ác liệt, trước những xung đột giai cấp... họ thực sự dựa vào nhau tin nhau, thực lòng với nhau, trước sau nhân nghĩa với nhau... trong quan hệ bằng hữu, trong tình làng nghĩa xóm, lân gia, lân ấp...

Hiếu khách, hào phóng cũng là tính cách của người An Giang “...khi có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu càu, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể thân sơ quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi...”[28,121]. Điều này có lẽ xuất phát từ việc, họ là những người từng biết cái cực, cái nhục của đói rét, từ thiên nhiên có phần hào phóng, từ cuộc sống quạnh vắng trên đất mới...nói năng bộc trực, mộc mạc, ít văn hoa rào đón là một nét đẹp trong quan hệ giữa người với người ở đây.

Một phần của tài liệu vùng đất an giang thời kỳ 1757 1867 (Trang 126 - 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)