2. Tình hình kin ht ế
2.1 Quá trình khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp
Lịch sử tổ chức vùng môi sinh ở An Giang của người Khơme ở An Giang đã có độ dày khoảng vài ba thế kỉ. Người Khơme sống trên những giồng đất cao vùng đồng bằng và vùng đồi núi Tây Nam và lấy nghề nông làm chính.
Với kinh nghiệm trồng lúa nước lâu trên những vùng đồi cao kết hợp với cách làm lúa nước trên ruộng sâu của lưu dân người Việt mới định cư, người Khơme đã có những bước cải tiến mới trong nông nghiệp làm năng suất lúa tăng vọt. Trước đó để làm ruộng người Khơme thường dựa vào nguồn nước tự nhiên, tiếp thu cách làm ruộng của người Việt họ bắt đầu đào giếng ngay giữa ruộng và dùng thùng gánh hay gàu vai để kéo nước lên tưới cho hoa màu. Những vùng bị nhiễm phèn nặng như vùng giáp biên giới Hà Tiên hiện nay người Khơme biết sử dụng nước thủy triều lên xuống để đưa nước vào ruộng, đắp những đập nhỏ để giữ nước lại rửa phèn (sau đó xổ ra) hoặc giữ nước phù sa lại làm màu cho đất. Việc khai thác đất đai tùy theo địa thế của đất cũng có nhiều tiến bộ, loại đất trên mặt là đất cát pha đất thịt, dưới sâu có đất sét dễ thoát nước gọi là đất gò người Khơme thường làm rẫy (rẫy người Khơme gọi là Sre). Rẫy thường trồng các loại rau, đậu, đặc biệt là trồng dưa hấu như là một khu vườn nhà.
Đối với loại đất giồng ven sông, người Khơme trồng lúa và nếp (người Khơme gọi là Chămka). Để trồng cấy trên đất này người Khơme phát cỏ bằng phảng sau đó dùng loại bừa cào to kéo cỏ gom lại thành vồng rồi cấy với cây nọc - cây chọc lỗ đầu bọc sắt - khá to để soi đất. Khi dùng cày, chiếc cày của người Khơme chắc chắn hơn, dài hơn, lưỡi cày xới đất sâu hơn, đặt biệt việc bừa bằng trục lăn được người Khơme tiếp thu từ người Việt được sử dụng phổ biến.
Ở vùng núi Sập, núi Ba Thê, Bảy Núi, kinh tế nông nghiệp đặc biệt phát triển, nhiều ao hồ trữ nước được đào vào thời kì này, nổi tiếng nhất là ao Bà Ôm ở Tịnh Biên. Ngoài những giống lúa cổ truyền, một năm cấy ba năm gặt (lúa mutsôlin), người Khơme trồng thêm nhiều giống lúa mới làm cho năng suất tăng vọt. Đặc biệt chăn nuôi ở vùng núi rất
phát triển, từng đàn bò được thả rong trên sườn đồi, xa xa là những dãy thốt nốt, đồi núi thấp xen lẫn những cánh ruộng bậc thang là cảnh quan đặt biệt của vùng người Khơme sinh sống. Ở những nơi ven sông suối người Khơme cũng sống bằng nghề chài lưới.
Người Chăm đã đến định cư trên vùng đất An Giang vào khoảng 1753-1759 (trình bày ở phần sau). Họ được nhà Nguyễn cho định cư dần dần trên những vùng đất dọc sông Hậu, sông Tiền: Đồng Côky, cù lao Ba, Phum Soài, Châu Giang, Sabâu, Ka Kôi... Quá trình định cư của người Chăm cũng là quá trình khai phá đất đai phát triển kinh tế nông nghiệp (nguồn sống chính của người Chăm là thủ công nghiệp và thương nghiệp, làm ruộng với người Chăm ở An Giang chỉ nhằm mục đích tự túc lương thực). Người Chăm dùng trâu bò để kéo cày, bừa và trục. Sau khi cày, trục cho đất tơi họ gieo hạt chứ không cấy, hạt lúa khi gặp mưa sẽ tự nảy mầm. Việc trồng lúa đối với người Chăm được tiến hành không vất vả mấy mà lại thu được năng suất cao do định cư ở vùng đất màu mỡ, sông sâu nước chảy.
Bên cạnh người Khơme, người Chăm, cộng đồng người Việt với kinh nghiệm hàng ngàn năm trồng lúa nước trên địa thế trũng thấp đã ra sức cải tạo tự nhiên, biến đất hoang thành ruộng vườn, đã làm biến đổi bộ mặt hoang vu của An Giang. Quá trình cộng cư, quá trình lao động, đấu tranh trong khai phá, khai thác và bảo vệ những thành quả của lao động đã khẳng định chủ quyền một cách chân chính của cư dân vùng đất này. Cũng chính trong quá trình cộng cư đó, chính những công cuộc khai hoang do người Việt tiến hành cùng thành quả của nó là một trong những nhân tố khẳng định vị trí chủ thể của người Việt trên vùng đất mới.
Cuộc xung đột Trịnh Nguyễn làm nhân dân đói khổ cùng cực, rời bỏ quê hương trốn tránh chiến tranh họ đi vào phía Nam tìm đất sống. Lưu dân người Việt đến An Giang từ lúc nào vẫn còn là một vấn đề lịch sử, chỉ biết vào những năm 70, 80 của thế kỉ XVII Thống suất Nguyễn Hữu Hào có dừng quân ở Bình Mỹ, Châu Phú (Châu Phú) Bình Đức (Long Xuyên). Nguyễn Hữu Cảnh dừng quân ở vùng Cù Lao cây Sao (sử gọi là cù lao Tiêu Mộc, dân gian gọi là cù lao Ông Chưởng - huyện Chợ Mới) - một vùng đất mà lúc bấy giờ được mô tả là “ác địa” do âm u lam chướng, rừng hoang đầy rẫy thú dữ, sông vắng lại đặc nghẹt
kình ngư. Một số binh sĩ khi ấy đã ở lại cày cấy, mở đất tìm kế sinh sống. Đây chính là những điểm định cư đầu tiên của người Việt trên đất An Giang _ định cư khi chưa xác lập chủ quyền, người Việt chỉ là những lưu dân thưa thớt vì dù cho đất đồng, đất trũng có nhiều cá tôm, củ co, bông súng, rừng có nhiều mật ong, chim thú... đủ cho lúc thiếu gạo ăn qua ngày, nhưng đường đi lại khó khăn, bệnh dịch, sốt rét... giết chết nhiều người nên ít ai dám định cư và thủa đó vùng Sài Gòn, Bến Nghé, Vĩnh Long đất đai mầu mỡ, chưa khai thác hết.
Khi thuộc chủ quyền lãnh thổ Đại Việt, Nguyễn Cư Trinh người từng dâng kế sách quản lí đất Tầm Phong Long khi ban sơ gọi nơi đây là “tàn hà đới thấp, chiết liễu triêm nê” có nghĩa là sen tàn hơi ẩm thấp, khí hậu độc địa, nhánh thủy liễu (cây bần) gẫy rơi xuống sông, hoặc như Đại Nam nhất thống chí viết “khí hậu nóng nực, chân đất ẩm thấp, ít màu”. [44, 164]
Lũ lụt, chân đất ẩm thấp, đất phèn, đất nhiễm mặn, ít phù sa nhưng không là tất cả những điều kiện mà thiên nhiên dành cho An Giang. Sông Tiền, một con sông già, lòng sâu, chảy quanh, nhận đến 2/3 lượng nước và phù sa nên nhiều giồng đất cao ráo dọc hai bên bờ và những cù lao nổi tiếng màu mỡ hình thành đó là Tân Châu, Hồng Ngự, Mỹ Đức, Cù Lao Ông Chưởng... (vẫn bị ngập nước vào mùa lụt). Sông Hậu, sông trẻ chảy thẳng, ít phù sa hơn không trầm tích nhiều nhưng có những vùng đất ven sông cao ráo như Bình Mỹ, Cái Dầu Châu Phú. Trong vùng trũng đất đồng, cây tràm nguyên sinh mọc từng mảnh lớn, như một khu rừng trầm thủy, lại tạo môi trường tốt cho cá, tôm, rùa, rắn...sinh sôi nảy nở. Ngoài ra còn có cỏ năng, bông sen, bông súng, lúa ma với vài gò đất cao nổi lên đủ cho một số ít người sinh sống.
Khi thuộc chủ quyền lãnh thổ Đại Việt, chúa Nguyễn đặt hai đạo trấn thủ biên giới: đạo Châu Đốc (Mok churk) ở thượng nguồn sông Hậu, đạo Tân Châu (Koh Teng) ở khu vực thượng nguồn sông Tiền Giang kéo dài từ Tân Châu đến cù lao Giêng. Khi ấy hai đồn này là đồn binh biên ải rất hoang tịch, ngoài một số người đến vì công vụ, rất ít thường dân Việt mà phần đông là thổ dân Miên. Để tự túc lương thực các binh lính khai khẩn đất đai
chung quanh các đồn bảo. Một số ít gia đình các binh sĩ cũng đến đây sinh sống, còn người Khơme bản địa sống rải rác xa đồn trại, nơi vùng đồi gò dọc biên giới, đồng bằng dưới chân núi, trên các giồng dọc sông Tiền sông Hậu.
Khi trật tự an ninh dần ổn định, cư dân Việt hoặc tự động hoặc theo chính sách di dân lập ấp (không đáng kể) đến An Giang. Họ lập nên các thôn ấp lẻ tẻ trước nhất là quanh các đồn trại: Châu Đốc, Tân Châu (kéo dài từ huyện Tân Châu đến cù lao Giêng), bảo đất An Lạc, thủ Hùng Sai (Chợ Mới). Thủ Vĩnh Hùng (đặt tại Hồng Ngự - Tân Châu ngày nay), thủ Thuận Tấn (ven sông Vàm Nao - Huyện Phú Tân) là những điểm dân định cư, trồng cấy sớm nhất.
Từ địa điểm các đồn bảo mới thành lập, cư dân tìm đến những giồng đất, cù lao, con bãi lân cận để khai thác. Ở phía Tiền Giang có các Bãi Long Sơn (Huyện Tân Châu), “tục gọi cù lao Cái Vừng, ở thượng lưu sông Tiền Giang, lồi lõm nhiều cạnh góc, như hình đầu rồng, có thôn Tân Phú, liền về phía Đông là bãi Chà Và... đường nước giao thông, bờ phía Tây có thủ sở Tân Châu, bờ phía Đông có thủ sở Chiến Sai, bờ phía Bắc có thủ sở Hồng Ngự” [44,182]. Bãi Doanh Châu (Huyện Chợ Mới) “tục gọi Cù lao Giêng ở thượng lưu sông Tiền Giang...có các thôn Toàn Đức, Hưng Mỹ, Đông Mỹ, Tân Phúc” [44,183]. Bãi Năng Gù (Huyện Châu Phú) “ở trước cửa dưới vàm Thuận Châu của Hậu Giang, dài 9 dặm có thôn Bình Lâm, trên rừng nhiều tre, dưới sông lắm cá” [44,184]. Bãi Lễ Công (huyện Chợ Mới nay gọi là Cù lao Ông Chưởng) “ở cửa dưới của sông Lễ Công và tên cũ là bãi Cây Sao, xưa Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính đánh Cao Miên, khi thắng trận về đóng quân ở đây” .
Người Chăm cũng có mặt vào thời kì này với đợt chuyển cư đầu tiên của họ từ Chân Lạp về đất Việt Nam (theo đoàn quân của Nguyễn Cư Trinh đánh dẹp Nặc Nguyên). Khi xây đồn, đắp lũy ở Hồng Ngự chúa Nguyễn cho người Chăm đến đồn trú [4,222]. Họ lập nghiệp trên cù lao Cái Vừng “liền về phía Đông là bãi Chà Và” [44,171]. Đến những năm 80 của thế kỉ XVIII một bộ phận người Hoa theo Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đến định cư tại huyện Chợ Mới (xã Mỹ Luông và thị trấn Chợ Mới). Song song đó, xã Minh Hương
đã được hình thành sớm ở làng Long Sơn (xưa là quận Tân Châu), thị trấn Chợ Vàm - huyện Phú Tân; và ở xã Mỹ Đức; thị trấn Cái Dầu huyện Châu Phú, thể hiện sự hội nhập vào cộng đồng người Việt từ rất sớm.
Cộng đồng cư dân người Việt theo Thiên Chúa giáo cũng sớm có mặt (do chính sách cấm đạo của chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành năm 1750). Tín đồ Thiên Chúa giáo đến An Giang trú ngụ cù lao Giêng khoảng năm 1778 (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới). Họ khai hoang, sản xuất lập nghiệp, thành lập 4 thôn: Toàn Đức, Mỹ Hưng, Phú Hưng, Toàn Đức Đông. Đến năm 1783 chính tức lập họ đạo Cù lao Giêng, đây là họ đạo ra đời sớm nhất ở An Giang.
Nổi tiếng nhất trong lịch sử định cư trong thời kì này là dân “hai huyện” những người định cư lại trong đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh. Họ gốc người Khánh Hòa, Quảng Nam, Biên Hòa ở lại vùng bãi Lễ Công khai phá đất đai tìm phương sinh sống. Gia Định Thành Thông Chí ghi chép về vùng đất này “tục danh vàm ông Chưởng... trước vàm có cù lao nhỏ, cũng theo tên sông mà đặt tên cho cù lao ấy... Bờ phía Tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía Tây có miếu thờ khâm sai Chưởng cơ lễ hành hầu Nguyễn Công (Nguyễn Hữu Kính)” [44,30].
Vùng Cù lao Giêng có địa danh bến đò Phủ Thờ, và một chợ được đặt tên là chợ Phủ Thờ cũng là một dấu ấn lịch sử trong thời kì này. Phủ thờ là ngôi nhà lớn (phủ đường) dành thờ cúng, làm lễ giỗ cho một kiểng họ (cánh họ). Đây có thể là gánh họ đầu tiên đến đây lập nghiệp, họ Nguyễn của ông Nguyễn Văn Núi từ Bình Định vào khai khẩn và lập nghiệp ở đây. Đầu tiên họ đến đất Mỹ Luông (bờ sông Tiền, đối diện Phủ Thờ) sau đó sang cù lao Giêng cất chùa, đánh cọp, phá rừng, khai khẩn định cư. Phía sau ruộng còn ba phần mộ của ba người anh em, trên mỗi nấm mộ có phù điêu riêng: cá hoa long, giao long, một phù điêu mờ phỏng đoán là một yên ngựa. Qua phù điêu ta có thể khẳng định ba anh em theo binh nghiệp và khá cao cấp (hoa long, giao long), cách xây mộ là của dân Bình Định. Con cháu ngày nay là đời thứ 7, cư ngụ gần kế nhau, đông đúc. Hàng năm con cháu trong dòng họ tụ
hợp cúng giỗ cũng mang dấu ấn của lễ cúng miền trung như cúng heo sống tái lụi, học trò lễ là phụ nữ.
Ở phía Hậu Giang dân sống rải rác ở Năng Gù, Mỹ Đức, Châu Đốc. Năm 1783 Dương Văn Hóa xin lập thôn đầu tiên ở An Giang (nay thuộc xã Bình Thủy, Châu Phú) trên cù lao Năng Gù. Trịnh Hoài Đức viết “Cù lao năng Gù, phía trước hạ khẩu phiếm hào thuộc Hậu Giang, dài 9 dặm có thôn Bình Lâm ở đấy, nơi đây rừng tre rậm rịt, ao cá dày đặc, dân ở thượng lưu sông Hậu Giang, trước hết là nhờ tre cây, cá tôm nơi ấy, sau là trồng bông vải, sau nữa là lúa thóc cung nhật dụng.” [8, 100]
Như vậy, đến đầu thế kỉ XIX, vùng đất An Giang được chia làm hai khu vực mới và cũ:
- Dọc theo hữu ngạn sông Tiền, làng cũ, dân cư khá đông tập trung ở Tân Châu, Ông Chưởng, Chợ Mới, cù lao Giêng.
- Phía hữu ngạn sông Hậu vì lòng sông hẹp, lượng nước phù sa không đủ sức tạo được những giồng cao như ở sông Tiền. Chỉ có vài khu vực cao ráo như khu chợ Châu Đốc, Mỹ Đức, Cái Dầu, Bình Thạnh Tây, Bình Đức, Mỹ Phước. Hai làng Bình Đức và Mỹ Phước kề nhau, cách con rạch Long Xuyên. Còn lại là vùng rừng núi hoang vu, đất khó canh tác, dân cư thưa thớt, làng mới lập.
Tóm lại, khoảng thời gian 30 năm cuối thế kỉ XVIII lưu dân người Việt đã tới An Giang. Họ là những người lính thú biên phòng hoặc lưu dân tự động vào đây sinh cơ lập nghiệp một cách lẻ tẻ chứ chưa có những làng xóm hình thành do chính sách khai hoang lập ấp của chính quyền nhà Nguyễn. Số lượng dân cư thưa thớt hơn các vùng đất khác, nhưng trong buổi đầu ngoài cư dân bản địa Khơme đã có sự hiện diện của các tộc người Việt, Hoa, Chăm, hình thành những cụm dân cư đầu tiên quanh đồn trại mới lập ở thời kì đầu, tiến đến khai thác một số giống đất phì nhiêu lân cận nổi tiếng là “đất phước” như cù lao Tân Châu, cù lao Giêng...
Việc lập ấp ở An giang từ 1757-1802 còn nhiều hạn chế, đất bỏ hoang còn quá nhiều, vấn đề giữ gìn an ninh vùng biên giới lại rất gắn chặt với việc mộ dân khai hoang lập ấp. Do vậy vua Gia Long ngay khi lên ngôi đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đẩy mạnh việc khai phá vùng đất An Giang:
Để tăng nguồn nhân lực, vua Gia Long và Minh Mạng mộ dân khai hoang với qui mô lớn “sai lưu trấn thần chiêu tập cùng dân, cấp đất của nhà nước để đi khai khẩn đất hoang” [53, 86]. Nhà nước ban nhiều chỉ dụ khuyến khích mọi người đi khai hoang với thủ tục dễ dãi như cho tự do chọn đất khẩn hoang, cho vay thóc giống, quy định người ăn chơi lêu lổng không chịu làm ruộng bị phạt 3 hộc thóc và sung làm binh, có ruộng mà bỏ không sẽ bị trị tội.
Để tăng nguồn nhân lực, nhà Nguyễn còn sử dụng lực lượng tù phạm. Thời Nguyễn Gia Long, phạm nhân mắc tội lưu theo quy định phải ra đi vĩnh viễn, bị đày đi xa từ 2 ngàn đến 3 ngàn dặm cách kinh đô, vợ con, cha mẹ có thể đi theo. Phạm nhân tội đồ bị đày đi xa nhưng có hy vọng được về nguyên quán. Từ đời Minh Mệnh trở về sau, để có thể sử dụng lực lượng này rộng rãi hơn nhà nước qui định “Phàm những người bị tội đồ, tội lưu phải đóng xiềng, khoá chân...Tù tội lưu đi tới chỗ bị đày, quan địa phương cấp cho ruộng đất hoang và thóc giống, trâu bò cùng đồ làm ruộng, khiến cày cấy ở đó, số thóc giống hạn một năm thu lại, trâu cày và đồ làm ruộng cứ 3 năm chiếu giá thu tiền, hàng tháng cấp gạo lương, hàng năm cấp quần áo...ba năm thành sản nghiệp thì bỏ cả bài sắt. Như vợ con tình nguyện đi theo thì đến chỗ đày được bỏ ngay xiềng xích...Người tình nguyện đi theo thì được tự do đi lại” [55,88]. Với chính sách trên những người mắc tội lưu, tội đồ bắt đầu có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng đặc biệt nhiều ở An Giang, vùng biên giới xa xăm, vùng ma thiêng nước độc thường dành cho tội phạm lưu đày.
Ngoài biện pháp tăng cường nguồn nhân lực vua Gia Long đặc biệt quan tâm xây dựng vùng đất An Giang bằng những chỉ dụ và biện pháp kịp thời như sử dụng người tài,