3. Diện mạo văn hóa
3.3. Đời sống tinh thần của cư dân
2.3.3.1 Giáo dục, văn học
Lưu dân người Việt đến An Giang buổi đầu phần lớn là là dân nghèo thất học, kế đến là tội phạm lưu đày, người trốn tránh pháp luật muốn sống vùng ven biên để tiện việc lên núi xuống rừng. Linh hoạt, thông minh, luôn tìm đường sống trong muôn ngàn cái chết. Họ đến, việc đầu tiên là khẩn hoang lập làng để sinh tồn. Cái ăn chưa ổn định , việc học hành trong buổi đầu không được chú ý, chỉ có ít vốn chữ nghĩa thánh hiền được ứng dụng vào thực tiễn và chảy trong huyết quản mọi người đó là “đạo nghĩa”. Dần về sau cuộc sống ổn định người dân bắt đầu nghĩ đến cái học. Theo truyền tụng trong dân gian và ghi chép lại trong gia phả tại xã Bình Thủy huyện Châu Phú ngày nay (xưa là làng Bình Lâm) vào năm 1783 có cụ đồ Nguyễn Hà Thanh từng làm Tri phủ bất mãn với chúa Nguyễn về đây sinh sống, mở trường dạy học, mở mang dân trí. Giáo dục được quan tâm nuôi dưỡng trong lòng dân dù không có ngôi trường nào được ghi vào sử sách. Từ “thầy Quảng”, “thầy Huế” là tên gọi chung cho mọi thầy đồ ở các thôn xóm, mở lớp học dạy chữ Hán cho con em của những người sống trên vùng đất mới.
Gần 50 năm sau, năm Minh mệnh thứ 18 (1837) Huyện học đầu tiên thành lập ở thôn Long Sơn (Tân Châu – AnGiang). Năm Thiệu trị thứ 2 (1842) Tỉnh học của cả tỉnh ra đời, đặt tại thôn Chu Phú (Châu Đốc). Tỉnh học vừa là trường vừa là nơi trong coi việc dạy học cho cả tỉnh. Hệ thống học quan gồm Đốc học ở Tỉnh, Giáo thụ và Huấn giáo ở huyện. Đốc học đầu tiên của tỉnh An Giang là Phạm Văn Trung, người làng Linh Chiểu, huyện Mỹ An (nay thuộc thành phố HCM), đỗ thủ khoa tại trường thi Gia Định năm Quý Mão. Việc bổ nhiệm chức học quan phải đủ đức và tài “phải kinh cẩn doanh chính, nêu gương mô phạm để dạy học trò”[46, 331]. Ở làng có các lớp học do các thầy đồ tự mở. Năm 1864 khi quân Pháp chiếm được 3 tỉnh miền đông Nam kì, vua Tự Đức dời trường thi từ Gia Định về An Giang. Trường thi đầu tiên ở An Giang do Bố chánh Hà Tiên Nguyễn Văn Học làm chủ khảo và An sát Vĩnh Long Nguyễn Văn Nghĩa làm phó chủ khảo.
Dưới thời Minh Mệnh vào năm 1835 khi chưa mở huyện học, có hai người thuộc tỉnh An Giang thi đậu kì thi hương ở trường thi Gia Định: Bùi Hữu Nghĩa -Thủ khoa,
Huỳnh Hữu Quang - Á khoa. Thời Thiệu trị, Tự Đức (1841-1867) tổ chức 12 kì thi Hương tại trường thi Gia Định. An Giang địa bàn khi đó có 12 người đỗ đạt. Trong đó An Giang ngày nay có 1 người duy nhất đỗ cử nhân năm 1864 là Huỳnh Duy Thanh, người làng Vĩnh Thông (nay thuộc huyện Tri Tôn).
Bùi Hữu Nghĩa người đỗ thủ khoa đầu tiên của An Giang, rất gần gũi với dân khai hoang, dong ruỗi trên đất An Giang. Ông để lại những vần thơ về cảnh quan thiên nhiên hoang vu , khắc nghiệt.
“Một thuyền cầm hạc một mình ta, đường hiểm gian nan khắp trải qua.
Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà “
(Thuyền qua Thoại Sơn) Khi đi bên bờ kênh Vĩnh Tế, nhớ lại cảnh chiến trường với thảm họa chiến tranh Bùi Hữu Nghĩa viết:
“ ...Đống xương vô định, sương phau trắng Giọt máu phi thường, cỏ nhuộm thâm.
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy, Đèn trơi leo lát dậm u lâm. Nôm na xin mượn câu thơ điếu, Dắn dõi đêm trường, tiếng dế ngâm”.
Quân Xiêm xâm lược đem đến những mất mát. Công cuộc khẩn hoang, lập ấp không chỉ có sự cần lao mà dài theo con đường khai khẩn là máu xương của dân đồn điền nằm rải rác. Bia Vĩnh Tế Sơn, bia Thoại Sơn (1822) , bia Tân lộ Kiều Hương là những áng văn phản ảnh những thành tựu của công cuộc khai hoang trong đó bài tế Nghĩa trủng văn là bài văn tế những vong hồn chết vì nghĩa do Thoại Ngọc Hầu đọc sau khi dựng bia Vĩnh Tế Sơn năm 1828.
“Đào kinh trước, mấy kì khó nhớ, Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Bình man máu nhuộm chiến trường, Bọc thây da ngựa, gởi xương xứ này.
Quê cách trở lấy ai hộ tống, Sống làm binh, thác chống quỷ ma.
Than ôi, ai cũng người ta, Mà sao người lại thân ra thế này?”
(Bia Vĩnh Tế Sơn- Châu Đốc- dịch giả Trần Hữu Thường) Những vong hồn nằm rải rác khắp nơi đó hãy yên nghỉ:
“Trên núi Sam chừ, ngọn xuân phong thổi, Dưới núi Sam chừ, cước cam lộ dầm. Người sống nơi nhà vắng chủ, rất hợp nhau, Hồn ơi, hồn ơi, chớ quyến luyến nơi gò đất xa xôi,
Phương tây núi Sam chừ, có thể yên ổn mà ruỗi dong!”
(Bia Vĩnh Tế Sơn- dịch giả Trần Hữu Thường). Phan Văn Trị để lại những vần thơ man mác buồn, trĩu nặng tâm tư người đi tìm đất tị địa trước cảnh núi sông An Giang.
Lênh đênh bèo nước biết về đâu? Đậu bến An Giang thấy những rầu Bảy Núi mây liền, chim nhịp cánh Ba dòng nước chảy cá vênh râu”
(Cảnh An Giang) Nguyễn Hữu Huân, người đậu đầu kì thi cử nhân được nhân dân gọi là thủ khoa Huân, khi Pháp xâm lược đến Châu Đốc, ông hoạt động vào những năm 1863 để lại những vần thơ bày tỏ ý chí và tâm trạng của mình với nhân dân khi đang trên đường ra pháp trường.
Hai bên thiên hạ thấy hay không? một gánh cương thường há phải gông!
oằn oại đôi vai quân tử trúc nghênh ngang một cổ trượng phu tòng
Thác về đất Bắc danh còn rạng, sống ở thành Nam tiếng bỏ không...
Không chỉ có đau thương mất mát, làng quê An Giang còn rất êm đềm dưới ngòi bút của Doãn Uẩn từ đồng bằng sồng Hồng đến làm Tuần Phủ An Giang:
“ Lụt hết, mưa xong, gió tạnh rồi, Nước trong cát trắng, cỏ xanh tươi.
Vạc cò nhộn nhịp đàn đàn lượn, Tôm cá nô đùa lớp lớp bơi.
Chiều xuống, thuyền mành chen bến cũ, Cây che thôn xóm thoáng bờ khơi. Cỡi thuyền hóng mát, nhìn phong cảnh, Trước cửa dừng chèo, nguyệt sáng soi.”
(Vịnh 18 cảnh đẹp) Nền giáo dục ở An Giang không chỉ thể hiện thành quả ở thi cư, quan trường mà còn thể hiện qua những câu ca dao, hò vè về quê hương về ước vọng đơn sơ của người dân quê.
Với gia đình:
“ Đồng Xúc (Nhơn Mỹ) là xứ quê mùa đi thăm cháu ngoại một vùa cà na”
(Ca dao)
“ Trai nào thanh bằng trai hai huyện gái nào thảo bằng gái Tân Châu
tháng ngày dệt lụa trồng dâu, thờ cha nuôi mẹ quản bao tháng ngày”.
(Thơ ca dân gian) Về nghề nghiệp:
“Long điền, Chợ Thủ quê anh, Trai chuyên đóng tủ, gái sành cửi canh.
Dệt hàng chịu mặc chẳng lành, Giường chõng nghề rành anh ngủ sạp tre.”
(Thơ ca dân gian) Những ví von về nét đẹp, sức hấp dẫn và duyên dáng của người con gái An Giang:
“Dòm lên trên chợ Tân Châu, Thấy cô bán lụa trên đầu giắt trâm”
(Ca dao)
“Ngó lên trái núi Tô Châu,
Thấy cô gánh nước trên đầu cài trâm”
(Ca dao)
“ Bắp non mà nướng cửa lò, Đố ai ve đặng cô lái đò Vàm Nao”
(Ca dao)
“ Thủ Thiêm, Thủ đức, Thủ Đoàn Anh phải lòng nàng ở thủ Chiến Sai”.
Và ước vọng về cuộc sống lứa đôi:
“Thuyền tình đậu bến Châu Giang, Bấy lâu đóng cửa phòng loan đợi chàng.”
“Ở trên Châu Đốc ngó xuồng Vàm Nao thấy con cá Đao nó nhảy nhào vô lưới,
Anh ngồi anh chắc lưỡi,
Không biết chừng nào mới cưới đặng em”.
(Thơ dân gian) v...v...
Giáo dục, văn học của An Giang khởi sắc như một minh chứng cho sức sống, bản lĩnh của người dân An Giang. Đồng thời là nền tảng để bước vào cuộc thử thách lớn. Nơi hun đúc tinh thần ấy là những lớp học trường làng với nội dung giảng dạy chính là lễ nghĩa, luân lý, đạo đức. Trên cơ sở đó, tình yêu quê hương, yêu tổ quốc, chấp nhận hy sinh vì nghĩa chảy trong huyết quản của người dân An Giang
2.3.3.2. Tín ngưỡng
Do những điều kiện địa lý (biên giới, núi non), hoàn cảnh lịch sử đặc thù (vùng đất sớm được khai phá bởi các cộng đồng người mới đến và cư dân đã có từ trước, thường xuyên phải đảm đương trách nhiệm vụ bảo vệ biên giới...), là khu vực nối không gian văn hóa giữa Nam bộ - Việt Nam và Campuchia nên đây là vùng hội lưu văn hóa của nhiều tộc người. Những tộc người có trình độ kinh tế - văn hóa tương đương nhau và những nét tương đồng nhau nên sự giao tiếp văn hóa trong buổi đầu, dẫn đến sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong tín ngưỡng và tập tục.
Niềm tin về hồn vía, ma quỷ, bùa ngải, bói toán có mặt ở tất cả các tộc người Việt – Hoa – Khơme – Chăm, ở cả những người theo Thiên Chúa giáo hoặc Hồi giáo, nơi mà
những điều mê tín là vi phạm luật cấm. Nếu người Hoa và Việt tin rằng con người có 3 hồn 9 vía, người Khơme là 3 hồn 7 vía thì người Chăm tin rằng con người chỉ có 1 hồn, 1 vía. Vía có thể xuất đi đây, đi đó trong lúc ta ngủ. Hồn thì không đi đâu chỉ xuất ra khi người ta chết. Người bệnh muốn tỉnh dậy phải gọi đủ hồn lẫn vía. Người Chăm đặc biệt cho rằng hồn vía người chết không hóa ma như nhiều dân tộc khác. Nguyên nhân có ma là do những người có bùa phép giỏi, khi có người chết thiêu, lén cắp một lóng ngón tay đem về luyện bùa để làm tay sai cho mình. Người Chăm tin có ma, như: ma nhác (khơ mốt luồng), ma phá rối bạn bè trong đám cưới, ma làm cho người bị ốm đau, ban đêm ma biến thành cục lửa bay đi kiếm ăn. Đặc biệt là ma lai (kămlai) rút đầu, rút ruột, rất nổi tiếng ở đồng bằng Nam bộ được xuất phát từ cộng đồng người Chăm ở An Giang. Người Việt – Hoa – Khơme sống ở gần khu vực người Chăm rất sợ ma lai, rất nhiều truyền thuyết về ma lai còn lưu truyền đến nay.
Bùa, phép, ngải (Al ngăk) của người Chăm được người Việt, Hoa, Khơme nể sợ. “Thầy bùa Xiêm” dùng nhiều loại bùa, ngải: Bùa, Ngải thương để dùng cho những điều mình muốn mà không đạt được như muốn được người khác thương yêu, mua may bán đắt...; bùa ngải ghét để cho người này và người kia không ưa nhau, không ai muốn đến mua bán..; bùa ngải trù ếm (vẽ bùa) để dán, đeo, nặng nhất là khi thầy bùa dùng sáp nặn hình người, dùng tóc, hay móng tay, móng chân để trù ếm kẻ thù cho đối thủ bị đau ốm gọi là “thư”. Khi bị thư bụng sẽ lớn như người đau cổ trướng. Người Chăm cũng tin bùa hộ thân (Rajah Kabal) khi đeo vào người sẽ được khỏe mạnh, may mắn thậm chí chém không thủng. Người Chăm cũng tin thầy bói (Ilmu tilêk), cũng có hình thức lên đồng bóng để trị bệnh như người Việt, người Khơme gọi là Lơn Arăk, nhưng không phổ biến chỉ làm lén lút do ngược lại những qui ước của kinh Coran.
Người Khơme khi chết, xác được hỏa thiêu tại chùa, gởi tro xương vào chùa. Hằng năm để cúng vong linh người chết, người Khơme không tổ chứa lễ giỗ như người Việt, thay vào đó họ tổ chức Lễ Đôn Ta (pi thi đolta) vào khoảng tháng 8, 9 âm lịch. Tại lễ hội người ta chuẩn bị các lễ vật đón vong linh ông bà, cha mẹ, người thân quá vãng về thăm nhà, thăm
phum và vào chùa nghe các sư sãi tụng kinh cầu siêu để tiếp phước. Sau đó chuẩn bị thức ăn cúng đưa vong linh người chết trở về âm giới. Trong lễ hội Đôn Ta cư dân Khơme còn tổ
chức “pchum banh”, nấu cơm và xôi vắt thành nắm nhỏ đưa vào chùa cúng cho những linh
hồn đói lạnh (có nét giống như lễ Vu Lan của người Hoa, cúng cô hồn của người Việt vào tháng 7). Lễ Đolta cũng là dịp vui chơi, giải trí. Đặc biệt nhất là trò chơi đua bò diễn ra ở khoảng đất rộng nơi sân chùa. Hai nơi diễn ra hội đua bò lớn nhất là sân chùa Svai Tà Son nay thuộc xã An Hảo huyện Tịnh Biên, và chùa Soai Tôn nay thuộc xã Lương Phi huyện Tri Tôn (chùa có niên đại hơn 200 năm). Lúc ấy người ta tổ chức đua bò bằng hình thức bò kéo xe chứ không như hiện nay đua bò kéo bừa. Đây còn là hình thức lễ hội nông nghiệp có nét đặc thù của người Khơme vùng Bảy Núi.
Người Chăm thì hoàn toàn không có bàn thờ cúng ông bà tổ tiên trong nhà, trong thánh đường (Masjid) hay các tiểu thánh đường (Surao) hay tổ chức nghi thức tưởng nhớ nào như người Khơme.
Khi mới mở đất, người Việt ở An Giang dựng miếu thờ Sơn thần thổ trạch (vị thần trông coi vùng đất mà mình sinh sống) hoặc thờ những vị anh hùng, những người có công mở đất hoặc giữ đất. Miễu hội đồng theo Đại Nam nhất thống chí là nơi tập trung thờ phượng lớn hơn, thờ “thượng, trung, hạ tam đẳng âm dương chư thần linh” [44,132]. Đình làng ra đời muộn hơn khoảng từ sau khi vua Gia Long lên ngôi, ngoài thờ sơn thần thổ trạch, còn thờ những người được vua ban sắc thần cho phép tế lễ “xuân thu nhị kì” gọi là Thần hoàng bổn cảnh. Hầu như mỗi làng đều có một ngôi đình nhưng không phải đình làng nào cũng có sắc phong mà có khi là thờ vọng. Đình làng của người Việt là trung tâm sinh hoạt vui chơi, giải trí của dân, là nơi tổ chức lễ hội tề tựu hội tề hương chức của làng để giải quyết việc công.
Thời điểm đánh dấu sự ra đời của đình làng An Giang có lẽ là năm Minh Mạng thứ III (1822) khi vua sắc phong thần cho Nguyễn Hữu Cảnh. Sắc viết bằng chữ Hán trên gấm lụa dệt rồng cuốn màu vàng được thờ ở đình làng Châu Phú. Đình này do Nguyễn Văn Thoại xây dựng vào khoảng năm 1825. Đây là ngôi đình có kiến trúc quy mô lớn, sắc sảo
nhất vào thời kì bấy giờ. Đình có chiều ngang 16m dài 48m, thiết kế theo dạng chữ tam, nóc có lầu, mái tam cấp, lợp ngói đại tiểu, tường gạch hồ vôi ô dước, cột gỗ căm xe cà chắc. Bên trong nội thất có 4 hàng cột, mỗi hàng có 10 cây to, có chu vi độ 2 vòng tay. Tất cả kèo, cột đều có hoành phi, liễn đối vàng son rực rỡ, chạm trổ rất công phu. Ngôi đình thần thứ hai thời kì này được ghi lại trong sách sử là ngôi đình tại xã Thoại Sơn, cũng do Thoại Ngọc Hầu xây dựng. Đình cất bên sườn núi, trong đình có bia Thoại Sơn được ông dựng vào năm 1822, sau khi đào xong kênh Thoại Hà. Bia có chiều cao 3m, ngang l,2m, dày 2m, mặt bia chạm 629 chữ. Đình sau đó trở thành đình làng thờ Thoại Ngọc Hầu. Ngoài ra còn có đình Mỹ Phước nay nằm ở trung tâm thành phố Long Xuyên, xây dựng vào thế kỉ XIX được vua Tự Đức sắc phong, đình thần xã Đa Phước (nay thuộc huyện An Phú) xây dựng năm 1832. Có thể nói ở An Giang từ sau khi Thoại Ngọc Hầu đến trấn nhậm và tiến hành những công cuộc khẩn hoang với qui mô lớn thì nơi nào có làng là nơi đó có một ngôi đình. Quy mô kiến trúc không lớn mà có thể bằng cây, tre, lá đơn sơ.
Lễ hội đình làng để cầu mùa màng tươi tốt, an cư lạc ngiệp, bình an khỏe mạnh cho cả làng là một trong những nét tín ngưỡng của người Việt ở An Giang. Lễ cúng đình mỗi năm tổ chức 2 lần gắn với ý nghĩa nông nghiệp (những nơi khác cúng 1 lần và thống nhất một ngày). Mỗi đình làng tự chọn ngày cúng lễ. Lần đầu là lễ Kì yên (cầu an) còn gọi là lễ hạ điền, đây là lễ quan trọng tiến hành trong 3 ngày. Lần sau là lễ lập miếu, còn gọi là lễ thượng điền, tiến hành trong 2 ngày. Trong những ngày lễ hội người Việt đánh trống xây chầu, khua chiêng, múa lân, hát bộ. Trong những ngày lễ hội, khu vực xung quanh đình thường tổ chức các trò chơi dân gian như đánh võ, đánh bài, đá gà...
Tương tự tín ngưỡng thờ Sơn thần thổ trạch, Thần hoàng bổn cảnh của người Việt, người Khơme có tín ngưỡng Arăk tức vị thần bảo vệ nhà (arăk phtek), Arăk bảo vệ gia đình (Ărăk phtan), Arăk của dòng họ tộc (Arăk xâm). Trong dịp cúng Arăk ngoài các lễ vật dâng cúng như người Việt, tiếng trống xây chầu, vở hát tuồng của người Việt trong các đình làng trở thành điệu múa của loại hình tín ngưỡng Saman giáo trên nền nhạc là tiếng trống dồn