Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu tổ chức lãnh thổ du lịch huyện xuyên mộc (tỉnh bà rịa – vũng tàu) (Trang 112 - 115)

Nguồn lao động là lực lượng quan trọng, có vai trò quyết định đến sự phát triển ngành du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch. Trong giai đoạn hiện nay đến năm 2020, ngành du lịch của huyện đòi hỏi lực lượng lao động du lịch khá lớn, trong đó bao gồm lao động trực tiếp đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn cao và lực lượng lao động phổ thông.

Căn cứ vào các chỉ tiêu kết cấu trình độ chuyên môn nghiệp vụ bố trí nhân sự trong các nhà hàng, cở sở lưu trú được các nhà khoa học xây dựng và sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia cho thấy: Nhân viên quản lý chiếm 6%; nhân viên giám sát chiếm 8%; nhân viên công nghệ chiếm 22% (3 nhóm này gọi là tốp thành thạo có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cao, có trình độ cao đẳng và đại học trở lên, chiếm 36% trong tổng số nguồn lao động). Tốp thao tác là những nhân viên được đào tạo nghề chuyên đảm nhiệm những công việc nghiệp vụ như buồng, bar, bếp, …. chiếm 64%.

Theo bảng 2.20 cho thấy: nhu cầu lao động du lịch của huyện thời gian tới rất cao, nguồn lao động tại địa phương khó có thể đáp ứng được. Vì vậy việc đề xuất các chiến lược đào tạo nhân lực hợp lý và hiệu quả là rất cần thiết và cấp bách. Đặc biệt là vấn đề quản lý du lịch, nguồn nhân lực quản lý cấp cao, thu hút nhân tài từ các địa phương khác và có các chính sách ưu tiên về nhà ở, phúc lợi xã hội, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho họ để họ thực sự gắn bó với doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh chỉ có trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu mỗi năm đào tạo khoảng 2000 học viên. Hiện nay tỉnh đang kết hợp với trường du lịch Niagara – Canada xây dựng trường đào tạo du lịch tại huyện Đất Đỏ, góp phần đáp ứng nhu cầu lao động ngành du lịch của tỉnh đến năm 2010 và 2020, sau khi các dự án đầu tư du lịch đi vào hoạt động.

3.4.4.1.Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn

Ngành du lịch của huyện cần điều tra, phân loại trình độ lao động trong ngành để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề của lao động. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, các doanh nghiệp du lịch có kế hoạch mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch từ ngắn hạn đến sơ cấp cho ngành du lịch trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu đến năm 2010 cần khoảng 2000 lao động đã qua đào tạo. Khu du lịch Osaka Hồ Tràm cũng thỏa thuận với trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 30 -50 lao động của đơn vị.

Tổ chức các lớp chuyên đề, kỹ năng tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp huấn luyện cho lao động tại chỗ. Tranh thủ hợp tác quốc tế tổ chức khóa huấn luyện ngắn hạn, cấp học bổng cho những người quản lý và người lao động trực tiếp trong ngành. Tổ chức hội thảo, giao lưu, hội thi nghiệp vụ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp học hỏi, nâng cao trình độ.

3.4.4.2. Kế hoạch đào tạo dài hạn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, trường đại học Du lịch do Niagara – Canada, tập đoàn ACDL đầu tư ở huyện Đất Đỏ, các trường có khoa đào tạo Du lịch tại TP. Hồ Chí

Minh và các doanh nghiệp du lịch để đào tạo nguồn nhân lực dài hạn. Hợp tác với các tổ chức du lịch, quỹ quốc tế để tổ chức những chương trình đào tạo ngắn hạn, cấp học bổng cho những người quản lý và người lao động trực tiếp trong ngành. Thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Cải tiến chương trình học, tăng thời gian thực hành để phù hợp yêu cầu thực tế. Khuyến khích đào tạo học sinh, lao động địa phương thành nguồn lao động du lịch chủ yếu của huyện. Đảm bảo cho lao động ngành du lịch đạt được những yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ thông thạo 1 – 2 ngoại ngữ. Chú ý đến thị trường khách chủ đạo trong thời gian tới như khách Nga, Đức, Pháp, …

Cần chú ý đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tổ chức du lịch MICE, một tiềm năng và thế mạnh của du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu. Chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực quản lý cấp cao, thu hút nhân tài từ các địa phương khác.

3.4.4.3.Chương trình phát triển nguồn nhân lực của địa phương

Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn (3 tháng) và dài hạn (1 năm) do trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với huyện tổ chức thường niên.

Thu hút các lao động du lịch trong và ngoài địa phương. Mở rộng và tăng cường nguồn lao động có trình độ chuyên môn qua việc hoàn thiện kế họach nhu cầu lao động hàng năm, đặt hàng đào tạo nhân lực với các trường có khoa Du lịch.

Lập kế họach phát triển mở rộng qui mô và chất lượng các chi nhánh, cơ sở đào tạo tại địa phương. Tạo mối quan hệ với các tổ chức đào tạo quốc tế tại Singapore, Úc, Thụy Sĩ, Pháp, Canada… có chất lượng tốt tiến tới việc liên kết đào tạo, tổ chức các lớp học ngắn và dài hạn và tu nghiệp tại nước ngòai.

Có kế họach thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn quốc tế, các chuyên viên nước ngòai, người Việt Nam được đào tạo tại nước ngòai.

Các doanh nghiệp du lịch địa phương cũng cần phải chủ động tự đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực vì đây là một chính sách hiệu quả và lâu dài, có tính quyết định đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, đừng chờ nguồn có sẵn. Tạo điều

kiện cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, khuyến khích đội ngũ quản lý, nhân viên đang làm việc có thêm động lực để phấn đấu.

3.4.4.4. Thiết lập trang Web nhằm chia xẻ thông tin và điều hòa lao động

Lập trang Web rất cần thiết vì góp phần chia xẻ thông tin, điều hòa du lịch trong ngành, giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động nhanh chóng hiệu quả. Ngược lại người lao động chọn lựa đúng ngành nghề, môi trường làm việc.

3.4.4.5. Chương trình nâng cao hiểu biết của cộng đồng về du lịch

Cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong chính quyền địa phương, đoàn thể, nhân dân, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống quê hương, để mọi người dân có ý thức xây dựng thương hiệu ”Du Lịch Xuyên Mộc”, cần gắn lợi ích của người dân với việc phát triển du lịch của huyện. Xây dựng chương trình nâng cao hiểu biết về vai trò của du lịch, văn minh ứng xử với du khách, giữ vệ sinh khu dân cư và kinh doanh, làm đẹp cảnh quan đô thị, nông thôn cho cộng đồng dân cư địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống đào tạo ở trường phổ thông,… Vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, trồng cây xanh, giữ vệ sinh môi trường luôn sạch đẹp.

Một phần của tài liệu tổ chức lãnh thổ du lịch huyện xuyên mộc (tỉnh bà rịa – vũng tàu) (Trang 112 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)