3.3.1. Định hướng chung
Trên địa bàn Xuyên Mộc, TCLT du lịch thuận chiều với các hướng phát triển kinh tế của huyện do đặc trưng của hoạt động du lịch là luôn luôn đan xen với nhiều ngành dịch vụ khác có liên quan chứ không phải là một hoạt động mang tính chất độc lập. Không gian phát triển du lịch chính trong quy hoạch phát triển du lịch huyện Xuyên Mộc được xác định: phía Tây là du lịch văn hóa-cảnh quan ven hồ ; phía Đông là du lịch cảnh quan rừng ; phía Nam là du lịch biển .
Không gian du lịch văn hoá – cảnh quan hồ: tập trung ở thị trấn Phước Bửu, hồ sông Ray, hồ Xuyên Mộc và hồ Sông Kinh. Có tài nguyên nhân văn phong phú kết hợp sông, hồ, và các vùng chuyên canh rau sạch, cây ăn quả, làng hoa cây cảnh khá thuận lợi cho tham quan các di tích văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, sinh thái rừng - đồng quê, thể thao mạo hiểm.
Không gian du lịch cảnh quan rừng: tập trung ở khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, rừng phòng hộ Phước Thuận, lâm trường Xuyên Mộc (xã Hòa Hiệp, Hòa Hội). Rất thuận lợi phát triển du lịch sinh thái rừng nguyên sinh, tham quan vườn thú hoang dã, nghiên cứu khoa học, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng Bình Châu.
Không gian cảnh quan biển: bao gồm các bãi biển đẹp từ Lộc An đến Hồ Linh và một phần khu vực Sông Lô – Láng Hàng, khá thuận lợi cho phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao – sinh thái biển, vui chơi giải trí, du lịch MICE, tham quan làng chài, văn hóa ẩm thực.
3.3.2. Các loại hình du lịch chủ yếu
- Du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng chữa bệnh. - Du lịch vui chơi giải trí, thể thao.
- Du lịch sinh thái rừng – sông – biển. - Du lịch lễ hội.
3.3.3. Các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch huyện Xuyên Mộc
3.3.3.1. Điểm du lịch
Về thực trạng TCLTDL, các điểm du lịch được chia thành các điểm có doanh thu, các điểm chưa có doanh thu hay các điểm tiềm năng. Để nâng lên tầm khái quát hơn đối với định hướng TCLT du lịch, các điểm du lịch được phân thành điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia, điểm du lịch có ý nghĩa vùng và có ý nghĩa địa phương.
- Các điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia
+ Điểm du lịch vườn sưu tập cây gỗ rừng
Đây là điểm du lịch được xếp loại là điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để có thể lưu giữ du khách dài ngày hơn. Các hoạt động dịch vụ đi kèm còn kém phát triển, chưa có các đặc sản là sản phẩm hàng hoá đặc trưng riêng, hấp dẫn khách du lịch.
Các sản phẩm du lịch có thể khai thác ở điểm du lịch này là: Du lịch tham quan, ngắm cảnh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu hệ sinh thái rừng nhiệt đới ven biển, du lịch theo chuyên đề.
Hướng khai thác cần đầu tư thêm hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi thể thao để thu hút khách và lưu giữ khách dài ngày hơn.
Đây là điểm du lịch được đánh giá với điểm số cao. Điểm có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là tài nguyên hấp dẫn, có hệ thống CSHT và CSVCKT tương đối đồng bộ. Điểm này đang được công ty cổ phần du lịch Sài Gòn đầu tư khai thác. Các hoạt động kinh doanh khá đa dạng và mang nét đặc trưng riêng của Xuyên Mộc. Ngoài việc ngâm chân và tắm khoáng nóng, bùn khoáng, chữa bệnh du khách còn được thưởng thức văn hóa, nghệ thuật do người Chơ Ro biểu diễn.
Tuy nhiên, để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch của điểm này cần có biện pháp quản lí, khai thác hợp lí, tránh tình trạng bê tông hóa làm giảm diện tích, số lượng thực vật và tăng nhiệt độ của nguồn nước. Theo kết quả khảo sát của liên đoàn thủy văn Địa chất công trình 707 thì: « Trữ lượng nước khoáng nóng tại khu suối khoáng nóng Bình Châu giảm 37,5%. So với trữ lượng được Hội đồng trữ lượng khoáng sản phê duyệt năm 1997 thì trữ lượng nước giảm 180m3
/ngày ». Theo kĩ sư Hoàng Vượng, chủ nhiệm đề tài, giám đốc LĐ 707 giải thích: « Do thảm thực vật xuất lộ nước nóng thưa dần, khiến cho khả năng tiếp nhận, thẩm thấu nước mưa bổ sung cho lượng nước khoáng nóng giảm đáng kể. Hậu quả là nước khoáng càng « sánh » lại, nhiệt độ ngày tăng. Bên cạnh đó, quá trình lu lèn ngay trên các mạch lộ trong khi xây dựng các công trình, dù trên một diện tích không quá lớn nhưng đã làm cho một số dòng áp lực nước khoáng bị chèn ép, chảy ngầm dưới mặt đất mà không phun lên được ».
Sản phẩm du lịch của điểm này là du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan ngắm cảnh, nghiên cứu và học tập. Hướng khai thác cần tập trung đầu tư mở rộng khu du lịch suối nóng Bình Châu; Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tổ hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bình Châu.
* Điểm du lịch nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm
Đây là điểm du lịch được đánh giá với điểm số cao nhất. Điểm có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, có triển vọng trở thành điểm du lịch quan trọng trên bản đồ du lịch thế giới. Điểm du lịch này hiện đang là điểm duy nhất có qui mô
lớn như vậy ở nước ta. Hệ thống CSHT và CSVCKT đang được nâng cấp, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu trú của khách.
Sản phẩm nổi bật của điểm này là nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, vui chơi có thưởng mang phong cách Las Vegas, thể thao biển, mice…
- Các điểm du lịch có ý nghĩa vùng
+ Điểm du lịch bãi biển Hồ Tràm
Điểm du lịch này được đánh giá thuận lợi để phát triển du lịch, với tổng số điểm là 27 điểm. Lợi thế so sánh của điểm này chính là tài nguyên hấp dẫn, nhiều đặc sản biển, có vị trí gần với các vườn cây ăn trái.
Các sản phẩm du lịch có thể phát triển tại điểm du lịch này là: Du lịch sinh thái biển, rừng, Du lịch tham quan nghiên cứu hệ sinh vật ven biển nhiệt đới, tìm hiểu cách thức sinh hoạt và đánh bắt của bà con làng chài.
Khó khăn lớn nhất của huyện trong thời gian tới là hệ thống CSHT và CSVCKT chưa đáp ứng được nhu cầu để phát triển du lịch. Các dự án du lịch dọc biển Hồ Tràm quá nhiều, “dày đặc” và thiếu tính qui hoạch. Bãi tắm công cộng dành cho dân địa phương cũng đang có nguy cơ bị các doanh nghiệp xâm chiếm. Vùng đất ven bờ đang bị xói lở mạnh. Vì vậy , Để phát triển du lịch bền vững đòi hỏi Ban quan lí cần có chính sách để giải quyết vấn đề trên.
+ Điểm du lịch bãi biển Hồ Cốc
Điểm du lịch này cũng được đánh giá thuận lợi cho phát triển du lịch với số điểm 28 điểm. So với bãi biển Hồ Tràm bãi biển Hồ Cốc yên tĩnh hơn, thích hợp hơn cho du lịch sinh thái.
Sản phẩm du lịch nổi bật ở đây là du lịch cuối tuần, học sinh, sinh viên cắm trại trong dịp lễ.
Hướng khai thác cần đầu tư mở rộng và hiện đại hóa hệ thống nhà hàng, khách sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng của huyện.
+Điểm du lịch di tích lịch sử tàu không số
Điểm du lịch này cũng được đánh giá có ý nghĩa du lịch vùng nhưng so với các điểm trên thì số điểm đánh giá thấp hơn. Điểm này có tài nguyên hấp dẫn nhưng CSHT và CSVCKT chưa phát triển.
Sản phẩm du lịch có thể phát triển ở đây là du lịch về nguồn, du lịch sinh thái biển, tham quan, tìm hiểu địa hình, hệ sinh thái đầm lầy (sinh thái biển – rừng ngập mặn Lộc An ) ở cửa sông, Vui chơi giải trí cảm giác mạnh, Du lịch thể thao biển...
Hướng khai thác cần đầu tư thêm hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu trưng bày, bảo tàng lịch sử của huyện và giải tỏa mặt bằng mở rộng diện tích của điểm.
- Các điểm du lịch có ý nghĩa địa phương
* Điểm du lịch hồ Núi Le
Điểm du lịch này được đánh giá với 14 điểm. Điểm này có thể phát triển các sản phẩm du lịch như bơi thuyền, tham quan ngắm cảnh, nghiên cứu. Hướng khai thác cần đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách.
+ Điểm du lịch khu vực núi mộ ông
Sản phẩm du lịch đặc trưng của điểm này là leo núi, cắm trại. Hướng khai thác cần tăng cường quảng bá và liên kết với các điểm du lịch khác.
+ Điểm du lịch thác nước Hòa Bình
Điểm này tài nguyên du lịch hấp dẫn . Các sản phẩm du lịch có thể phát triển ở đây là tham quan ngắm cảnh, Cắm trại, sưu tầm đá ở thác. Hướng khai thác cần đầu tư hệ thống CSHT và CSVCKT, kêu gọi vốn đầu tư và tránh khai thác đá cảnh bừa bãi.
+ Điểm du lịch chùa Bảo Tích
Được đánh giá với tổng số điểm là với tổng số điểm là 14 điểm. Sản phẩm du lịch đặc trưng là hành hương, và là điểm tín ngưỡng của du khách trong thời gian lưu trú tại huyện. Hướng khai thác cần đầu thêm các dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm và đặc sản của địa phương.
3.3.3.2. Khu du lịch sinh thái Bình Châu-Phước Bửu
Khu du lịch sinh thái Bình Châu-Phước Bửu được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch nhất của huyện. Tài nguyên của khu du lịch này rất hấp dẫn với sản phẩm đặc trưng: du lịch sinh thái rừng-biển ; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh ; du lịch vui chơi giải trí có thưởng.
3.3.3.3. Tuyến du lịch
- Tuyến du lịch nội tỉnh:
+Tuyến du lịch Bình Châu- Phước Bửu - Lộc An – Hồ Cốc- Vũng Tàu
Thời gian lưu trú: 2 – 3 ngày.
Nơi lưu trú: khu du lịch Bình Châu, Hồ Cốc.
Đối tượng tham quan: Tắm suối khoáng nóng, bùn khoáng Bình Châu. Tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, Vườn thú hoang dã Safari – Bình Châu bằng xe chuyên dụng, cưỡi voi, xem xiếc chim, xiếc thú. Thưởng thức buffet ngoài trời giữa cảnh thiên nhiên Chinh phục núi Tầm Bồ, Hồ Linh, tắm biển Hồ Cốc, Hồ Tràm, thể thao biển. Tìm hiểu về di tích bến Lộc An, tham quan rừng ngập mặn, câu cá trên sông Ray
+Tuyến du lịch Bình Châu – Hoà Bình – Bình Giã- Hắc Dịch
Thời gian tham quan: 2 - 3 ngày.
Địa điểm lưu trú: Vũng Tàu
Đối tượng lưu trú: Thăm địa đạo Hắc Dịch, khu du lịch sinh thái Hồ Đá Đen, đài chiến thắng Bình Giã, các bản làng Châu Ro, làm quen với cuộc sống của dân cư bản địa. Thăm các vườn cây ăn trái ở Xuân Sơn, thả diều, ngắm cảnh quan đồng quê xinh đẹp. Tắm suối khoáng nóng, bùn khoáng, liệu pháp spa cao cấp, dạo rừng nguyên sinh bằng xe bò, cưỡi ngựa. Nếu vào dịp lễ hội tắm bùn Bình Châu sẽ rất sôi động.
+Tuyến du lịch Hồ Tràm – Phước Bửu – Hòa Bình – Suối Các:
Thời gian lưu trú: 1 – 2 ngày.
Đối tượng tham quan: Tắm biển Hồ Tràm, bơi thuyền thúng, câu cá, vui chơi giải trí cao cấp, chơi golf. Tham quan vườn cây ăn trái, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, vườn thú hoang dã Safari – Bình Châu. Câu cá, chèo thuyền kayak, tham quan hồ Sông Ray. Thưởng thức xiếc cá sấu hấp dẫn ở trại nuôi cá sấu Suối Các, Hòa Hiệp. Trở về Hồ Tràm hoặc đi tiếp đến Bình Châu, Long Hải, Vũng Tàu.
Nơi lưu trú: khu du lịch sinh thái hồ Sông Ray.
+Tuyến du lịch khám phá hiking Phước Bửu – Hồ Cốc - Hòa Bình – Bến Lội:
Thời gian lưu trú: 1 – 2 ngày.
Đối tượng tham quan: Xuất phát từ khu du lịch hồ Sông Kinh, đi bộ hiking xuyên rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu, leo núi Đá Dắt, tìm hiểu đời sống động vật hoang dã, leo núi Hồ Ninh, thưởng thức hải sản, tắm biển Hồ Cốc. Tham quan vườn thú Safari –Bình Châu, tiếp tục xuyên rừng tới Bình Châu, nghỉ ngơi tắm suối khóang bùn nóng, thưởng thức đặc sản rừng, cắm trại nghỉ qua đêm. Tắm suối Bang, thưởng thức xiếc cá sấu hấp dẫn ở trại nuôi cá sấu Suối Các, Hòa Hiệp, trở về Phước Bửu.
+Tuyến du lịch nông nghiệp, lễ hội nông sản:
Thời gian lưu trú: 4 – 5 ngày.
Đối tượng tham quan: vùng chuyên rau, vườn ăn trái Tóc Tiên với nhãn xuồng Bao Công, ghé thăm khu du lịch nghỉ dưỡng nông nghiệp ven hồ Đá Đen chơi trò cưỡi đà điểu, cưỡi ngựa, ẩm thực đồng quê, thưởng thức trái cây tại trang trại cây trái đặc sản với nhãn xuồng cơm vàng Suối Nghệ, quýt đường Đá Bạc. Câu cá tại khu du lịch Hồ Suối Giàu. Vui chơi dã ngọai tham gia tìm hiểu giải trí, học tập, săn bắt tại các trang trại vườn rừng, vuờn đồng cỏ, trang trại giải trí có nuôi dê, heo rừng, hươu sao, nhím, thỏ rừng, cá chình, cá sấu …ở Suối Rao, Xuân Sơn, Bàu Lâm, Hòa Hiệp. Thử làm một người nông dân trong khu du lịch sinh thái Phước Bửu. Tìm hiểu phương pháp trồng rau sạch tại Xuyên Mộc. Tham quan làng chài ven biển, làm ngư dân, đi đánh cá, câu mực đêm tại Bến Lội - Bình Châu.Tham dự các lễ hội cây trái, nông thủy sản, các cuộc thi sản phẩm nông nghiệp, vui chơi giải trí được tổ chức hàng năm tại mỗi địa phương.
-Tuyến du lịch liên tỉnh
Tuyến du lịch các tỉnh miền Đông Nam Bộ: Hồ Tràm – Bình Châu – Vũng Tàu – Biên Hòa– TP. Hồ Chí Minh.
Đối tượng tham quan: Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thủ Đức), khu du lịch sinh thái Cần Giờ, Cù Lao Phố, làng nghề truyền thống ở Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều, các di tích TP.Vũng Tàu, Tắm biển Hồ Cốc – Hồ Tràm, giải trí cao cấp, thể thao biển. Tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, thưởng thức đặc sản biển, Tắm suối khoáng nóng Bình Châu, tham quan suối Bang.
Địa điểm lưu trú: TP. Hồ Chí Minh, Hồ Tràm, Bình Châu
3.4. Các giải pháp thực hiện 3.4.1. Qui hoạch du lịch
- Thiết lập mối quan hệ về hoạt động du lịch giữa các doanh nghiệp, giữa huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh như: TP. Vũng Tàu, huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn.
- Xây dựng các dự án có tính thực thi cao, bảo vệ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch. Có chính sách đầu tư thỏa đáng, nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch.