Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch:

Một phần của tài liệu tổ chức lãnh thổ du lịch huyện xuyên mộc (tỉnh bà rịa – vũng tàu) (Trang 62 - 66)

Cơ sở hạ tầng du lịch nói chung có vai trò đặc biệt đối với việc đẩy mạnh du lịch. Về phương diện này, mạng lưới và phương tiện giao thông là những nhân tố hàng đầu bởi du lịch gắn liền với sự di chuyển của con người trên một khoảng cách nhất định. Khi giao thông vận tải thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho việc đi lại, di chuyển của du khách đến các điểm du lịch, khu du lịch trở nên dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt thời gian đi lại, tăng thời gian nghỉ ngơi và tham quan của du khách.

2.2.4.1. Mạng lưới giao thông vận tải

- Đường bộ:

Hệ thống giao thông đường bộ hiện nay của huyện đã được nâng cấp và làm mới giải quyết nhu cầu vận chuyển và đi lại của nhân dân tương đối đảm bảo. Có 46% là đường nhựa ( mặt đường rộng 3,5 – 6 m ), 54% đường cấp phôi sỏi đỏ và đường đất, tổng chiều dài các tuyến đường trong huyện là 292,6 km trong đó đường cấp phôi sỏi và đường đất là 158 km, đường nhựa là 134,6 km. Các tuyến đường quan trọng, trực tiếp phục vụ du lịch:

+ Quốc lộ 55 dài 28,6 km, đã được nâng cấp mở rộng với nền đường rộng 16m, mặt bê tông nhựa rộng 12m, đi Xuyên Mộc- Hàm Tân- Phan Thiết.

+ Tỉnh lộ 328: Từ xã Tân Lâm ( ranh giới tỉnh Đồng Nai ) đến thị trấn Phước Bửu ( giao quốc lộ 55 ), dài 27,7 km, hiện tại đạt tiêu chuẩn cấp IV ( mặt bê tông nhựa rộng 7m, nền đường rộng 9m ). Đây là tuyến đường quan trọng, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng của huyện Xuyên Mộc.

+ Tỉnh lộ 329: Xuất phát từ QL55 ( thị trấn Phước Bửu ), đi qua các xã Xuyên Mộc, Hòa Hội và Hòa Hiệp ( giáp ranh tỉnh Bình Thuận), tổng chiều dài 26,9km, bao gồm đoạn QL55 cũ từ thị trấn Phước Bửu- Xuyên Mộc dài 3,1 km, mặt đường nhựa 2 làn xe; đoạn Xuyên Mộc –Hòa Hiệp dài 18,4 km, đạt tiêu chuẩn cấp IV ( mặt đường đá cấp phôi rộng 7m, nền đường rộng 8m ), đoạn Hòa Hiệp – Trường bắn quốc gia khu vực 3 (TB3) dài 5,4 km, đạt tiêu chuẩn cấp V ( mặt đường cấp phôi sỏi đỏ rộng 4m, nền đường rộng 6m).

+ Tỉnh lộ 44A (đường ven biển Lộc An – Bình Châu) là tuyến tỉnh lộ quan trọng trong việc phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, khai thác tiềm năng DLST và nghỉ dưỡng ven biển.

+ Ngoài ra còn có các tuyến:Đường Phước Bửu- Hồ Tràm ( có chiều dài 9,4 km, mặt đường bê tông nhựa láng rộng 7m), đường vào suối nước nóng Bình Châu ( có chiều dài 2,9 km, mặt đường láng nhựa rộng 6m ), đường Hồ Cốc – Bưng Riềng ( có chiều dài 6,4 km, mặt đường láng nhựa rộng 6 m).

Tuyến đường 27/4: chiều dài 2,5 km, rộng 9m, mặt bê tông nhựa nóng, chất lượng tốt, là tuyến đường tránh thị trấn Phước Bửu.

Giao thông nội thị trong thị trấn Phước Bửu đã được đầu tư song chưa hoàn chỉnh các tuyến đường ngoài khu trung tâm chủ yếu là đường cấp phôi, đá dăm và đường đất. Hệ thống lề đường và cống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ,...Các xã trong huyện đều có đường ô tô trải nhựa đến trung tâm xã (đạt chỉ tiêu 100%).

Nhìn chung, hệ thống giao thông đường bộ chưa hoàn chỉnh nhưng huyện đang tiến hành mở rộng và nâng cấp các tuyến đường trong huyện nhằm tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển đồng thời góp phần ổn định , nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân và phân bố lại dân cư.

- Đường thủy:

Cảng nội địa Bến Lội ( Bình Châu ) chủ yếu phục vụ các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, tuy nhiên nếu được nạo vét khơi thông luồng lạch thì tàu thuyền có thể ra vào thuận lợi ( nhất là các tàu có trọng tải lớn, các tàu du lịch). Trong tương lai, cảng Bến Lội có ý nghĩa quan trọng trong loại hình du lịch sông nước của huyện cũng như việc đón khách bằng đường thủy.

2.2.4.2. Điện và khả năng cung cấp điện

Số dân sử dụng điện là 91%, hệ thống điện trung thế đã kéo đến trung tâm 100% xã và các khu vực quan trọng như trại cải tạo, trường bắn quốc gia, khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên.

Điện chủ yếu sử dụng cho sinh hoạt, điện sử dụng cho công nghiệp và dịch vụ còn chiếm tỷ lệ thấp (dưới 7%tổng lượng điện huyện tiêu thụ).Tóm lại, ngành điện của huyện Xuyên Mộc cần được hỗ trợ vốn đầu tư cho lưới điện trung thế, hạ thế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa và phát triển du lịch.

2.2.4.3. Nguồn nước và khả năng cung cấp nước

Huyện Xuyên Mộc nằm ở vùng nghèo nước mặt, chịu ảnh hưởng của nước mặn nên nước sinh hoạt và nước dùng cho công nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm và nước mưa. Song, huyện Xuyên Mộc lại nằm trong vùng có nguồn nước ngầm tầng sâu nên giá thành khai thác cao.

Hiện nay, cấp nước đô thị ( khu vực thị trấn ): Khu vực thị trấn có 01 nhà máy với công suất 800m3/ngày và hơn 2000 giếng có nắp đậy có thể bơm nước để sử dụng tổng số hộ sử dụng nước sạch khu vực thị trấn là 97%. Tỷ lệ hộ được cung cấp nước máy khu vực thị trấn là 22,3%, nước dùng cho sinh hoạt một ngày khoảng 650m3/ngày, tỷ lệ hao hụt chiếm 18%. Ngoài nguồn nước máy, người dân còn sử dụng nguồn nước giếng đào. Nước sạch nông thôn: Tổng số hộ nông thôn dùng nước sạch là 24.900 hộ chiếm 94%, trong đó có 1.020 hộ dùng nước máy, tập trung chủ yếu vào xã Bưng Riềng ( 200 hộ), Xuyên Mộc ( 450 hộ), Bông Trang ( 100 hộ), phần lớn các hộ còn lại lấy nước giếng để sử dụng. Như vậy, các cơ sở phát triển du lịch sẽ phải đầu tư xây dựng các công trình để đảm bảo lượng nước phục vụ số lượng khách sẽ tăng trong thời gian tới.

2.2.4.4. Thoát nước mưa và nước thải, vệ sinh môi trường

- Thoát nước mưa và nước thải:

Tại thị trấn Phước Bửu có một hệ thống mương thoát nước nằm dọc trên các trục đường Quốc lộ 55, đường 27-4, một đoạn cống thoát nước trên đường TL 328 gần công viên bờ hồ. Có 1 số mương, cống nhỏ do dân tự làm thoát nước cục bộ. Hầu hết lượng nước mưa thoát vào các mương dọc hai bên bờ thoát ra sông hồ. Thị trấn chưa có hệ thống thoát nước thải, nước thải sinh hoạt được sử lý qua bể tự hoại 3 ngăn sau đó thoát ra hệ thống mương thoát nước thoát ra hệ thống sông hồ.

Ở các xã và một số khu dân cư chỉ có hệ thống thoát nước mưa, nước thải bẩn chủ yếu qua bể tự hoại và tự thấm.

Ở các khu du lịch hiện nay nước thải một phần được xử lý trước khi thải ra hệ thống thoát nước đô thị hoặc tái sử dụng vào mục đích khác. Số còn lại được lắng qua bể rồi thấm vào môi trường, còn lại thoát trực tiếp theo hệ thống thoát nước đô thị hay thoát ra hồ như khu du lịch Hàng Dương- Hồ Cốc.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhằm tái sử dụng vào mục đích tưới cây, trong đó có khu du lịch Hồng Phúc ( tái sử dụng 70%) và khu du lịch Sài Gòn – Bình Châu.

- Vệ sinh môi trường:

Hiện nay tình hình thu gom rác trên địa bàn huyện do công ty Công trình Đô thị thực hiện, chủ yếu là thu gom rác ở khu vực thị trấn và các chợ. Bình quân mỗi ngày thu gom rác sinh hoạt ở khu vực thị trấn và ven các trục lộ khoảng 8 tấn/ ngày. Ngoài ra tại các chợ khác của huyện thì công ty công trình đô thị hợp đồng theo năm, bình quân khoảng 130 tấn/ năm. Rác thải được thu gom bằng xe chuyên dùng tập trung đến bãi rác, tách lấy phế liệu, sau đó xử lý bằng phương pháp đốt. Lượng rác thải còn lại chưa thu gom, người dân sẽ tự đốt. Rác thải ở các khu du lịch và resort phần lớn được công trình đô thị thu gom, số còn lại được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (như khu du lịch Sài Gòn –Bình Châu, Thủy Hoàng, Biển Xanh, Hàng Dương- Hồ Cốc).

Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày chỉ đạt 11,68%, đây là vấn đề cấp thiết vì lượng rác thải còn lại sẽ gây ô nhiễm môi trường. Bãi rác tạm huyện Xuyên Mộc là bãi rác lộ thiên thuộc xã Phước Thuận, đi vào hoạt động từ năm 2000, có thể tiếp nhận khoảng 8 tấn/ ngày, nay sức chứa không còn.

Rác thải y tế: thu gom và xử lý 100%, hiện nay cơ sở xử lý đã xuống cấp. Trung tâm y tế huyện đang dự kiến xây dựng một cơ sở xử lý rác thải y tế và một cơ sở xử lý nước thải y tế trước khi chảy xuống cống chung.

Sự cố dầu tràn: Gần đây sự cố tràn dầu từ tàu Đức Trí ( trên vùng biển thị xã Lagi- Bình Thuận lan đến vùng biển huyện Xuyên Mộc ngày 6/3/2008 và sau đó lan

đến vùng biển Long Điền, Đất Đỏ, Vũng Tàu. Đến ngày 24/3/2008, cơ bản đã thu gom được gần 250 tấn cát lẫn dầu, hút và vận chuyển vào bờ 1600 tấn dầu, bảo đảm an toàn cho vùng biển Bà Rịa -Vũng Tàu.

2.2.4.5. Bưu chính viễn thông

Có một bưu điện trung tâm tại thị trấn Phước Bửu và 05 bưu điện văn hóa xã; Tổng số máy điện thoại trên địa bàn huyện: 9.668 máy, bình quân: 8,9 máy/ 100 dân. Việc cung cấp báo chí, bưu phẩm, nhìn chung tốt các xã vùng sâu còn khó khăn, các dịch vụ phát chuyển nhanh, bưu phẩm bảo đảm, hệ thống internet chưa phát triển mạnh. Tình hình phủ sóng điện thoại di động liên tục được nâng cấp, không chỉ có ở thị trấn Phước Bửu và các xã lân cận mà các xã vùng xa khả năng liên lạc ngày càng tốt [Nguồn: Báo cáo qui hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Xuyên Mộc đến năm 2020].

Một phần của tài liệu tổ chức lãnh thổ du lịch huyện xuyên mộc (tỉnh bà rịa – vũng tàu) (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)