Đặc điểm phát triển thể chất của trẻ 5 tuổi

Một phần của tài liệu thực trạng sử dụng “bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” trong tổ chức hoạt động phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi (Trang 42 - 43)

Trong 6 năm đầu, trẻ có đặc điểm phát triển mạnh mẽ tất cả các cơ quan và hệ cơ quan. Đứa trẻ sinh ra đã được thừa hưởng những đặc điểm sinh vật, đặc điểm này là cơ sở cho sự phát triển thể lực và tâm lý ở giai đoạn lứa tuổi sau. Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, đây là thời kỳ đặc biệt thuận lợi để tiếp thu và củng cố các kỹ năng cần thiết.

Trẻ đã có kinh nghiệm vận động; thói quen vận động phát triển nhanh; tỷ lệ cơ thể đã cân đối tạo ra tư thế vững chắc; cảm giác thăng bằng được hoàn thiện, sự phối hợp vận động tốt hơn.

Trẻ đã có ý thức vươn lên để đạt thành tích cao một cách tự tin và mạnh dạn hơn; trẻ biết phối hợp tay chân nhịp nhàng, thân vững vàng khi đi; vận động nhảy được hoàn thiện, trẻ nhảy nhẹ nhàng và biết chạm chạm đất bằng 2 đầu bàn chân; chạy, bò, ném được hoàn thiện rõ nhất, có sự chính xác khi vận động, phát triển khả năng ước lượng bằng mắt, khéo léo khi phối hợp vận động..[19]

Có hai loại kĩ năng vận động phát triển trong lứa tuổi mầm non, mà trong đó vận động thô là sử dụng các cơ lớn, còn vận động tinh lại đòi hỏi sử dụng các cơ nhỏ của bàn tay và các ngón tay. Việc đạt được sự thành thạo trong các kĩ năng này là một trong những nhiệm vụ phát triển thể chất quan trọng của trẻ lứa tuổi mầm non.

Sự phát triển vận động của mỗi trẻ là khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm cá nhân của chúng và điều này có liên quan đến các quá trình giáo dục, xác định đặc điểm cá nhân và hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, sự phát triển vận động của mỗi trẻ cũng chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài như dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Hệ thống vận động: Dưới sự chi phối và điều tiết của hệ thống thần kinh, cơ bắp phát sinh, sự co cơ lôi kéo xương, từ đó tạo ra các động tác hoặc các dạng vận động của cơ thể. Hệ vận động bao gồm: bộ xương, cơ bắp, gân, bộ dây chằng, khớp có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển cơ thể. Bất kì hoạt động nào của cơ thể được

hoàn thành đều thông qua hệ vận động. Đồng thời, trong quá trình vận động, chức năng của hệ vận động cũng được tăng cường thêm một bước. Ngoài ra các hệ cơ quan khác cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận động của trẻ.

Hệ cơ và xương ở lứa tuổi này phát triển không đều. Tỉ lệ thân thể thay đổi rõ rệt, sức bền cơ thể tăng lên. Quá trình cấu tạo xương chưa kết thúc. Sự phát triển bộ xương để làm điểm tựa cho vận động và bảo vệ các cơ quan bên trong ở lứa tuổi này còn chưa hoàn thiện, trong xương còn nhiều sụn, tính cứng chắc của xương tương đối kém nên xương dễ bị cong vẹo, biến đổi hình dạng, cong gập. Vận động cơ thể hợp lí có thể làm cho hình thái cấu trúc xương của trẻ có chuyển biến tốt, xương biến đổi cứng chắc hơn.

Tổ chức cơ bắp của trẻ mầm non tương đối ít. Các sợi cơ nhỏ, mảnh, thành phần nước trong cơ nhiều nên sức mạnh cơ bắp yếu, dự trữ năng lượng của cơ bắp cũng hạn chế. Sự phát triển của các mô cơ diễn ra chủ yếu là nhờ sự dày lên của các sợi cơ. Trọng lượng của các cơ trong cơ thể trẻ mầm non chỉ chiếm 22 – 24% trọng lượng toàn thân. Các cơ của trẻ em không chỉ có sức mạnh hơn so với các cơ của người lớn mà còn chóng bị mệt mỏi hơn trong lúc hoạt động cơ bắp. Vì vậy, cần phải điều chỉnh chặt chẽ lượng vận động cơ bắp của trẻ trong quá trình tập luyện bài tập vận động. Nếu trẻ được thường xuyên tham gia vận động thể lực sẽ tăng cường một cách có hiệu quả công năng các tổ chức cơ bắp, làm cho sức mạnh, sức bền của cơ bắp được phát triển.

Một phần của tài liệu thực trạng sử dụng “bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” trong tổ chức hoạt động phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi (Trang 42 - 43)