Khái niệm “sự phát triển thể chất của trẻ em”

Một phần của tài liệu thực trạng sử dụng “bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” trong tổ chức hoạt động phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi (Trang 34 - 36)

Phát triển thể chất là quá trình biến đổi về hình thức và chức năng của cơ thể con người được biểu hiện dưới ảnh hưởng của điều kiện sống và giáo dục. Trong một mức độ nào đó, sự phát triển của thể chất phụ thuộc vào sự cấu tạo của cơ thể và đặc điểm chức năng của nó theo di truyền, nhưng ý nghĩa quyết định là thuộc về điều kiện sống của xã hội con người, trong đó có lao động và giáo dục thể chất. Các

chỉ số đánh giá trình độ phát triển thể chất là chiều cao, cân nặng, thể tích lồng ngực, dung tích phổi, thể tích và lực cơ, độ cong của cột sống…(biến đổi về hình thức), đồng thời là mức độ phát triển các tố chất thể lực (biểu thị sự biến đổi về chức năng của cơ thể trẻ): nhanh nhẹn, mạnh mẽ, bền bỉ, khéo léo… [35]

Hay còn gọi sự phát triển thể chất là quá trình hình thành, thay đổi trạng thái, chức năng sinh học của cơ thể con người, quá trình đó diễn ra dưới ảnh hưởng của điều kiện sống và môi trường giáo dục.

Tiền đề của phát triển thể chất là sức sống tự nhiên và và tổ chức cơ thể con người do bẩm sinh tạo nên. Song xu hướng, tính chất, trình độ phát triển thể chất, khả năng do con người rèn luyện được lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện sống và giáo dục.

Phát triển thể chất được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa rộng: phát triển thể chất là lượng phát triển thể lực hay các tố chất thể lực (tố chất vận động), phản xạ nhanh hay chậm của cơ thể, mức độ linh hoạt, thích nghi với điều kiện sống mới. Theo nghĩa hẹp: phát triển thể chất là mức độ phát triển cơ thể, được biểu hiện bằng những chỉ số sau: chiều cao, cân nặng, chu vi vòng ngực, vòng đầu, vòng tay...

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ như chế độ dinh dưỡng, chăm sóc vệ sinh, chế độ vận động…

Cơ thể trẻ em là cơ thể đang lớn và đang trưởng thành, về mặt sinh học, sự lớn lên và trưởng thành đòi hỏi phải được cung cấp đầy đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng và xúc tác để kiểm soát sự biệt hoá, tăng kích thước đối lượng tế bào. Nếu thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ chậm lớn, chậm phát triển làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và tham gia hoạt động của trẻ. Ngược lại nếu thừa dinh dưỡng làm tăng nguy cơ béo phì, gây hạn chế khi trẻ vận động. Vì thế giáo viên giáo dục cho trẻ lợi ích của dinh dưỡng đối với sức khỏe, dạy trẻ ý thức ăn uống đầy đủ và hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Hoạt động chăm sóc vệ sinh cho trẻ trong trường mầm non thông qua việc rèn luyện nề nếp, thói quen tốt trong giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như dạy trẻ làm quen cách bảo vệ và chăm sóc các bộ phận cơ thể, các giác quan; biết lợi ích việc giữ gìn sức khỏe; nhận biết mặc trang phục phù hợp với thời tiết; một số

hiểu biết ban đầu về các biểu hiện đơn giản khi bị ốm; biết cách giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh… [16]

Chế độ vận động trong trường mầm non thể hiện qua việc trẻ tham gia nhiều hoạt động khác nhau mà đòi hỏi nhiều ở sự vận động của trẻ như giờ thể dục sáng, giờ học thể dục, tham gia các trò chơi vận động, ngoài ra sự vận động của trẻ còn thể hiện thông qua các sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Mức độ tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự vận động của trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, vì thế giáo viên cần khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ hứng thú và tích cực khi tham gia các hoạt động. Vì điều kiện sinh hoạt xã hội của con người có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển thể chất, trong đó lao động và giáo dục, nói riêng là giáo dục thể chất có vị trí to lớn với sự phát triển của trẻ.

Chúng ta có thể thấy quá trình chín muồi về mặt cơ thể, về mặt sinh lí, thể lực là tiền đề quan trọng là điều kiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. [28]. Sự phát triển thể chất của trẻ có ảnh hưởng đến con đường, tốc độ và sự dễ dàng phát triển của một số đặc điểm nhân cách, nó giữ vai trò là tiền đề cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Chẳng hạn, đặc điểm của hệ vận động, tính mạnh mẽ, dẻo dai và sự dễ dàng thích ứng với hoạt động có thể hướng con người trở thành một vận động viên thể thao [13].

Đối với nhận thức giúp trẻ có khả năng kết hợp khéo léo các giác quan khi thực hiện nhiệm vụ, khả năng ghi nhớ, so sánh, phân tích, tư duy..; trong lĩnh vực ngôn ngữ, có sức khỏe tốt giúp diễn đạt câu chuyện, bài thơ, bài hát… mà không bị mệt; cơ thể khỏe mạnh hình thành cho trẻ trạng thái tâm lí vui tươi, phấn khởi khi tham gia các hoạt động, thói quen biết khắc phục khó khăn, sữa chữa những khuyết điểm, cố gắng thực hiện công việc đến cùng chính là điều kiện để phát triển tình cảm- kĩ năng xã hội của trẻ.

Một phần của tài liệu thực trạng sử dụng “bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” trong tổ chức hoạt động phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi (Trang 34 - 36)