Mặt trận Liên Việt hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình

Một phần của tài liệu mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng việt nam thời kỳ 1945 – 1975 (Trang 80 - 83)

Hòa bình lặp lại, chiến tranh tuy đã chấm dứt nhưng miền Bắc vẫn gặp phải những khó khăn chồng chất. Trước khi rút đi, địch đã vơ vét hầu hết vật tư, thiết bị; phá hủy hoặc tháo dỡ những bộ phận quan trọng của máy móc; hủy hoại và mang theo hồ sơ tài liệu hòng làm cho nhiều nhà máy, hãng buôn, trường học công sở phải đóng cửa, hàng loạt công nhân viên chức bị sa thải…Không chỉ vậy, địch còn ra sức tung tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta làm cho quần chúng hoang mang, lo lắng.

Đứng trước tình hình đó, được sự lãnh đạo kịp thời, sự động viên của các hội viên Liên Việt, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân, viên chức đã có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chống địch di chuyển, cướp phá tài sản ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, thị xã khác. Nhờ đó, mọi hoạt động của Hà Nội và các thành phố, thị xã khác sớm trở lại cuộc sống bình thường. Việc cung ứng điện, nước, đảm bảo giao thông vận tải không bị đình trệ, rối loạn. Các bệnh viện, trường học và các công trình dịch vụ công cộng sớm được phục hồi.

Ngoài những khó khăn, phức tạp do địch gây ra, do hậu quả nặng nề của chiến tranh và do thiên tai khắc nghiệt, nạn đói đã bắt đầu lan rộng, kéo dài cho tới vụ chiêm năm 1955, nhất là những vùng bị nạn lụt, vùng đồng chiêm và những nơi bị địch tàn phá nhiều. Trước tình hình khó khăn đó, Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể đã chủ động phối hợp với chính quyền có biện pháp cứu trợ số hộ quá khó khăn, gia đình thương binh, liệt sỹ, tích cực vận động nhân dân tương trợ, giúp đỡ nhau bằng nhiều hình thức cho vay, cho mượn để vượt qua nạn đói. Đồng thời, được sự động viên của Mặt trận, một số gia đình địa chủ đã tự nguyện mở kho cứu tế người đói.

Không chỉ đề ra các biện pháp trước mắt để giải quyết nạn đói, Mặt trận và các đoàn thể còn vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tận dụng hết các đất đai hoang hóa, ruộng đất của những gia đình vào Nam để trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, tăng diện tích, sản lượng vụ lúa xuân để chống nạn thiếu đói trong những ngày giáp hạt. Nhờ những biện pháp trên mà nạn đói đã được khắc phục, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình xã hội, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo cơ sở để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nổi lên lúc này là chống âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Để chống lại âm mưu đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp với bộ đội và các ngành, các cấp tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, vạch trần những luận điệu xảo trá của địch. Đặc biệt, ngày 1-5-1955, Ủy ban Liên Việt toàn quốc đã ra tuyên bố phản đối và lên án đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam gây nhiều khó khăn cho đời sống và tín ngưỡng của đồng bào Công giáo.

Mặt trận và các đoàn thể còn không ngừng động viên các lực lượng vũ trang trong việc giữ gìn trật tự an ninh ở miền Bắc, đấu tranh với những hoạt động gây rối ở đồng bằng…Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở những địa phương này đã không ngừng tuyên truyền trong quần chúng, đẩy mạnh hoạt động trừ gian kết hợp chặt chẽ với việc vận động sản xuất, cải thiện đời sống, làm cho phần lớn những cơ sở và hàng ngàn người lầm đường lạc lối được trở về với gia đình, bản làng.

Bên cạnh việc chống lại âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn vận động nhân dân đấu tranh đòi địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, lên án tội ác của Mỹ - Diệm đối với đồng bào miền Nam, đòi thống nhất nước nhà. Mặt trận đã tổ chức các buổi mít tinh, thu hút đông đảo đại biểu các giới, nhân sĩ trí thức yêu nước và chức sắc tôn giáo tiêu biểu tham gia phát biểu tố cáo những hành động vi phạm Hiệp định đình chiến của đối phương; phản đối những vụ tàn sát, khủng bố đồng bào miền Nam và trả thù những người đã tham gia kháng chiến; thông qua kiến nghị chống Mỹ, chống những phần tử thực dân Pháp và tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định đình chiến; đòi quân đội Liên hiệp Pháp nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định đình chiến.

Tháng 1-1955, Mặt trận Liên Việt và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp hành động nhằm động viên nhân dân hưởng ứng cuộc vận động lập lại quan hệ bình thường Bắc - Nam, ra tuyên bố, hiệu triệu và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình và gửi thư qua Ủy ban Giám sát quốc tế đến nhân dân miền Nam. Nhằm hưởng ứng chủ trương của Trung ương Đảng về đấu tranh đòi đối phương phải mở hội nghị hiệp thương giữa hai miền

Nam - Bắc, ngày 7-6-1955, Ủy ban Liên Việt toàn quốc ra tuyên bố hoan nghênh và sẵn sàng chấp nhận mọi sự tiếp xúc để thực hiện hội nghị hiệp thương giữa hai miền Nam - Bắc.

Bất chấp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta và sự phản đối của dư luận quốc tế, đầu tháng 7-1955, Ngô Đình Diệm đã ra tuyên bố không công nhận Hiệp định Giơnevơ, không tổ chức tổng tuyển cử; tiến hành chiến dịch chống Hiệp định Giơnevơ; thực hiện chiến dịch tố cộng, diệt cộng để tàn sát, trả thù những người kháng chiến. Trước tình hình đó, ngay từ ngày 5-7-1955, Mặt trận Liên Việt đã tổ chức Hội nghị liên tịch để thảo luận, đề ra những nhiệm vụ tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh đòi thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Tiếp đó, ngày 18-7-1955, Ủy ban Liên Việt toàn quốc họp phiên bất thường để thành lập Ban Vận động thực hiện thống nhất nước nhà của Mặt trận với ba nhiệm vụ cụ thể là: tham gia ý kiến, phản ánh, đề bạt ý kiến của dân với Chính phủ và vận động nhân dân làm hậu thuẫn cho Chính phủ. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ, ngày 21-7-1955, Ủy ban Liên Việt ra tuyên bố tố cáo luận điệu giả dối của nhà cầm quyền miền Nam, đòi nhà cầm quyền miền Nam cử đại biểu hiệp thương, thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Như vậy, ra đời từ năm 1951, với những đóng góp quan trọng đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đến đây Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.

Một phần của tài liệu mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng việt nam thời kỳ 1945 – 1975 (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)