Giơnevơ 1954
Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết và có hiệu lực. Bản Hiệp định đánh dấu thắng lợi của chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Với thắng lợi đó, quân và dân ta đã bảo vệ được thành quả của cách mạng tháng Tám trên miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Hiệp định ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), ngang nhiên đặt miền Nam vào “khu vực bảo hộ” của khối này. Trong kế hoạch chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, miền Nam có một vị trí địa chính trị, địa quân sự, kinh tế cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, chẳng bao lâu sau ngày đình chiến, Mỹ đã tìm mọi cách hất cẳng Pháp, lập nên chính quyền phản động Ngô Đình Diệm và thông qua chính quyền đó để phá hoại sự nghiệp cách mạng, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Trước tình hình trên, ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chỉ ra những đặc điểm mới của cách mạng Việt Nam sau năm 1954, trong đó có đặc điểm lớn, bao trùm nhất là: đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Còn miền Nam dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên với âm mưu thâm độc: tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lấy miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc Việt Nam, tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa hòng đè bẹp, đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt các nước xã hội
chủ nghĩa.
Từ đặc điểm đó, dẫn đến trong xã hội miền Bắc, mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; còn ở miền Nam, mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn dân miền Nam với đế quốc Mỹ xâm lược và tập đoàn phản động tay sai. Song mâu thuẫn bao trùm nhất là: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đấu tranh thống nhất nước nhà là nguyện vọng, là yêu cầu và nhiệm vụ lịch sử của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đó, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 8 (13-8-1955) đã nêu rõ: cần phải mở rộng và củng cố MTDTTN trong toàn quốc, tập hợp mọi lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình từ Bắc tới Nam, tranh thủ bất cứ người nào ta có thể tranh thủ, trung lập bất cứ người nào ta có thể trung lập, phân hóa Mỹ, Pháp, phân hóa bọn thân Mỹ và thân Pháp, cô lập đế quốc Mỹ và bọn thân Mỹ phản động.
Trong lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công cũng như nhiều thư gửi đồng bào cả nước và nhiều bài nói, bài viết trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta là đấu tranh để thống nhất Tổ quốc và nhấn mạnh đến vai trò của việc củng cố, mở rộng và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc trên cả hai miền đất nước. Trong thư gửi đồng bào cả nước ngày 6-7-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta là: kiên quyết tiếp tục đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc”[56, tr.463].
Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960) đã vạch ra nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng mỗi miền và nhiệm vụ chung cho cách mạng cả nước:
Ở miền Bắc, sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân căn bản hoàn thành, Đảng chủ trương chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước khi bắt đầu những nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc phải trải qua giai đoạn đấu tranh đòi phía Pháp thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, tiếp quản vùng mới giải phóng, hoàn thành cải cách ruộng đất,
hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Trong quá trình này, Mỹ đã mở rộng hoạt động ném bom bắn phá, nên miền Bắc phải kết hợp cả với cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, nhằm bảo vệ miền Bắc và phối hợp với cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Xây dựng chủ nghĩa xã hội còn nhằm xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước và là hậu phương cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.
Ở miền Nam, do vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Đảng chủ trương tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mở đầu thời kỳ ta đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam. Trong quá trình diễn biến, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phát triển thành cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng dân tộc chống cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, phối hợp với cuộc chiến đấu của nhân dân hai nước Lào và Campuchia...
Trong việc thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chung của cách mạng cả nước, cách mạng mỗi miền có vị trí và vai trò khác nhau. Miền Bắc là hậu phương nên nó có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng cả nước và sự nghiệp thống nhất đất nước. Miền Nam là tiền tuyến nên nó có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hậu phương và tiền tuyến, cách mạng hai miền Bắc - Nam, do đó, có quan hệ gắn bó với nhau, phối hợp với nhau, tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển. Cả hai miền Nam Bắc có nhiệm vụ chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình - thống nhất - độc lập - dân chủ và giàu mạnh. Chính đường lối đó đã đặt ra và giải quyết một cách độc đáo, sáng tạo yêu cầu nội dung của chiến lược đại đoàn kết dân tộc và MTDTTN ở mỗi miền và chung của cả nước.