bước đầu của cuộc kháng chiến (1946 - 1950)
Từ khi phát động toàn quốc kháng chiến đến khi Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thống nhất với nhau, thì Việt Minh và Liên Việt đã sát cánh với nhau trong mọi công tác, góp phần giành thắng lợi bước đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Về số lượng và tổ chức, Mặt trận Việt Minh đã phát triển lực lượng và đẩy
mạnh hoạt động trong nhân dân lao động ở cả nông thôn và thành thị thông qua các đoàn thể cứu quốc. Ngoài ra, còn có những hình thức tổ chức thích hợp với từng giới. Đầu năm 1947, Ủy ban Mặt trận Việt Minh Nam Bộ được thành lập do Hà Huy Giáp làm Chủ nhiệm và Trần Bạch Đằng làm Tổng Thư ký. Ngay sau khi ra đời, Ủy ban Mặt trận Việt Minh Nam Bộ đã thành lập các đội cảm tử xung phong, tổ chức lãn công, đình công đòi quyền lợi kinh tế, tẩy chay Chính phủ bù nhìn, đòi các quyền tự do dân chủ, chống khủng bố và kêu gọi các trí thức lớn, điền chủ và bước đầu triển khai các biện pháp đoàn kết với Công giáo, Cao đài, Hòa hảo. Mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn được củng cố. Các tỉnh miền Tây và Đông Nam
Bộ thu hút được nhiều trí thức và giáo phái tham gia Mặt trận Việt Minh. Ở khu vực Nam Trung Bộ, Ủy ban Việt Minh các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chống địch càn quét, mở rộng chiếm đóng. Trên địa bàn Tây Nguyên, Mặt trận Việt Minh và Hội đánh Tây ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk tích cực vận động đồng bào Ba Na, Gia Rai đoàn kết với người Kinh đánh quân xâm lược.
Đối với Hội Liên Việt đã có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết trong việc đoàn kết, tập hợp lực lượng, đặc biệt đối với nhân sĩ, trí thức ở trong và ngoài nước để chống lại âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc mà nổi lên lúc này là chủ trương của thực dân Pháp lập ra cái gọi là Mặt trận Liên hiệp quốc gia để lừa gạt nhân dân trong nước và dư luận Pháp; chống Việt Minh, chống cộng sản; tiến tới lập chính phủ bù nhìn toàn quốc. Hội còn tích cực vận động các nhà văn hóa, nhà khoa học cống hiến tài năng và trí tuệ của mình vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, nhất là sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Do đó, số lượng của Việt Minh và Liên Việt đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, “Số lượng toàn quốc chưa có con số rõ ràng, có nơi được 1/2 số cử tri, có nơi 2/3 sang năm 1949 số lượng phát triển mạnh, như khu I phát triển được 73.240 hội viên, khu X, khu V mỗi khu phát triển được bốn vạn rưỡi”[1, tr.21].
Về tình hình các cấp bộ, đặc biệt năm 1949, Ban Chấp hành các cấp được củng cố chấn chỉnh lại. 60% chấp hành từ khu tới xã được bầu chính thức, còn một số xã rất ít không có Ban Chấp hành vì ở những chỗ này là công giáo toàn tổng. Cùng với việc chấn chỉnh các cấp bộ, công tác huấn luyện cũng được chú ý. Rất nhiều khu đã mở những lớp cho cán bộ tỉnh, huyện, xã cho hội viên. Các đoàn thể thì mở rất nhiều. Khu Việt Bắc, 6 tháng đầu năm mở được 1650 lớp, có 48.360 học sinh. Riêng 3 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh cũng trong 6 tháng này mở được tất cả 4.053 lớp với 155.772 học sinh [1, tr.21].
Trên mặt trận chính trị, các tổ chức của MTDTTN đã đi sâu vận động quần
chúng ở vùng tự do cũng như vùng bị địch chiếm đóng chống lại âm mưu “dùng người Việt trị người Việt”; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các mặt trận kháng chiến. Mặt trận và các đoàn thể động viên các tầng lớp nhân dân
tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tích cực tổ chức, tạo điều kiện cho đồng bào tản cư. Nhiều hội viên, đoàn viên hăng hái tham gia vào các Ủy ban động viên dân chúng, đi khắp các nơi khai hội, giải thích cho dân, phân phát truyền đơn, kẻ khẩu hiệu ở khắp các xóm làng, đọc những bài hò vè vắn tắt dễ hiểu, diễn những vở kịch giản đơn, giải thích về đường lối kháng chiến của Chính phủ và Mặt trận. “Ngoài việc mít tinh, giải thích, nói chuyện, in truyền đơn, hiệu triệu phát trong các dịp kỷ niệm hoặc các dịp đặc biệt. Năm 1949, nhiều tỉnh còn ra được báo hàng tuần, hàng tháng hoặc đặc san. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn chưa được chú ý, ít có những hình thức tuyên truyền rầm rộ sâu rộng trong nhân dân. Việc tuyên truyền ở các cấp không có người chuyên trách.” [1; tr.21]. Đặc biệt, nhờ sử dụng tổng hợp các biện pháp quân sự, chính trị đi đôi với tuyên truyền, vận động và cải thiện đời sống, tranh thủ tầng lớp trên nên MTDTTN đã từng bước phá âm mưu chia rẽ của giặc Pháp trong việc tạo ra những cái gọi là “Xứ Nùng tự trị” (vùng Đông Bắc), “Xứ Thái tự trị” (vùng Tây Bắc), “Xứ Mường tự trị” (Hòa Bình) …
Phong trào thi đua yêu nước của các ngành, các giới ở vùng tự do, phong trào đấu tranh chính trị của các giai cấp, tầng lớp ở các vùng bị địch chiếm, đặc biệt là các đô thị, đã phát triển sôi động hơn so với giai đoạn trước. Nếu như năm 1947 mới chỉ có 15 cuộc đấu tranh của công nhân Nam Bộ đòi tăng lương, giảm giờ làm, thì sang năm 1948 đã có 40 cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định và cả Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng…Năm 1949, tăng lên 54 cuộc đấu tranh của công nhân ở cả ba miền. Năm 1950 có đến 65 cuộc đấu tranh lớn nổ ra. Bên cạnh phong trào của công nhân, còn có phong trào bãi khóa của học sinh, bãi thị của tiểu thương, trí thức gửi kiến nghị phản đối Chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên.
Cuộc đấu tranh chống lại “Vụ án Liên Việt” tại Sài Gòn từ giữa năm 1949 do hoạt động của Hội Liên Việt bị lộ, địch đưa các hội viên Liên Việt ra tòa xét xử, đã giấy lên phong trào đấu tranh của các giới đòi ngăn chặn vụ án. Mở đầu là cuộc đấu tranh của hơn 300 trí thức có danh tiếng ký tên vào bản kiến nghị do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Trưởng phái đoàn đại diện các giới, đòi đình chỉ vụ án. Ngày 15-3-1950, địch đưa 22 hội viên Liên Việt ra tòa xét xử. Hơn 3.000 người gồm nam,
nữ học sinh, công chức, lao động, bác sĩ, dược sĩ tham gia đấu tranh gây sức ép buộc địch phải tuyên bố hoãn xét xử.
Khi phái đoàn viện trợ của Mỹ đến Sài Gòn (6-3-1950), hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến hành chính Sài Gòn, hơn 30 vạn người dự mít tinh, gần 500.000 người xuống đường tuần hành hô vang khẩu hiệu phản đối Pháp - Mỹ xâm lược, xé cờ, đốt xe địch vào ngày 19-3-1950.
Trên mặt trận quân sự, trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc, nhân
dân cả nước đã phối hợp với cuộc chiến đấu ác liệt ở thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Mặt trận thi hành chính sách “vườn không nhà trống”, phá hoại cầu đường, xây dựng làng chiến đấu nhằm ngăn chặn bước tiến của quân thù. Phối hợp giữa quân và dân tiêu diệt hội tề phản động, phá chính quyền bù nhìn của địch ở thôn quê mà địch vừa lập được ở một số nơi. Với những hoạt động tích cực của Việt Minh và Liên Việt đã đưa đến thắng lợi trên chiến trường: thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947; thắng lợi của chiến dịch Biên Giới năm 1950.
Bên cạnh đó, Việt Minh và Liên Việt còn “vận động bộ đội chính quy, nuôi dưỡng bộ đội địa phương. Tất cả và đa số các cấp bộ đoàn thể trong Mặt trận, từ Trung ương đến tỉnh đã đỡ đầu một hay hai đơn vị bộ đội chính quy hay địa phương. Ngoài ra còn vận động nhân dân đỡ đầu như ở Phú Thọ có hai người đỡ đầu hay đại đội, một người đỡ đầu một tiểu đoàn và một bà đỡ đầu một trung đội. Hiện nay các xã đang vận động đỡ đầu mỗi xã một tiểu đội.”[1; tr.21-22]. Việc nuôi dưỡng bộ đội địa phương được đặc biệt chú ý, nhiều xã đã quyên góp được hàng vạn đồng bạc. “Đặc biệt phong trào nuôi bộ đội địa phương Hà Tĩnh lên rất cao, có xã quyên góp được 13 triệu, toàn tỉnh quyên góp được 300 triệu” [1, tr.22].
Không những vậy, “phong trào luyện tập quân sự và tòng quân lên cao và đều. Hầu hết các đoàn viên có đủ điều kiện đều gia nhập dân quân, đặc biệt có nhiều đội phụ nữ du kích và bạch đầu quân cũng luyện tập rất hăng hái. Nhiều lớp huấn luyện quân sự mở ở các nơi. Số thanh niên xung phong tòng quân ở các khu lên đến hàng chục vạn. Riêng Thanh - Nghệ -Tĩnh đã có 19 vạn thanh niên, trong đó có công chức và học sinh xung phong tòng quân.” [1; tr.22].
Trên mặt trận kinh tế, Việt Minh và Liên Việt đã vận động giảm tô và hiến điền, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đáp ứng nhu cầu tại chỗ cũng như cho kháng chiến. “Việc vận động giảm tô ráo riết hơn trước nhiều. Ở những địa phương việc giảm tô gặp khó khăn, Liên Việt đứng ra triệu tập Hội nghị chủ điền và tá điền để thảo luận dàn xếp việc giảm tô. Nhờ vậy mà việc giảm tô thu được nhiều kết quả” [1; tr.22]. Không chỉ vậy, Việt Minh và Liên Việt còn phối hợp với nhau trong việc vận động nhân dân hiến điền, có những địa chủ hiến hàng trăm mẫu, có một số phú nông cũng xung phong. Việc tăng gia sản xuất cũng có nhiều kết quả như “Vĩnh Yên, Yên Bái giồng thêm được 1.290 mẫu bông, 666 mẫu mía, 603 mẫu lúa ba giang, 879 mẫu chiêm, 30 mẫu sắn, 170 mẫu ngô. Ở khu 4, ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh tăng gia được 8.954 mẫu, khẩn hoang được 5.096 mẫu, đắp được 101.765 đê Nông giang. Tỉnh Vĩnh Yên đầu năm 1949, chăn nuôi thêm được 90 trâu, 133 bò, 580 lợn nái” [1, tr.22].
Về thực hiện bình dân học vụ, “Mặt trận các cấp đã có kế hoạch thanh toán
nạn mù chữ trong các đoàn thể và tham gia thanh toán nạn mù chữ toàn dân. Hiện nay số đoàn viên cứu quốc mù chữ rất ít. Nhiều tỉnh đã thanh toán xong và đã tiến tới lập các lớp bổ túc bình dân” [1, tr.23].
Trên mặt trận ngoại giao, các hoạt động đối ngoại nhân dân đã được phát
triển mạnh mẽ, góp phần giúp cho nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp hiểu rõ về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam. Ngoài ra, còn liên lạc với Hội Ítxara của Lào, Ítxarắc của Miên - Lào
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, nhân dân thành thị và nông thôn gần chiến trường đã tản cư đi nơi khác, hàng vạn thanh niên gia nhập bộ đội, hàng vạn công nhân rời xí nghiệp, vận chuyển máy móc đi xây dựng công nghiệp quốc phòng, nhiều người công tác văn hóa đi đảm đương những nhiệm vụ khác cho nên tổ chức của các đoàn thể trong Mặt trận bị xáo trộn. Hơn nữa, hoạt động của Hội Liên Việt chưa có sự tiến bộ đáng kể vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong thực tế hoạt động, Việt Minh và Liên Việt chưa có sự phân công rõ ràng. Bên cạnh đó, cuộc tấn công mùa hè năm 1947 của địch làm cho đường liên lạc
Nam - Bắc gặp khó khăn, các vùng tạm chiếm mở rộng; quân Pháp đang chuẩn bị lực lượng, lập chính phủ bù nhìn tay sai và đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta. Chúng tuyên bố không công nhận Việt Nam độc lập thống nhất, không công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là đại diện chính của nhân dân Việt Nam. Chúng tuyên truyền thù hằn giai cấp, đảng phải, tôn giáo và dân tộc để chia rẽ MTDTTN mà Việt Minh là trụ cột, cô lập Đảng Cộng sản.
Sau khi chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” bị thất bại, thực dân Pháp phải chuyển sang “đánh kéo dài”, ráo riết thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, rải quân để bình định, củng cố các vùng chiếm đóng của chúng ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bình - Trị - Thiên và đồng bằng Bắc Bộ, thực thi chiến lược “chiến tranh tổng lực” đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị và lực lượng hậu bị của ta.
Trong điều kiện như vậy, công tác mặt trận lại càng phải được chú trọng hơn để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, chống mọi âm mưu chia rẽ của thực dân Pháp. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương mở rộng (1-1948) đã khẳng định: mặt trận dân tộc chống Pháp lúc này phải là Hội Liên Việt, Việt Minh là bộ phận trụ cột trong Liên Việt và Hội là đội tiên phong, bộ tham mưu lãnh đạo cả mặt trận toàn dân. Muốn củng cố và mở rộng MTDTTN, phải phát triển Liên Việt và củng cố Việt Minh, đặc biệt là Tổng bộ, một mặt thống nhất hệ thống tổ chức Việt Minh từ dưới lên trên (thống nhất các Hội Cứu quốc toàn quốc). Việt Minh phải gia nhập toàn thể vào Hội Liên Việt. Đồng thời, Hội nghị còn đề ra một số biện pháp nhằm xây dựng và mở rộng Hội Liên Việt và định ra phương châm: “Các giai cấp trong nước nhân nhượng quyền lợi với nhau để cứu vãn quyền lợi chung của dân tộc”[24; tr. 27]. Cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ tư (5-1948) và lần thứ năm (8-1948) đã chú trọng đến công tác mặt trận ở ba điểm sau:
Thứ nhất, Hội nghị đã cụ thể hóa việc chấn chỉnh tổ chức Việt Minh nói
tạo cán bộ cho Việt Minh, xây dựng Việt Minh ở miền núi và trong vùng địch chiếm đóng.
Thứ hai, đối với Liên Việt, Hội nghị ấn định trọng tâm phát triển lấy cơ sở là
xã, đặc biệt chú ý Liên Việt cấp xã, duy trì sinh hoạt một tháng một lần. Không tổ chức Liên Việt trong vùng dân tộc thiểu số. Các công tác ở cơ sở của Việt Minh trước đây nay chuyển sang cho Liên Việt.
Thứ ba, Hội nghị đề ra nội dung, nguyên tắc, mối quan hệ giữa hai hình thức tổ chức. Các cấp bộ Việt Minh cử người tham gia Ban chấp hành Liên Việt tương đương. Các hội viên cứu quốc phải tham gia sinh hoạt và làm mọi công việc của Liên Việt.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm (8-1948) đã nêu ra sáu đặc điểm của MTDTTN giai đoạn hiện tại. Trong đó, đặc điểm thứ sáu, đồng thời cũng là một khuyết điểm, đó là có hai hình thức Việt Minh và Liên Việt chồng chéo lên nhau khiến cho tổ chức và sự lãnh đạo phức tạp thêm.
Hội nghị cũng đề ra những chủ trương, biện pháp tiến hành thống nhất, trước hết Đảng và Việt Minh phải quán triệt trên thực tế phương châm thực hiện thống nhất là: “Củng cố Việt Minh và phát triển Liên Việt để tiến tới thống nhất Việt Minh, Liên Việt”. Đây là phương pháp duy nhất đúng, nên không thể vội vã mà cần có sự chuẩn bị chu đáo. Đánh giá về phương pháp, hình thức tổ chức mặt trận này, văn kiện chỉ rõ đó có thể coi là một “phát kiến” độc đáo, sáng tạo của Việt Nam mà “chúng ta tìm ra trong cuộc vận động đại đoàn kết toàn dân này”[24; tr. 217]. “Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ 5 vừa rồi, nhận thấy đã có điều kiện làm cho Việt Minh và Liên Việt thành một MTDTTN nên đã quyết nghị thống nhất hai mặt trận làm một. Vả lại, việc thống nhất hai mặt trận còn có lợi là sẽ thanh toán được