dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất nước nhà (1955
- 1975)
Miền Bắc tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện vừa khôi phục, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, phải chịu sự tác động trực tiếp của hai mươi năm chiến tranh vô cùng ác liệt, đòi hỏi toàn dân đoàn kết một lòng, cống hiến hết sức mình cả về tinh thần và vật chất đóng góp vào sự nghiệp chung. Hơn nữa, Mặt trận Liên Việt lúc này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiệm vụ chung của cả nước và của mỗi miền đã thay đổi, vì vậy, cần phải có Mặt trận mới thích hợp, thu hút tất cả mọi tổ chức và
cá nhân yêu nước, nhất là những người ở vùng mới giải phóng. Đó là những yêu cầu khách quan đòi hỏi tiếp tục phải tăng cường củng cố và mở rộng MTDTTN.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng MTDTTN trong giai đoạn cách mạng mới, tháng 9-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết vạch rõ phương hướng mở rộng Mặt trận lúc này là: củng cố sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân đội; ra sức tranh thủ sự ủng hộ của công nhân, nông dân, trí thức cách mạng; không ngừng tranh thủ mọi lực lượng có thể hợp tác để thực hiện một MTDTTN rộng rãi. Chiến tranh kết thúc, nhưng Mặt trận không thể co hẹp lại mà cần phải mở rộng hơn nữa, nhất là phải kêu gọi sự hợp tác, ủng hộ của các phần tử trí thức, của giai cấp tư sản, cùng các nhân sĩ dân chủ và thân sĩ yêu nước.
Quán triệt phương hướng về mở rộng MTDTTN trong giai đoạn cách mạng mới, từ ngày 7 đến ngày 11-1-1955, Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc đã họp tại Hà Nội. Hội nghị đã tổng kết những vấn đề về tổ chức hoạt động của Mặt trận Liên Việt từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II và rút ra 5 nguyên tắc lớn trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận, đó là: thương lượng; dân chủ; thống nhất hành động; tôn trọng tính độc lập của tổ chức; thân ái hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Bên cạnh đó, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết “Mở rộng và củng cố MTDTTN”. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định: “Những nghị quyết ấy thể hiện chính sách căn bản của Đảng về MTDTTN hiện nay”[26; tr.20].
Trong Hội nghị trung ương lần thứ bảy (3/1955), Đảng ta đã nhận định: đế quốc Mỹ đang trực tiếp can thiệp vào Việt Nam ngày càng sâu, phá hoại kết quả của hiệp định đình chiến, phá hoại thống nhất của Việt Nam, chuẩn bị gây lại chiến tranh Đông Dương. Do vậy, cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nhân dân ta là lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Để đạt được mục đích của cuộc đấu tranh, ta phải mở rộng và củng cố MTDTTN trong cả nước, phải đoàn kết với bất cứ người nào có thể đoàn kết được, tranh thủ bất cứ người nào có thể tranh thủ được, trung lập bất cứ người nào có thể trung lập được, cốt nhằm phân hóa kẻ thù đến cao độ và cô lập chúng, đồng thời tìm kiếm thêm nhiều bạn, cả trong nước lẫn ngoài nước.
Tháng 8-1955, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tám và ra nghị quyết chỉ rõ cuộc đấu tranh để thống nhất nước nhà là một cuộc đấu tranh rất gian khổ và phức tạp. Muốn giành thắng lợi, cần phải mở rộng và củng cố MTDTTN trong toàn quốc, tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình từ Bắc đến Nam, tranh thủ bất cứ người nào ta có thể tranh thủ, trung lập bất cứ người nào ta có thể trung lập. Trên cơ sở chủ trương lập MTDTTN, Hội nghị thông qua bản Dự thảo Cương
lĩnh chung của Mặt trận. Hội nghị nêu rõ: “sau khi bản Dự thảo ấy chính thức thành
Cương lĩnh chung của Mặt trận, nó sẽ là cơ sở tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, giành thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” [26, tr.574]. Bản dự thảo Cương lĩnh được thông qua đánh dấu bước trưởng thành giữa tư duy lý luận và thực tiễn đối với mối quan hệ giữa nhiệm vụ cách mạng hai miền làm cơ sở xác định chủ trương, chính sách và mô hình tổ chức, hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới.
Thực hiện chủ trương trên của Đảng, Đại hội MTDTTN Việt Nam đã họp (từ 5-10/9/1955) tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 361 đại biểu, đại diện cho các chính đảng, các đoàn thể quần chúng, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và quân đội cùng nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua, nhân sĩ, tư sản và một số kiều bào ở Thái Lan, Lào, Miên, Trung Quốc, Pháp. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trình bày bản Dự thảo Cương lĩnh và Điều lệ mới của Mặt trận. Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt tuyên bố thành lập MTTQVN và nhấn mạnh Mặt trận Liên Việt đã làm tròn nhiệm vụ và từ nay sẽ hòa mình trong MTTQVN. Đại hội bầu ra Ủy ban Trung ương MTTQVN gồm 81 vị thuộc đủ các chính đảng, đoàn thể nhân dân, tôn giáo, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự; đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN.
Đại hội nhất trí thông qua bản Cương lĩnh gồm 10 điểm đề cập đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân: hoàn thành độc lập dân tộc; thực hiện thống nhất đất nước; xây dựng chế độ dân chủ; phát triển kinh tế, nâng cao sản xuất; cải cách ruộng đất; thi hành chính sách xã hội hợp lý; phát triển văn hóa, giáo dục; củng cố
quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; thi hành chính sách ngoại giao hòa bình độc lập; nhân dân toàn quốc đại đoàn kết.
Trong Tuyên ngôn, MTTQVN xác định: đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hiểm nhất của toàn dân Việt Nam. Từ đó, Mặt trận đề ra ba nhiệm vụ là: đấu tranh thi hành triệt để Hiệp định Giơnevơ, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất; ra sức củng cố miền Bắc về mọi mặt, giữ vững và phát triển phong trào yêu nước ở miền Nam; ra sức mở rộng MTDTTN trong toàn quốc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, bản Tuyên ngôn của Mặt trận tha thiết kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kêu gọi mọi người Việt Nam, không phân biệt gái trai, già trẻ, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, khuynh hướng chính trị và tín ngưỡng tôn giáo; không phân biệt trước đây đã đứng về phe nào nhưng ngày nay tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ hãy siết chặt hàng ngũ trong Mặt trận để cùng nhau thực hiện bản Cương lĩnh của Mặt trận.
Sự ra đời của MTTQVN trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền là một sự kiện chính trị trọng đại và là một thắng lợi lịch sử của nhân dân cả nước. Mặt trận Tổ quốc trở thành ngọn cờ công khai để đoàn kết tập hợp nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ thế giới, chĩa mũi nhọn, cô lập đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Với tinh thần đó, sau một thời gian ngắn, hơn 30 đảng phái chính trị, đoàn thể và nhiều tổ chức, cá nhân đã gia nhập Mặt trận.
Về hệ thống tổ chức của MTTQVN: từ cấp Trung ương đến cấp huyện, thị trấn, quận (của một thành phố), cấp nào có Ủy ban Mặt trận của cấp ấy. Ở xí nghiệp, xã, cơ quan, công sở, trường học, doanh trại, đường phố thì không cử ra Ủy ban Mặt trận. [72, tr.618-619].
Sau khi ra đời, MTTQVN trở thành tổ chức rộng lớn và có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất nước nhà. Để có cái nhìn hệ thống và cụ thể về quá trình hoạt động cũng như những đóng góp của MTTQVN trong giai đoạn này, luận văn sẽ trình bày theo từng giai đoạn gắn với việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận.
Thứ nhất, trong giai đoạn từ 1955 đến 1960: MTTQVN đã đoàn kết toàn dân khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh đòi thống nhất nước nhà. Những đóng góp to lớn đó của Mặt trận được thể hiện cụ thể trên các mặt sau đây:
Trên lĩnh vực kinh tế, ngay từ cuối năm 1955, thực hiện ba nhiệm vụ công
tác chính do Đại hội MTTQVN đề ra, Mặt trận các cấp đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp vụ đông nhằm bảo đảm thu đúng chính sách, đúng mức thuế phải đóng, đúng hạn, kết hợp vận động sản xuất vụ chiêm xuân, thực hiện chính sách giá cả và Sắc lệnh bảo vệ sản xuất, trừng trị bọn phá hoại. Mặt khác, Mặt trận các cấp còn tăng cường củng cố đoàn kết ở nông thôn, coi đó là sức mạnh để thúc đẩy sản xuất, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Được sự cổ vũ, động viên của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau vượt qua nạn đói, phát triển các hình thức vần công, đổi công để khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, giúp vốn, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Trong hai năm 1959 và năm 1960, Mặt trận và các đoàn thể còn thường xuyên phối hợp với chính quyền động viên nhân dân tích cực thực hiện chính sách thu mua, huy động lương thực. Ở một số địa phương miền núi, Mặt trận còn vận động nhân dân bỏ trồng cây thuốc phiện chuyển sang trồng hoa màu, lương thực, trồng cây gây rừng…Đặc biệt, Mặt trận đã có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, góp phần xóa bỏ giai cấp phong kiến, mang lại ruộng đất và đưa nông dân lên địa vị làm chủ với những biện pháp như: mở rộng diện trưng thu, trưng mua, phân hóa giai cấp địa chủ, chiếu cố địa chủ kháng chiến một cách thích đáng. Tuy nhiên, do nhận thức không đầy đủ giữa đấu tranh giai cấp và đoàn kết dân tộc, cuộc cải cách ruộng đất kết hợp với chỉnh đốn tổ chức đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, gây tổn thất lớn đến mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết dân tộc. Mục tiêu, yêu cầu của cuộc vận động là củng cố, mở rộng Mặt trận chống phong kiến ở nông thôn, nhưng do những sai lầm đã làm cho khối liên minh công nông và MTDTTN bị ảnh hưởng xấu. Trong lịch sử chưa bao giờ Mặt
trận gặp tổn thất nặng nề như thời kỳ này. Gần như toàn bộ tổ chức Mặt trận và các đoàn thể từ cấp tỉnh, huyện, xã đã bị vô hiệu hóa, thậm chí bị giải thể.
Đảng, Nhà nước đã nghiêm túc tự phê bình, kịp thời đề ra những biện pháp sữa chữa sai lầm. Cuộc đấu tranh phê bình ấy giúp củng cố khối đoàn kết trong Mặt trận, làm cho các tổ chức, các giới thống nhất với nhau trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng. Các phái đoàn của Mặt trận từ cấp trung ương đến khu, tỉnh, huyện đã đóng góp tích cực vào công tác sửa sai, vận động hội viên thi đua thực hiện kế hoạch của Nhà nước, góp phần khôi phục được sự đoàn kết và nhanh chóng ổn định tình hình xã hội.
Bên cạnh đó, Mặt trận đã tích cực tham gia phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân cá thể vào con đường làm ăn tập thể, tạo cơ sở mới đoàn kết nông dân, củng cố khối liên minh công nông. Trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, bần nông và trung nông lớp dưới hăng hái hưởng ứng. Từ cuối năm 1958, phong trào thành lập hợp tác xã bắt đầu. Sang năm 1959, khắp nơi trong nông thôn được tổ chức những cuộc trao đổi rộng rãi về hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp để nâng cao giác ngộ chính trị cho nông dân. Phong trào hợp tác hóa phát triển mạnh, đến cuối năm 1960 trên 85% nông hộ đã đi vào hợp tác xã sản xuất.
Chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận tiếp tục đoàn kết với giai cấp tư sản dân tộc, tiến hành cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và giành được những thắng lợi cơ bản. Mặt trận cùng với Hội công thương tổ chức những lớp học, mở nhiều cuộc tọa đàm để giúp các nhà tư sản nhận thức được tính chất nhân đạo, hợp tình, hợp lý của chính sách cải tạo. Mặt trận và các đoàn thể đã lắng nghe, tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng của gia đình, con cái họ để có kiến nghị cụ thể về bố trí, sắp xếp việc làm, ổn định đời sống, học hành giúp họ yên tâm cải tạo. Mặt trận cùng các đoàn thể đã tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thợ thủ công và người buôn bán nhỏ yên tâm sản xuất. Phát huy cao độ vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tính đến tháng 9 năm 1960, 100% số cơ sở công nghiệp tư bản tư doanh đã được tổ chức thành xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác với gần 1 vạn công nhân; gần 90% tổng số thợ thủ công trong diện
cải tạo đã tham gia hợp tác xã thủ công nghiệp bậc vừa và thấp; hơn 7 vạn thợ thủ công chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 1960, trên 60% những người buôn bán nhỏ đã tham gia hợp tác xã, tổ mua bán, làm đại lý cho thương nghiệp quốc doanh, trên 1 vạn người đã chuyển sang sản xuất.
Trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, Mặt trận cũng đã có những đóng
góp quan trọng. Ban thanh toán nạn mù chữ do Chủ tịch Mặt trận Tôn Đức Thắng đứng đầu đã phát động nhiều chiến dịch “tổng tiến công diệt dốt”, “Điện Biên Phủ diệt dốt”, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, có nhiều sáng kiến kết hợp đẩy mạnh sản xuất với xóa bỏ nạn mù chữ. Do vậy, đã có hơn 1 triệu người thoát nạn mù chữ. Năm học 1956-1957, miền Bắc có 606.000 học sinh vỡ lòng, gần 1 triệu học sinh phổ thông, 7.783 học sinh trung học chuyên nghiệp, 3.664 học sinh đại học. Năm 1957, ở miền Bắc đã có 55 bệnh viện, 362 nhà hộ sinh, 13 viện điều dưỡng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, phần lớn những người thất nghiệp do chế độ cũ để lại được sắp xếp việc làm.
Trên lĩnh vực xây dựng và củng cố chính quyền từ Trung ương đến cơ sở
trong giai đoạn mới, Mặt trận cùng các đoàn thể, tổ chức thành viên cũng tỏ rõ vai
trò, vị trí của mình trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp vào dịp đầu năm 1959. MTTQVN là chỗ dựa của chính quyền, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Điều đó được thể hiện, trong bộ máy nhà nước, từ cơ quan dân cử đến cơ quan hành chính các cấp đều thể hiện tính chất Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong số 1.314 đại biểu hội đồng nhân dân của 19 tỉnh miền xuôi bầu năm 1959 có 27 trí thức, 4 nhân sĩ, 10 linh mục, 12 hòa thượng, 4 tư sản. Trong số đại biểu Quốc hội khóa II, có 2 nhà tư sản, 2 linh mục, 3 hòa thượng.