hoàn toàn (1951 - 1954)
Tháng 12-1950, Mỹ, Pháp cùng các Chính phủ “quốc gia” Việt, Miên, Lào đã ký bản “Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương”. Mỹ cam kết sẽ viện trợ quân sự cho các nước trên để phòng thủ Đông Dương. Đến tháng 9-1951, Mỹ lại trực tiếp ký với Bảo Đại hiệp ước tay đôi “Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt - Mỹ” nhằm chuyển thẳng một phần viện trợ Mỹ cho Chính phủ Bảo Đại và trực tiếp ràng buộc chính phủ đó vào Mỹ. Tháng 12-1951, Mỹ lại ký với Bảo Đại một bản “Hiệp nghị an ninh
chung”. Được Mỹ viện trợ, Pháp đã kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, tập trung lực lượng phòng ngự và bình định vùng tạm chiếm, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời chuẩn bị các cuộc phản công với hy vọng giành lại quyền chủ động chiến lược đã bị mất ở chiến trường Bắc Bộ.
Để thực hiện ý đồ đó, chúng đã tăng cường bắt lính, lập ra một số binh đoàn cơ động chiến lược; xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố đi đôi với đẩy mạnh bình định; ra sức phát triển và củng cố ngụy quyền nông thôn, lập “hương dũng”, “hương đồn”, chuyển lực lượng vũ trang của bọn phản động đội lốt tôn giáo thành quân chính quy để kìm kẹp nhân dân; sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc và tàn bạo để triệt phá kinh tế của ta; lập ra những tổ chức và đảng phái phản động dưới các nhãn mác “độc lập”, “dân chủ”, bầu cử giả hiệu và phát triển “quân đội quốc gia” hòng lừa bịp nhân dân ta.
Trước yêu cầu đòi hỏi mới của cuộc kháng chiến, vấn đề củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và mở rộng MTDTTN có tầm quan trọng đặc biệt. Quá trình thống nhất Việt Minh - Liên Việt để thực hiện khẩu hiệu “một dân tộc, một mặt trận”, đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc đã được Đảng ta đề ra từ năm 1947 nhưng đến đầu năm 1951 vẫn chưa được thực hiện. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến công tác Mặt trận và củng cố khối đoàn kết toàn dân.
Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2-1951), Đảng ta đã vạch ra đường lối tiếp tục đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi và đề ra yêu cầu tăng cường đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong tình hình mới. Đại hội đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đồng thời, Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày. Đánh giá vai trò, tác dụng của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, Báo cáo chính trị khẳng định: “Trong công việc to tát kháng chiến kiến quốc, Mặt trận Liên Việt - Việt Minh, Công đoàn, Nông hội và các đoàn thể quần chúng có một tác dụng rất to lớn. Chúng ta phải giúp cho các đoàn thể ấy phát triển, củng cố và hoạt động thực sự”[25, tr.35].
Những vấn đề về củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và MTDTTN đã được Đại hội bổ sung, phát triển một cách có hệ thống trong Luận cương cách
mạng Việt Nam có tựa đề Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân
dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội do đồng chí Trường Chinh trình bày, với những nội
dung cụ thể như sau:
Về vị trí của MTDTTN: muốn kháng chiến thắng lợi phải lập MTDTTN chống đế quốc thật rộng rãi bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các phần tử yêu nước không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, đảng phái chính trị. Đồng thời, Luận cương cũng nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng đối với MTDTTN là không thể phân chia với bất cứ giai cấp nào và phải ngày càng được củng cố. Muốn vậy phải chú trọng đến quyền lợi của công nhân, nông dân lao động và phải nắm vững lập trường giai cấp, lập trường của Đảng, đồng thời phải chú trọng các đảng phái khác trong Mặt trận.
Trong tình hình mới, nhiệm vụ củng cố MTDTTN bao gồm những nội dung sau: Thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu của MTDTTN lúc này là củng cố, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc và động viên toàn dân đánh đuổi đế quốc xâm lược; Thứ hai, nội dung củng cố MTDTTN lúc này là chấn chỉnh Mặt trận về ba mặt: tư tưởng, tổ chức và công tác; Thứ ba, về tổ chức, cần thống nhất Việt Minh - Liên Việt trong toàn quốc, xóa bỏ hẳn tình trạng hai hình thức Mặt trận lồng vào nhau.
Trong thực tế, sự cần thiết phải thống nhất Việt Minh - Liên Việt xuất phát từ những lý do sau: “Việt Minh và Liên Việt tuy là hai tổ chức riêng rẽ nhưng thật ra nó chỉ đề ra do vận động thực hiện chính sách Mặt trận dân tộc của Đảng ta. Sở dĩ Đảng còn phải để Liên Việt và Việt Minh thành hai tổ chức riêng rẽ như thế là để tránh những thành kiến, e dè như đã nói trên làm cho Mặt trận dễ dàng phát triển. Nhưng từ khi Liên Việt ra đời và làm việc với Việt Minh đến nay ta thấy những thành kiến, e dè trên hầu như đã được thanh toán. Các giới trí thức, tư sản và đồng bào công giáo một thời gian gần gũi nhận thấy số đông cán bộ Việt Minh tuy có kém văn hóa thật, nhưng về ý thức chính trị, tinh thần nhẫn nại, lòng hy sinh thì rất khá, nên họ đã quý mến và đã đoàn kết chặt chẽ để cùng hoạt động chung. Đồng thời những thành kiến sai lầm về Liên Việt cũng mất đi trước những công tác thiết thực của Liên Việt”[2, tr.6].
Hơn nữa, “sau gần hai năm công tác thực tế, ta đã thấy: Nếu ta đem được toàn thể cán bộ Việt Minh ra vận động Liên Việt thì Liên Việt còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và cơ bản đã ngăn cấm sự thâm nhập của những phần tử cơ hội, hay phần tử nguy hiểm. Thống nhất Việt Minh với Liên Việt để phát triển Liên Việt ta còn được cảm tình của giới trí thức, tư sản. Họ cho ta không thủ cựu, không thiện kiến và chỉ biết làm việc cho dân tộc, cho cách mạng. Vậy bỏ Việt Minh phát triển Liên Việt là rất lợi cho cuộc vận động chính trị. Việt Minh và Liên Việt thống nhất thì các tổ chức trong Mặt trận ấy mới dễ dàng chỉnh đốn. Mỗi giới sẽ để Đảng thống nhất về tổ chức và hành động trong giới mình. Do đó, Mặt trận dân tộc càng bền chặt” [1; tr.28].
Từ thực tế trên, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng chỉ rõ: Việt Minh là mặt trận thống nhất của dân tộc, đã đem lại cho lịch sử nước nhà một kỷ nguyên mới, nhưng cũng do đó là phát sinh ra trong xã hội những điều kiện mới cho nên đã đến lúc cần phải có một hình thức mới của Mặt trận cũng như trước kia Việt Minh ra đời thay thế cho Mặt trận Thống nhất phản đế. Vì vậy, Hội Liên Việt thành lập để kết nạp được toàn thể nhân dân. Nhưng phát triển như ngày nay, Liên Việt và Việt Minh cần phải thống nhất thì việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc mới xúc tiến mạnh mẽ được.
Về kế hoạch thống nhất Việt Minh và Liên Việt được đặt ra cụ thể như sau: “Việc này không đến nỗi khó khăn khi hội giải thích về vụ giải tán hội, vì được làm công khai. Ta có thể để hẳn một tuần lễ để giải thích về việc hòa hợp Việt Minh và Liên Việt để nhân dân nhận thức rõ ràng. Trong thời gian này, ta có thể dùng báo chí, mở mít tinh để: nói rõ sự cần thiết phải có khối đại đoàn kết; nói rõ mục đích chung của Việt Minh và Liên Việt; giải thích chủ trương và điều lệ của Việt Minh; nếu cần đề cao những thành tích của Việt Minh. Làm được vậy thì nhân dân sẽ nhận rõ Việt Minh và Liên Việt tuy là hai tổ chức nhưng vẫn là một Mặt trận dân tộc thống nhất. Việt Minh không bị thủ tiêu, trái lại, vẫn tồn tại và phát triển trong Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam”[1, tr.29].
Trên cơ sở kế hoạch đã được vạch sẵn, từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra Đại hội toàn quốc
thống nhất Việt Minh - Liên Việt. Đây là lần đầu tiên kể từ khi hình thức tổ chức Mặt trận đầu tiên ra đời vào năm 1930 có một Đại hội công khai, có đủ đại biểu cả nước, đại diện các ngành, các giới. Quyết nghị của Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương thống nhất Việt Minh - Liên Việt, trịnh trọng ghi công Mặt trận Việt Minh và các chiến sĩ Việt Minh đã xây dựng và phát triển MTDTTN; đồng thời nêu rõ việc hoàn thành thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành một MTDTTN lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam gọi tắt là Mặt trận Liên Việt.
Chính cương mới của Mặt trận Liên Việt được ấn định theo những phương châm: đoàn kết các tầng lớp nhân dân yêu nước, lấy lực lượng công nông và trí thức làm nền tảng; vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đồng thời phải cải thiện dân sinh; kết hợp tinh thần ái quốc chân chính với tinh thần quốc tế chân chính, phối hợp cuộc kháng chiến Việt Nam với cuộc kháng chiến của Miên - Lào và phong trào bảo vệ hòa bình thế giới. Tuyên ngôn của Mặt trận kêu gọi đồng bào hãy tham gia đông đảo vào Mặt trận Liên Việt.
Đại hội cử ra Ủy ban toàn quốc của Mặt trận gồm 52 người, suy tôn Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự và Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch. Báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh chuyển thành cơ quan Trung ương của Mặt trận Liên Việt, báo của Kỳ bộ (Nam Bộ) và các khu bộ Việt Minh chuyển thành cơ quan của Mặt trận Liên Việt cấp tương đương.
Hoàn thành thống nhất Việt Minh - Liên Việt là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử hết sức trọng đại đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta. Đó là bước tiến, sự trưởng thành của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và MTDTTN Việt Nam trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Thắng lợi to lớn về chính trị này tạo cơ sở vững chắc để đưa cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới để đi tới thắng lợi cuối cùng.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ II và Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, các hoạt động của Mặt trận đã được đẩy mạnh. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (3-1951), yêu cầu các ngành, các cấp phải phổ biến sâu rộng nội dung văn kiện Đại hội Mặt trận, chấn chỉnh tổ chức và công tác Mặt trận từ trên xuống dưới, nhằm đề cao vai trò và tác dụng thực tế của Mặt trận; tránh tình trạng
Đảng hoặc chính quyền bao biện hoặc coi nhẹ Mặt trận; đồng thời quyết nghị thành lập Ban Mặt trận thay Đảng đoàn Mặt trận. Ban Mặt trận Trung ương được thành lập theo Nghị quyết ngày 16-4-1951 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm trưởng ban. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể tập trung vào tuyên truyền sâu rộng về việc Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai, làm cho mọi người hiểu được tôn chỉ, mục đích của Đảng đồng thời tăng cường giới thiệu vai trò, vị trí của Mặt trận Liên Việt.
Báo cáo của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh đã nhấn mạnh: MTDTTN là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Mặt trận Liên Việt là một trong những trụ cột của Nhà nước VNDCCH và là một bộ phận của khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào, của Mặt trận hòa bình dân chủ thế giới. Bên cạnh đó, Báo cáo còn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót về công tác mặt trận trong thời gian qua: “chính sách Mặt trận chưa được giải thích rõ ràng sâu rộng trong nhân dân. Có nơi coi Mặt trận Liên Việt là một tổ chức để đối phó với người ngoài Đảng, chứ không có lợi ích thiết thực gì, coi tổ chức này là một tổ chức “tượng trưng” để thu hút những phần tử lung tung” [3, tr.94]. Có nơi lại bỏ phóng Liên Việt cho địa chủ, tư sản, phú nông, cường hào lợi dụng mưu lợi riêng; vẫn chưa ra sức phát triển tổ chức Liên Việt trong các vùng tôn giáo, thiểu số và tạm bị chiếm. Những khuyết điểm đó biểu lộ tư tưởng hữu khuynh trong việc thi hành chính sách Mặt trận của Đảng, do lập trường giai cấp, quan điểm quần chúng và sự nhận định bạn và thù của một số cán bộ chưa được đúng đắn mà sinh ra.
Sau thất bại liên tiếp của các chiến dịch quân sự ở Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào, thực dân Pháp càng điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh. Tháng 7-1953, kế hoạch quân sự Nava được Mỹ chấp thuận nhằm tạo ra thế mạnh về quân sự, giành lại thế chủ động chiến lược trong vòng 18 tháng. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (25-1- 1953), đã chỉ đạo cuộc kháng chiến và trong hoàn cảnh mới cần tăng cường, mở rộng MTDTTN với ba vấn đề chính là: tăng cường đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân
tộc thiểu số và các đảng phái dân chủ. Do đó, Mặt trận Liên Việt đã không ngừng được củng cố và mở rộng.
Về hệ thống tổ chức của Mặt trận Liên Việt có 5 cấp: xã hay khu phố, huyện
hay thị xã, tỉnh hay thành, khu hay xứ, toàn quốc. Ủy ban Mặt trận các cấp gọi tắt là Ủy ban Liên Việt (Ủy ban Liên Việt xã, hay khu phố; Ủy ban Liên Việt huyện hay thị xã; Ủy ban Liên Việt tỉnh hay thành; Ủy ban Liên Việt khu hay xứ; Ủy ban Liên Việt toàn quốc) [72, tr.610]. Với những hoạt động tích cực, Mặt trận Liên Việt đã góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Trên mặt trận chính trị, Mặt trận Liên Việt đã thi hành những chính sách và
biện pháp cụ thể để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Chú trọng công tác vận động thanh niên, nhi đồng, phụ nữ, tư sản, tiểu thương, địa chủ, phú cường…đóng góp công sức cho cuộc kháng chiến. Cùng với đó, Mặt trận còn đề ra chủ trương chấn chỉnh Ban Chấp hành của Mặt trận, các đoàn thể để công việc khỏi dẫm chân lên nhau; chú trọng sửa đổi lối làm việc; củng cố MTDTTN ở các xã, nhất là trong vùng địch tạm chiếm.
Để phá tan âm mưu của Bảo Đại, Nguyễn Văn Tâm tổ chức những cuộc tuyển cử để lập ra các “Hội đồng hàng xã, thị xã”, “Hội đồng hàng tỉnh” và tuyển cử Quốc hội bù nhìn, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp giải thích cho quần chúng trong vùng tạm chiếm và vận động tẩy chay hoạt động lừa bịp của địch, đề cao chính quyền dân chủ nhân dân.
Trên mặt trận kinh tế, Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể phối hợp với chính
quyền động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào sản xuất, tiết kiệm lên một bước phát triển mới. Mặt trận đã tích cực tham gia phát động nông dân thực hiện giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất theo chủ trương của Đảng và Luật cải cách ruộng đất của Nhà nước. Mặt trận và các đoàn thể đã vận động nhân dân đấu tranh kinh tế với địch, bài trừ buôn lậu, chống dùng hàng xa xỉ phẩm, vận động các tầng lớp nhân dân chống lại việc định phá giá đồng bạc Đông Dương năm 1953. Trong vùng sau lưng địch, Mặt trận vận động nhân dân đấu tranh đòi tăng lương, chống giãn thợ,