Sơ lược về người dân tộc Chă mở Ninh Thuận

Một phần của tài liệu khó khăn trong hoạt động học tập của sinh viên người dân tộc chăm tại trường cao đẳng sư phạm ninh thuận (Trang 58 - 60)

7. Phương pháp nghiên cứu

2.1.2.Sơ lược về người dân tộc Chă mở Ninh Thuận

Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận có số dân đông nhất (khoảng 66.000 người), chiếm hơn 50% người Chăm ở Việt Nam. Họ sống tập trung thành từng làng palei riêng biệt và bảo lưu đậm nét nhiều tập tục truyền thống như nghi lễ, hội hè, tục cúng tế đền tháp, tục cưới gả, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn chương, làng nghề…mang bản sắc văn hoá riêng.

Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận có tất cả 22 làng palei thuộc 13 xã và 4 huyện thị (Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm). Trong đó được phân chia ra thành hai cộng đồng: Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo) và Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo – Chăm Bàni). Mỗi cộng đồng tôn giáo lại sinh sống thành từng palei riêng biệt. Trong tổng số 22 làng palei thì có 15 làng Chăm Ahiêr và 7 làng Chăm Awal. Mặc dù là một dân tộc Chăm nhưng phân chia ra làm hai nhóm Chăm, ảnh hưởng đạo giáo khác nhau (Ahiêr và Awal), sống tách biệt nhau. Tuy vậy hai nhóm này vẫn cùng mang một đặc trưng văn hoá chung.

Palei Chăm thường định cư trên những vùng gò đất cao, xung quanh là ruộng lúa và nương rẫy. Gia đình trong palei Chăm được tổ chức theo hình thái gia đình mẫu hệ, bao gồm gia đình lớn và gia đình nhỏ. Thành viên cơ bản trong gia đình được tính theo huyết thống bên mẹ. Trong mỗi gia đình có đàn bà lớn tuổi đứng đầu gọi là “Po sang” (chủ nhà). Các gia đình có cùng chung một mẹ sinh ra thường bố trí chung nhà cửa trong một khuôn viên. Tương tự như vậy, các gia đình chung một dòng họ phía mẹ thường bố trí nhà cửa cùng dãy với nhau. Mỗi dòng họ có một tộc trưởng đứng đầu gọi

là “akauk gơp”. Ngày xưa trưởng tộc là đàn bà, ngày nay được thay thế bởi người đàn ông. Nhiệm vụ của trưởng tộc là quản lí các thành viên, giải quyết những vấn đề thắc mắc giữa các thành viên và chăm lo, tổ chức cúng tế những lễ nghi tín ngưỡng liên quan đến tộc họ. Đơn vị cơ cấu căn bản của hệ thống thân tộc của người Chăm là mẫu hệ gia tộc. Những mối quan hệ bên mẹ là quan hệ thân thuộc và quan trọng nhất. Tổ tiên được thờ phụng là tổ tiên bên mẹ. Quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái út. Phụ nữ Chăm nắm quyền quyết định trong gia đình.

Kinh tế truyền thống của người Chăm bao gồm cả nghề nông, nghề đi biển và khai thác rừng. Ba hình thái kinh tế đó đã góp phần làm cho đời sống kinh tế Chăm phát triển phồn thịnh và hiện nay còn in dấu ấn đậm nét trong lễ hội Chăm. Tuy nhiên ngày nay, một số ngành kinh tế truyền thống đã bị mất đi. Hiện nay người Chăm không còn làm nghề biển. Tuy một số làng Chăm ở Ninh Thuận như Bình Nghĩa, Tuấn Tú vẫn còn sống gần biển nhưng họ không làm nghề biển mà lại quay lưng với biển. Đa số (khoảng 95%) người Chăm Ninh Thuận ngày này sống bằng nghề nông, và một số ít làm nghề chăn nuôi, nghề thủ công và khai thác rừng. Đến nay họ vẫn còn phát huy truyền thống làm lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghề dệt thổ cẩm và nghề làm gốm của người Chăm vẫn tiếp tục được phát huy. Ở Ninh thuận hiện nay có làng gốm Bầu Trúc và làng Mỹ Nghiệp chuyên dệt thổ cẩm của người Chăm được nhiều người biết đến.

Ngôn ngữ và chữ viết của người Chăm thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Người Chăm có chữ viết riêng, dựa trên hệ thống văn tự Sascrit. Đồng bào Chăm ăn cơm tẻ, thích uống rượu cần, ăn trầu. Họ ở nhà sàn thấp và nhà trệt trong một quần thể kiến trúc trên một diện tích. Nhà cửa đơn sơ, làng mạc kín đáo. Người Chăm thường sử dụng các xe thô sơ dựa vào sức kéo của súc vật. Tang ma ở người Chăm thì họ có tục thổ táng và hỏa táng tùy theo tôn giáo. Người Chăm cũng thực hiện nhiều nghi lễ nông nghiệp trong một chu kỳ năm (lễ khai mương đắp đập, lễ hạ điền, lễ mừng lúa con, lễ mừng lúa ra đòng. .). Nhưng lễ lớn nhất vẫn là lễ Bon katê được tổ chức linh đình tại các đền tháp vào giữa tháng mười âm lịch). Trang phục của người Chăm thường đàn ông quấn xà rông, áo cánh ngắn cài khuy phía trước, áo xẻ ngực. Đàn bà quấn váy tấm, mặc áo dài chui đầu và thường có dải khăn quàng chéo trước ngực. Ngày nay, trong sinh hoạt

hằng ngày, người Chăm ăn mặc như người Việt, chỉ có chiếc áo dài chui đầu là còn thấy xuất hiện trong giới nữ cao niên.

Nhìn chung, người Chăm ở Ninh thuận có tinh thần cần cù lao động, giản dị, tiết kiệm, có tinh thần cộng đồng cao và có một niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Tuy nhiên trong cuộc sống, do sự chi phối bởi các chuẩn mực tôn giáo và một phần là sự mặc cảm vì mình là dân tộc thiểu số nên có phần còn thiếu tự tin trong giao tiếp với các dân tộc khác. Người Chăm Ninh thuận sống chủ yếu bằng nghề nông, bên cạnh đó họ còn phát huy một số nghề truyền thống như nghề làm gốm, nghề dệt thổ cẩm. Việc biết được những đặc điểm tâm lý của người Chăm nói chung và sinh viên dân tộc Chăm nói riêng tại Ninh thuận sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc ở nước ta hiện nay.

Một phần của tài liệu khó khăn trong hoạt động học tập của sinh viên người dân tộc chăm tại trường cao đẳng sư phạm ninh thuận (Trang 58 - 60)