Góp phần làm chuyển biến tình hình chính trị ở khu vực

Một phần của tài liệu Qúa trình xâm nhập của thực dân Bồ Đào Nha vào Đông Nam Á thế kỉ XVI và những hệ quả của nó đối với lịch sử khu vực (Trang 58 - 64)

3 Duarte Fernandez là một vị khách phương Tây đầu tiên đến thăm Ayuthaya, là một nhân vật có năng khiếu ngoại giao và nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin Trong thờ

3.1. Góp phần làm chuyển biến tình hình chính trị ở khu vực

Thực dân Bồ Đào Nha là đế quốc thực dân đầu tiên xâm nhập khu vực Đông Nam Á. Quá trình xâm nhập đó bắt đầu từ khu vực Đông Nam Á hải đảo sau lan rộng ra toàn khu vực Đông Nam Á lục địa. Sự xâm nhập đó đã góp phần làm chuyển biến tình hình chính trị trong khu vực Đông Nam Á thế kỉ XVI. Sự xâm nhập của thực dân Bồ Đào Nha đã tạo điều kiện cho sự lan tỏa của đạo Hồi và kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các vương quốc Hồi giáo mới ở khu vực Đông Nam Á hải đảo. Những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia trong khu vực nhằm xâm chiếm lãnh thổ, tranh giành ảnh hưởng liên tiếp xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, làm suy yếu tiềm lực của đất nước.

Quá trình lan tỏa rộng khắp của đạo Hồi, quá trình hình thành các cộng đồng Hồi giáo ở Đông Nam Á trùng hợp với sự chuyển biến của lịch sử khu vực: sự suy yếu của các quốc gia lớn, sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân phương Tây mà Bồ Đào Nha là nước đi tiên phong. Khi người Bồ Đào Nha xuất hiện ở Ấn Độ Dương năm 1497 thì quá trình truyền bá đạo Hồi vào Inđônêxia được thúc đẩy mạnh mẽ. Bước sang thế kỉ XV, chính sự đi lên của Malắcca đã thúc đẩy việc cải đạo ở bán đảo Mã Lai. Malắcca đã hoàn toàn thoát ra khỏi chính quyền trung ương Mojopahit và lớn mạnh về mọi mặt. Nó không chỉ là trung tâm thương mại quan trọng nhất ở Đông Nam Á mà còn là trung tâm chủ yếu truyền bá đạo Hồi. Quyền lực mạnh mẽ của Malắcca đã khiến cho các tiểu quốc láng giềng sẵn sàn tiếp nhận Hồi giáo để được bảo trợ về mọi mặt. “Sau khi Malacca sụp đổ, Ache đã tự thiết lập một trung tâm nghiên cứu đạo Hồi ở Đông Nam Á. Thậm chí nó còn bắt chước những chuẩn mực của hoàng đế Môgôn ở Ấn Độ về các chức danh trong tòa án, kiến trúc, trang phục. Nó cũng có quan hệ với Arập ở vùng Trung Đông và trở thành một điểm xuất phát đáng chú ý cho những người hành hương đến Mecca [33; tr.59]. Từ Malacca. Hồi giáo đã lan tỏa mạnh mẽ ra toàn khu vực Đông Nam Á hải đảo vào cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ

XVI. Đạo Hồi đã xâm nhập vào vùng Moluccas khoảng năm 1480, vào Tây Borneo năm 1500, vào Bantam năm 1525…đây là những vùng có quan hệ buôn bán với Malacca nên nhanh chóng chấp nhận đạo Hồi. Brunây thông qua các quan hệ buôn bán với Malacca đã tiếp thu tôn giáo mới này và trở thành vương quốc Hồi giáo đầu tiên xuất hiện ở Borneo. Tôn giáo mới đã nhanh chóng thâm nhập vào các ngõ ngách của đời sống cư dân ở Đông Nam Á hải đảo và trở thành một yếu tố không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của họ. Vào lúc người Bồ Đào Nha đến, thì các nước theo đạo Hồi đã thúc đẩy việc phát triển ảnh hưởng của đạo Hồi càng rộng càng tốt. Khi Malắcca rơi vào tay người Bồ Đào Nha năm 1511, và trở thành trung tâm chiến lược để họ tấn công đạo Hồi và hoạt động buôn bán của những người Hồi giáo trong thế giới đảo bao la của Đông Nam Á thì đạo Hồi đã được truyền bá rộng hơn. Đạo Hồi chưa bao giờ mất vị trí đi đầu của mình. Các nhà buôn Hồi giáo, bị đuổi ra khỏi Malắcca, đã định cư ở quốc gia Ache đang hưng thịnh ở miền bắc Xumatơra và vào thế kỉ XVI đã trở thành trung tâm xuất nhập khẩu quan trọng nhất trong việc buôn bán của người Ấn Độ và người theo đạo Hồi ở Tây Á với quần đảo Inđônêxia, và trở thành trung tâm nghiên cứu đạo Hồi giống như Malắcca và Pasai, quốc gia tiền bối của Malắcca. Ache đã trở thành một trung tâm buôn bán lớn.

Những cuộc chiến tranh trong khu vực đã làm cho bản đồ chính trị ở Đông Nam Á lục địa có nhiều thay đổi. Tuy nhiên những thay đổi ở Đông Nam Á hải đảo là rõ nét hơn cả. Khu vực hải đảo thời kì này chủ yếu là tồn tại nhiều tiểu quốc, tập trung vào “ba trung tâm cơ bản của thế giới Inđônêxia”: trung tâm phía Tây Inđônêxia với các quốc gia Hồi giáo trên đảo Xumatơra và Malắcca; trung tâm Java với đế quốc Mojopahit và thay thế đế quốc này là quốc gia Hồi giáo Mataram cùng với một số tiểu quốc ở Java; trung tâm phía Đông Inđônêxia. Trong đó nổi lên một số vương quốc mạnh và muốn giành quyền bá chủ khu vực. Trước tiên phải kể đến một vương quốc trên lãnh thổ Malaixia ngày nay. Đó là vương quốc Hồi giáo

Malắcca, một vương quốc được hình thành từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVI còn đang ở đỉnh cao của sự phát triển. Vương quốc này đã mở rộng quyền lực ra toàn bán đảo Malắcca: đầu tiên là Pahang (lúc đó đang lệ thuộc vào Xiêm), sau đó là vùng phía nam của bán đảo (tới Xingapo) và quần đảo Riau, sau nữa là một số quốc gia vùng duyên hải phía đông đảo Xumatơra của Inđônêxia [7; tr.99].

Như vậy vương quốc Malắcca đã thống lĩnh toàn bộ vùng eo biển Malắcca và trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên sự hưng thịnh của vương quốc này đã chấm dứt cùng với sự có mặt của thực dân Bồ Đào Nha. Sự thất thủ của thành phố Malắcca đã dẫn đến sự suy vong của cả vương quốc. Cùng với sự tan rã của vương quốc Malắcca là sự hình thành nhiều tổ chức nhà nước lớn vốn là lãnh thổ các nước chư hầu, phụ thuộc vào vương quốc Malắcca. Tiếp đó, quốc gia Melayu lớn nhất thành lập sau năm 1511 là vương quốc Johor. Vương quốc này có tham vọng mở rộng quyền lực ra một vùng lãnh thổ rộng lớn của bán đảo gồm lãnh thổ các bang Pahang, Negri – Sembilan và Selangor hiện nay. Năm 1529, ở phía tây bắc Johor hình thành một vương quốc mới – vương quốc Perak. Tuy nhiên sau đó các vùng lãnh thổ trên đảo Xumatơra cũng mất dần vì ở đây nhà nước Ache đã phát triển nhanh chóng trong thế kỉ XVI.

Đầu thế kỉ XVI, trên lãnh thổ quốc gia Mojopahit cũ, hàng chục tiểu quốc Hồi giáo được lập nên. Các tiểu quốc này thường xuyên tranh giành lẫn nhau, xung đột với nhau. Trong đó mạnh hơn cả là Balambagan ở Đông bộ, Mataram ở Trung bộ và Bantam ở Tây bộ Java đã lần lượt thu phục các tiểu quốc nhỏ hơn, dần trở thành những vương quốc lớn của khu vực Java. Cùng lúc này ở phỉa bắc Xumatơra, Hồi quốc Ache vẫn giữ được đất nước mà không bị người Bồ Đào Nha xâm chiếm.

Sự xâm nhập của thực dân Bồ Đào Nha đã góp phần làm cho tiểu vương quốc Bantam trở nên phát triển nhất vùng Inđônêxia. Bantam ở phía

tây đảo Java, có đồng bằng phì nhiêu do con sông Chi Tarum tạo nên, có vị trí lập hải cảng thuận lợi, lại kiểm soát được đường qua eo biển Sunđa. Người Bồ Đào Nha chiếm Malắcca khiến cho các lái buôn Ấn Độ, Arập và Trung Quốc phải tìm đường thông thương qua eo biển Sunđa. Bantam trở thành một cầu nối quan trọng trong nền mậu dịch qua Đông Nam Á. Bantam là nơi trao đổi hàng hóa quốc tế và cũng là nơi bán các sản vật Inđônêxia như: lương thực - chủ yếu từ miền trung Java, cả Xulavêdi và Sumbara; đồng từ Giacácta và Timor; muối từ miền duyên hải Đông Java; bông và thuốc nhuộm từ Bali và Lômbốc; chì, thiếc và sắt từ Pêrắc, Kêđa và Karimat; đặc biệt là một thứ sản vật mà nhu cầu của thế giới rất lớn, đó là hồ tiêu. Đến giữa thế kỉ XVI, Bantam đã trở thành một vương quốc phồn thịnh, kinh đô của nó (cũng gọi là Bantam) tập trung đông dân cư và lái buôn nước ngoài. Lái buôn Bồ Đào Nha rất muốn làm chủ vương quốc này nhưng họ không thực hiện được vì không dễ gì cắt đứt đường buôn bán của thương nhân Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác phần nữa lúc này Bồ Đào Nha không đủ lực lượng. Song một phần chủ yếu là sự phát triển mạnh mẽ của Bantam đã giúp cho vương quốc này có thể bảo vệ được lãnh thổ và bảo vệ được quyền lợi của mình. Để tăng cường sức tự vệ, quốc vương Bantam đã cho xây thành đắp lũy, đóng tàu chiến, mua súng đại bác và lập hạm đội. Bantam đã anh dũng chống lại hai đợt tấn công của Bồ Đào Nha. Sự phồn thịnh của Bantam cũng tạo điều kiện cho nó có thể vươn lên giành quyền ảnh hưởng trong khu vực với các vương quốc Hồi giáo khác, chủ yếu là với Mataram - một vương quốc có thế lực khá mạnh ở đầu thế kỉ XVI.

Sau khi Malắcca bị người Bồ Đào Nha chiếm (năm 1511) Hồi quốc Ache nổi lên như một trung tâm chính trị và kinh tế trong vùng quần đảo Mã Lai. Thoạt đầu chỉ là một tiểu quốc nằm ở góc tây bắc của Xumatơra, Hồi vương Ali Mughayat Xa đã củng cố lực lượng và đuổi người Bồ Đào Nha ra khỏi Pidic (năm 1521) và Paxai (năm 1524). Chiến thắng này đã quy tụ vào Hồi quốc Ache cả vùng đồng bằng sông Ache rộng lớn. Thế kỉ XVI Ache là

một trung tâm buôn bán quốc tế lớn. Đến Ache buôn bán, ngoài những bạn hàng truyền thống theo Hồi giáo là người Arập, người Thổ, người Ấn Độ còn có người Trung Quốc, người Java. Trong quá trình mở mang đất nước và phát triển buôn bán. Người Bồ Đào Nha là địch thủ và là trở ngại lớn nhất của vương quốc Ache. Các Sultan Ache đã không ngần ngại tranh đấu để đuổi người Bồ Đào Nha ra khỏi Malắcca.

Sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á thế kỉ XVI, đã làm cho các cuộc chiến tranh không chỉ đơn thuần diễn ra giữa hai nước trong khu vực với nhau mà đã xuất hiện một lực lượng chính trị thư ba - bọn thực dân. Ở phía Tây bán đảo Malắcca đã hình thành ba lực lượng chính trị: vương quốc Đơgiơkhor, Ache và người Bồ Đào Nha (chiếm vương quốc Malắcca). Những lực lượng này đã đấu tranh với nhau để giành bá quyền chính trị và thương mại. Suốt trong thế kỉ XVI, hai nước này luôn có chiến tranh mà trong đó người Bồ Đào Nha là lực lượng thứ ba. Năm1564, quân đội Ache chiếm kinh đô Đơgiơkhor và bắt Xuntan Đơgiơkhor làm tù binh. Sự sụp đổ của Đơgiơkhor đánh dấu giai đoạn chiếm ưu thế của vương quốc Ache ở Xumatơra cũng như nhiều vùng khác ở bán đảo Mã Lai.

Sự can thiệp của bọn thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào khu vực quần đảo Moluccas – còn gọi là “đảo hương liệu” là một dẫn chứng hết sức tiêu biểu. Tại đây có Ternate và Tidore là những đảo chủ yếu trồng đinh hương, nên ngay từ đầu cả người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều muốn giành độc quyền thương mại ở khu vực này. Theo Hall, Bồ Đào Nha đã cử các đoàn thám hiểm của mình đến quần đảo “hương liệu” (Spice), lần thứ nhất vào tháng 12 năm 1511, lần thứ hai vào năm 1513. Trong đó chuyến đi lần thứ hai thành công hơn. Các tiểu vương của Ternate và Tidore đã cung cấp một khối lượng lớn đinh hương, và mỗi tiểu quốc còn cho phép Bồ Đào Nha thiết lập cơ quan thương mại trên hòn đảo của mình [11; tr.382]Vào lúc người Bồ Đào Nha tới vùng biển Moluccas thì giữa hai Hồi quốc này đã có

mâu thuẫn gay gắt với nhau. Lợi dụng sự thù địch giữa hai thủ lĩnh của hai “đảo hương liệu” chính này, người Bồ Đào Nha đã kí một bản hiệp ước với vua Ternate. Theo bản hiệp ước, để có sự hậu thuẫn về quân sự của người Bồ Đào Nha, vua Ternate đã cho phép người Bồ Đào Nha được toàn quyền mua bán hương liệu ở đây và xây thành trì trên đảo. Và thế là cả hòn đảo hương liệu – một kho báu của phương Đông đã lọt vào tay người Bồ Đào Nha. Tiếp theo Bồ Đào Nha, vua Tây Ban Nha cũng đã phái một hạm đội gồm năm chiếc thuyền, do Magienlăng chỉ huy tới vùng đảo hương liệu. Thế nhưng khi tới hòn đảo Mactam ở Philippin, Magienlang cùng 60 thủy thủ bị thổ dân ở đây giết chết. Ngày 8/11/1521, đoàn thuyền còn lại của họ đã đến ngoài khơi đảo Tidore. Vua Tidore đón tiếp họ trên đảo rất niềm nở và hữu hảo. Và từ đó bắt đầu một cuộc đấu tranh giữa người Bồ Đào Nha liên minh với Ternate và người Tây Ban Nha liên minh với Tidore. Bọn thực dân Bồ Đào Nha đã dùng những thủ đoạn rất tàn ác. Năm 1521 chúng xúi giục hai vương quốc Ternate và Tidore đánh nhau và treo giải thưởng: ai nộp cho chúng một đầu lâu người Tidore thì được một xấp dạ và chúng đã phân phối đến 600 xấp dạ [29; tr.35]. Những cuộc chiến trên biển giữa hai liên minh này liên tục xảy ra. Cuối cùng thì người Bồ Đào Nha đã đánh bại liên minh Tidore và Tây Ban Nha. Năm 1529, một bản hiệp ước mới được kí kết trong đó người Tây Ban Nha đã đồng ý ngừng các cuộc thám hiểm của họ cách Moluccas 17 độ về phía đông. Tuy nhiên, sau đó Tây Ban Nha vẫn đến Philippin và chiếm Manila năm 1570. Những cuộc chiến giữa người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cùng những liên minh người Inđônêxia khác nhau vẫn chưa chấm dứt.

Thế kỉ XVI tình hình chính trị ở khu vực Đông Nam Á có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đó là do những cuộc xung đột của các phe phái phong kiến trong từng nước, các cuộc chiến tranh giữa các nước…Song chính sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây mà đi tiên phong là thực dân Bồ Đào Nha đã dẫn đến sự chuyển biến đó ngày càng sâu sắc.

Một phần của tài liệu Qúa trình xâm nhập của thực dân Bồ Đào Nha vào Đông Nam Á thế kỉ XVI và những hệ quả của nó đối với lịch sử khu vực (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w