Trước tiên, cần thấy việc sử dụng các khái niệm của chúng ta khác với thế giới. Trong khi các con số FDI được nói đến nhiều nhất ở Việt Nam là con số đăng ký, kế đến là con số thực hiện. Còn trên thế giới lại dùng con số giải ngân.
Con số thứ nhất là tổng vốn FDI đăng ký theo giấy phép, bao gồm vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Vốn tự có gồm vốn nước ngoài và vốn góp của đối tác liên
doanh trong nước. Vốn vay ngân hàng cũng gồm vay ngân hàng nước ngoài và vay ngân hàng trong nước.
Con số thứ hai là số vốn đã thực hiện theo báo cáo, trong đó bao gồm cả vốn nước ngoài và vốn trong nước. Hai con số đăng ký và thực hiện được tổng hợp bởi Bộ KH-ĐT.
Con số thứ ba là FDI giải ngân. Đây mới là dòng vốn thực sự đầu tư từ nước ngoài vào và thể hiện trên cán cân thanh toán quốc tế, không bao gồm số vốn của đối tác trong nước hay ngân hàng trong nước. Con số này do Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và báo cáo.
Để thấy rõ sự khác biệt trong việc sử dụng các con số này, có thể lấy một so sánh: Năm 2005 chúng ta công bố FDI vào Việt Nam là 6,8 tỷ USD, thực hiện được 3,3 tỷ USD. Nhưng thống kê trong khối ASEAN chỉ ghi nhận FDI vào Việt Nam là 2,36 tỷ USD. Ba con số khác nhau, cũng là ba cách nhìn nhận khác nhau về FDI.
Bảng 1: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam từ 2007-2012
Năm 2007 2008 2009 2010 2011 2012
FDI 6.55 10 7.4 11 11 10.5
(Nguồn: SBV, IMF, WB) (Đơn vị: tỷ USD)
Nhìn vào bảng số liệu trên ta thấy tình hình giải ngân vốn FDI tại Việt Nam trong giai đoạn 2007-2012 tăng giảm không đều. Năm 2007 là năm đầu tư nước ngoài thực sự bùng nổ tại Việt Nam với những con số hết sức ấn tượng, tổng số đã có 1544 dự án đăng kí với tổng số vốn đăng kí đạt 20.3 tỷ USD, tổng số vốn giải ngân là 6.5 tỷ USD, nguyên nhân chính là năm 2007 là năm đầu Việt Nam thực hiện các cam kết của mình khi gia nhập WTO, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư.
Dòng tiền FDI của năm 2008 là 10 tỷ USD, tăng vọt so với các năm trước giúp làm bội thu cán cân thanh toán tài khoản vốn. Tuy nhiên so với các nước Đông Nam Á thì thu hút vốn FDI của Việt Nam chỉ đứng thứ 4 sau Singapore ( 22.7 tỷ USD), Thái Lan ( 10.1 tỷ USD), Malaysia ( 8.1 tỷ USD); và trong các
năm này, xu hướng dòng vốn FDI không tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp, mà tập trung vào các ngành bất động sản, khách sạn, nhà hàng ( chiếm 63%) nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao. Sự dịch chuyển dòng vốn FDI như vậy cần xem xét dưới góc độ hiệu quả kinh tế, trình độ công nghệ đi kèm với FDI và năng lực xuất khẩu trong tương lai.
Trong năm 2009, con số FDI giải ngân đạt 7.4 tỷ USD, thấp hơn con số của năm 2008 là 2.6 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tiếp tục là nhân tố quan trọng giúp giảm thâm hụt cán cân thanh toán, trong hoàn cảnh thâm hụt cán cân thương mại 6 tháng khoảng trên 6.5 tỷ USD.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã hoàn thành mục tiêu năm 2010 với 11 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm 2009. Tổng vốn đầu tư đăng ký của năm đạt xấp xỉ 18,6 tỉ đô la Mỹ, bằng 82% so với năm trước. Trong đó, 17,2 tỉ đô la Mỹ là vốn cấp mới và 1,4 tỉ đô la Mỹ là vốn đăng ký tăng thêm. Trong số vốn đăng ký này có đóng góp của dự án du lịch bất động sản trị giá 4 tỉ đô la Mỹ ở Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa được cấp phép vào những ngày cuối cùng trong năm. Mặc dù kết quả này thấp hơn những năm trước nhưng tổng vốn đăng ký mới năm 2010 được các chuyên gia đánh giá là ở mức vừa phải, cách không quá xa so với dự báo đầu năm là khoảng 20 tỉ đô la Mỹ. Với dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An của Công ty liên doanh đầu tư Genting VinaCapital có vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ tại Quảng Nam, lĩnh vực bất động sản tiếp tục là lĩnh vực có nguồn vốn tăng cao trong thu hút đầu tư nước ngoài (6,8 tỉ đô la Mỹ).
Năm 2011, mức FDI giải ngân tương đương với năm 2010, đạt 11 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước có nhiều diễn biến bất thường như năm 2011, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá đây là mức giải ngân ấn tượng và là điểm sáng của hoạt động thu hút FDI năm 2011. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 435 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,123 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,53 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 140 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,25 tỷ USD,
chiếm 8,5%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 845,6 triệu USD, chiếm 5,8%.