Câu hỏi điều tra đã đưa ra một số chỉ tiêu để đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng marketing trực tuyến trong doanh nghiệp, bao gồm tổng số máy tính sử dụng trong doanh nghiệp, đào tạo công nghệ thông tin và marketing trực tuyến, hạ tầng viễn thông và internet, mục đích của việc sử dụng internet trong doanh nghiệp, mức độ xây dựng và sử dụng mạng nội bộ. Những chỉ tiêu này có thể chưa nói lên toàn bộ mức độ sẵn sàng cho marketing trực tuyến của các doanh nghiệp tại Hà Nội, nhưng cũng đã phần nào phản ánh được bức tranh tổng thể về việc chuẩn bị ứng dụng marketing trực tuyến tại doanh nghiệp. Trước hết, có thể thấy đa số các doanh nghiệp ở Hà Nội hiện nay vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có tới 60% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có số lao động nhỏ hơn 20, con số tương ứng cho các doanh nghiệp có từ 21-50 lao động là 17%. Tỷ lệ doanh nghiệp có trên 500 lao động chiếm chưa tới 5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Tình hình đầu tư cho mua sắm máy tính tại các doanh nghiệp rất khả quan. Trong khi phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát có quy mô nhỏ thì số máy tính trung bình tại mỗi doanh nghiệp lên tới 17,6 và trung bình cứ 6,3 người có một máy tính. Phân tích kỹ hơn có thể thấy chỉ có 0,1% doanh nghiệp được điều tra là chưa có máy tính. Do đó có thể coi như mọi doanh nghiệp có ít nhất 1 cái máy tính. Tương ứng với việc phần lớn doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa (78% doanh nghiệp có dưới 50 lao động), và 82% doanh nghiệp có dưới 20 máy tính. Tỷ lệ doanh nghiệp có trên 50 máy tính chỉ chiếm khoảng 5%.
Đào tạo công nghệ thông tin và marketing trực tuyến
Năm 2014, doanh nghiệp đã chú ý hơn tới đào tạo nguồn nhân lực cho marketing trực tuyến. Cùng với sự phát triển của hình thức đào tạo chính quy ở các trường đại học, các khóa học marketing trực tuyến do các trung tâm, doanh nghiệp và tổ chức đào tạo cung cấp cũng tăng mạnh, thu hút đông đảo học viên từ nhiều doanh nghiệp. Kết quả phỏng vấn trực tiếp tại một số doanh nghiệp cho thấy các nhà tuyển dụng đặt ra cho ứng viên rất nhiều câu hỏi liên quan đến marketing trực tuyến và công nghệ thông tin trong bối cảnh hội nhập. Điều này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp bắt đầu yêu cầu một trình độ kiến thức nhất định về marketing trực tuyến đối với người lao động, đặc biệt là các vị trí kinh doanh, bán hàng, tiếp thị. Để đánh giá mức độ chuẩn bị nguồn nhân lực cho marketing trực tuyến, phiếu điều tra đưa ra câu hỏi về hình thức đào tạo công nghệ thông tin và marketing trực tuyến của doanh nghiệp cho người lao động. Trong ba phương thức được đưa ra, hình thức đào tạo tại chỗ theo nhu cầu công việc là phổ biến hơn cả, được 62,9% doanh nghiệp lựa chọn. Một tỷ lệ thấp hơn doanh nghiệp kết hợp thêm hình thức gửi nhân viên đi học hoặc lớp tập huấn ngắn hạn. Số doanh nghiệp không đào tạo gì về công nghệ thông tin và marketing trực tuyến cho nhân viên còn chiếm 21,1% đối tượng điều tra..
Hạ tầng viễn thông và internet
Về hạ tầng viễn thông và internet, kết quả điều tra cho thấy 100% doanh nghiệp có điện thoại, 100% doanh nghiệp có máy fax và tỉ lệ doanh nghiệp đã
kết nối internet là 92%. Trong số doanh nghiệp đã kết nối i nternet, hình thức truy cập bằng ADSL chiếm 81,5%, đường truyền riêng chiếm 5,4% và hình thức truy cập bằng quay số chỉ còn 5,2%. Trong số 8% doanh nghiệp chưa kết nối internet, 3,5% cho biết đã có kế hoạch kết nối trong năm tới. Như vậy có thể khẳng định điều kiện hạ tầng tối thiểu cho ứng dụng marketing trực tuyến đã được xác lập ở hầu hết các doanh nghiệp tại Hà Nội.
Mục đích của việc sử dụng internet trong doanh nghiệp
Về mục đích sử dụng internet của doanh nghiệp, điều tra cho kết quả 82,9% doanh nghiệp dung internet để tìm kiếm thông tin, 64,3% doanh nghiệp dùng internet cho mục đích trao đổi thư điện tử, 62,8% doanh nghiệp có mục đích truyền và nhận dữ liệu, 40,9% doanh nghiệp với mục đích mua bán hàng hóa và dịch vụ, 39,8% doanh nghiệp dùng để duy trì và cập nhật website. Đáng chú ý là chỉ có 22,1% doanh nghiệp dùng internet như một kênh liên lạc với các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp đã kết nối internet cho các mục đích khác như gọi điện thoại qua mạng (VoIP). Kết quả điều tra này cho thấy các doanh nghiệp đã khai thác nhiều lợi thế của internet. Kết nối internet giúp doanh nghiệp tìm kiếm thông tin về các đối tác qua mạng, tìm hiểu thông tin thị trường về ngành hàng, tìm các thông tin quảng cáo hoặc chủ động quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đã có website, kết nối internet là điều bắt buộc để doanh nghiệp cập nhật các thông tin trên trang web của mình. Kết nối internet cũng là cách dễ dàng và rẻ nhất để doanh nghiệp liên lạc với khách hàng, với đối tác thông qua thư điện tử hoặc các công cụ truyền và nhận dữ liệu khác. Tỷ lệ khá thấp các doanh nghiệp sử dụng internet như một phương tiện trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước phản ánh thực tế các dịch vụ cổng trực tuyến chưa phong phú.
Một chỉ tiêu khác để đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử trong doanh nghiệp là chỉ số sử dụng các mạng nội bộ. Theo kết quả điều tra, có 73,8% doanh nghiệp đã lắp đặt mạng LAN và 4,0% doanh nghiệp có sử dụng mạng WAN. Những con số này phần nào phản ánh mức độ sẵn sàng cho marketing trực tuyến trong doanh nghiệp khá cao. Marketing trực tuyến ở mức cao phải được xuất phát từ mức độ tin học hoá cao trong nội bộ doanh nghiệp.
Hai chỉ số khác về hạ tầng là việc kết nối các mạng Intranet và Extranet. Đây thực sự vẫn còn là công nghệ mới với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả điều tra phản ánh hai chỉ số này còn rất thấp, tương ứng là 8,0% doanh nghiệp sử dụng mạng Intranet và 1,2%doanh nghiệp sử dụng mạng Extranet. Công nghệ này hiện nay chỉ mới được ứng dụng tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Trở ngại đối với việc sử dụng internet của doanh nghiệp
Đánh giá các trở ngại đối với việc sử dụng i nternet trong công việc kinh doanh, 36,5% doanh nghiệp coi vấn đề an toàn và bảo mật thông tin là trở ngại cao nhất. Tiếp theo, 19,4% coi việc kết nối internet chậm và không ổn định là trở ngại lớn nhất, 5,1% doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu tư thiết bị là trở ngại lớn, và 5,8% doanh nghiệp cho rằng internet chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Những số liệu điều tra này đã phản ánh đúng tình hình thực tế khi mà năm 2014 được coi là năm có nhiều vấn đề về an toàn, an ninh mạng. Kết quả trên cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo mật khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và tham gia marketing trực tuyến, nhưng để đưa ra các biện pháp tự bảo vệ thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng. Chính vì thế thái độ của hầu hết doanh nghiệp vẫn là e ngại và chờ đợi, chưa chủ động tìm ra giải pháp cho vấn đề bảo mật an toàn mạng.