Phát huy truyền thống cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong công cuộc đổi mới, nhất là sau ngày tái lập tỉnh tháng 10 năm 1991 (tách từ tỉnh Gia lai - Kon Tum cũ): Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, tình hình chính trị của Kon Tum luôn ổn định, giữ vững quốc phòng - an ninh và củng cố trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã khai thác có hiệu quả những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực... góp phần khắc phục những khó khăn về kết cấu hạ tầng, công nghiệp, tài chính, trình độ dân trí...
Một trong những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đạt được trong nhiều năm qua là kiện toàn HTCT. Ngay sau khi tái lập tỉnh, ý thức được vai trò, vị trí của HTCT cơ sở, Tỉnh uỷ Kon Tum cùng với HĐND, UBND tỉnh đã có sự chú trọng xây dựng và cũng cố HTCT cơ sở nông thôn. Tỉnh uỷ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương đem lại hiệu quả cao như: Chỉ thị 10 năm 1994, sau đó là Nghị quyết 01 năm 1996 về việc các sở, ban, ngành kết nghĩa với các xã vùng sâu, vùng
xa, vùng đặc biệt khó khăn, đến nay tiếp tục phát huy tác dụng; Đề án 07 năm 1997 về nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển, Đề án 404 năm 1999 về xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đến năm 2005, Đề án 604 năm 2000 về xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đến năm 2010; Nghị quyết số 04 năm 2001 về tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS đến năm 2005 và 2010; Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII) về sắp xếp tổ chức bộ máy HTCT. Đặc biệt, từ việc xác định đúng vị trí quan trọng của cơ sở, Tỉnh uỷ Kon Tum khoá XI có Nghị quyết chuyên đề: số 04 - NQ/TU năm 1997 về củng cố, xây dựng HTCT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2000, qua tổng kết cho thấy: HTCT cơ sở từng bước được củng cố, xây dựng. Quán triệt và cụ thể hoá Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX), Ban thường vụ tỉnh uỷ đã chỉ đạo cơ quan tham mưu xây dựng chương trình hành động thực hiện để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HTCT cơ sở xã, phường, thị trấn. Quán triệt sự phối hợp chặt chẽ việc thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong hoạt động của HTCT cơ sở. Kết quả là đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy của HTCT các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Từng tổ chức trong HTCT ở cơ sở đã quan tâm việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc và quy chế phối hợp hoạt động nên đã giúp cho mỗi tổ chức nhận thức rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Qua đó tiến hành rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao trách nhiệm công tác, góp phần hạn chế việc chồng chéo hoặc buông lỏng nhiệm vụ, tạo cơ sở phối hợp đồng bộ và thống nhất việc xác lập mối quan hệ làm việc ở các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã. Nhờ đó, HTCT cơ sở nông thôn ngày càng phát huy dân chủ, tăng cường được
sự lãnh đạo, hiệu lực quản lý,
điều hành.
Các tổ chức cơ sở Đảng đã có sự chuyển biến tích cực, hoạt động có nền nếp, nội dung sinh hoạt ngày càng thiết thực, khắc phục dần cơ sở yếu kém. Qua từng nhiệm kỳ, trình độ của đại biểu HĐND, thành viên của UBND cấp cơ sở đã được nâng lên. Chất lượng thành viên của UBND cấp cơ sở, thể hiện: “ở trình độ lý luận chính trị sơ cấp chiếm 25,05%, trung cấp 21,87%, cao cấp và cử nhân 1,49%; trình độ chuyên môn sơ cấp chiếm 9,13%, trung cấp 8,28%, đại học 1,27%” [21, tr.72]; hoạt động của chính quyền cơ sở
từng bước được đổi mới về chất lượng. Hoạt động của Mặt trận tổ quốc đã bám sát tình hình thực tiển, căn cứ đặc điểm của địa phương có số người theo tôn giáo chiếm 40% dân số, tổ chức Mặt trận cơ sở đã chủ động xây dựng quan hệ tốt với các già làng, chức sắc tôn giáo có uy tín,... để tuyên truyền họ hiểu âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Qua đó các già làng, chức sắc tôn giáo có uy tín nhận thức được và vận động đồng bào có đạo hiểu rõ được đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn giáo, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Cùng với Mặt trận là các các tổ chức đoàn thể nhân dân có sự đổi mới về nội dung, phương pháp tập hợp quần chúng, đồng thời gắn các hoạt động phong trào với công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên hướng về thôn làng, đa dạng hoá dưới nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau, đặc biệt là người DTTS, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ DTTS được quan tâm đúng mức; các chế độ chính sách đối với cán bộ DTTS, cán bộ thôn làng được thực hiện đầy đủ kịp thời. Đặc biệt việc triển khai Nghị quyết số: 01/NQ-TU (năm 1996) của Tỉnh uỷ khoá XI trong thời gian qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực ở cơ sở, đời sống vật chất, tinh thần các đồng bào của DTTS tiếp tục được cải thiện; tình trạng quan liêu xa rời cơ sở của cán bộ từng bước được khắc phục, mối quan hệ giữa cán bộ tỉnh, huyện với cán bộ, nhân dân các xã ngày càng gắn bó. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được nhanh chóng phổ biến xuống cơ sở và triển khai thực hiện hiệu quả hơn, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS.