Đặc điểm văn hóa và tâm lý truyền thống

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay (Trang 32 - 35)

Với đặc điểm là tỉnh có đa dân tộc, bao gồm 28 dân tộc cùng chung sống. Điều đó đã tạo cho Kon Tum một diện mạo phong phú và đa dạng cả về tộc người và về văn hóa. Ngày nay, bên cạnh việc sử dụng rộng rãi tiếng Việt thì tiếng nói và chữ viết của dân tộc bản địa được khuyến khích phát triển ngày một phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu biểu đạt về nhiều lĩnh vực khác nhau trong giao tiếp, đặc biệt là tiếng Xêđăng, Bana, Giẻ Triêng phát triển mạnh. "Hiện tượng sử dụng song ngữ, đa ngữ ở từng khu vực, làng bản thậm chí trong từng gia đình cũng là một thực tế hiện nay ở nhiều vùng dân tộc... Hiện tượng vay mượn từ, nhất là từ về chính trị, xã hội, khoa học của tiếng dân tộc từ tiếng phổ thông cũng là một thực tế đáng lưu ý hiện nay" [12, tr.145]. Hơn nữa, cư dân bản địa có nguồn gốc lâu đời và quan hệ văn hóa sâu sắc với nhiều dân tộc anh em khác.

Có thể nói, sự dung hòa các sắc thái văn hóa của từng dân tộc anh em sống trên mảnh đất này, tạo thành phẩm cách đặc trưng cho Kon Tum. Nói đến văn hóa Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng là nói đến các trường ca, văn hóa cồng chiêng, kiến trúc văn hóa nhà mồ, nhà rông,... Tất cả những cái đó đã được kết tinh lại trong quá trình lao động sáng tạo và đấu tranh của cư dân bản địa Kon Tum đối với tự nhiên, xã hội qua hàng thiên niên kỷ. Nó có ý nghĩa khẳng định cội nguồn dân tộc, thể hiện lòng yêu quê hương, yêu thiên nhiên, hướng con người tới sự đoàn kết gắn bó, yêu thương nhau và vươn tới ước vọng nhân bản... Những yếu tố ấy cũng đặt ra yêu cầu phải đảm bảo xây dựng khối đoàn kết cộng đồng đa sắc tộc ổn định và phát triển là một trong những mục tiêu quan trọng mà hoạt động của HTCT ở cơ sở nông thôn hướng đến.

Trước đây, với trình độ sản xuất thấp kém, vốn tri thức còn hạn chế chưa hiểu hết về quy luật của vũ trụ, trình độ tư duy chưa phát triển, các cư dân bản địa Kon Tum chưa lý giải được một cách khoa học về các hiện tượng tự nhiên, còn lệ thuộc trước sức mạnh của tự nhiên. Vì thế trong tâm tưởng, trong các lễ hội, phong tục tập quán còn in đậm niềm tin, khát vọng vào thế giới thần linh theo quan niệm "vạn vật hữu linh"(tín ngưỡng đa thần giáo), đã chi phối thái độ và ứng xử của người dân tộc bản địa dễ rơi vào tâm lý thụ động, bảo thủ làm hạn chế đến tính sáng tạo, năng động của mỗi con người và cộng đồng.

Trước khi bước vào xã hội hiện đại, tổ chức xã hội duy nhất của cư dân bản địa Kon Tum, chỉ tồn tại duy nhất là làng, với một phức hợp văn hóa gồm khu dân cư, kho thóc, nhà rông, máng nước, đất canh tác, rừng, sông suối, nghĩa địa... Chế độ tự quản trong làng

vận hành trên cơ sở luật tục. Đó là những quy tắc xã hội, chỉ dẫn cách đối nhân xử thế, xác định hành vi tội phạm theo truyền thống văn hóa của cư dân. ở mỗi dân tộc và từng làng đều có luật tục riêng của mình. Sự hình thành phép ứng xử của đồng bào trước thiên nhiên, trước xã hội và với bản thân mình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân và những quy định của luật tục. Luật tục trong thời kỳ tiền công nghiệp là công cụ điều hành và quản lý xã hội hữu hiệu. Tuy nhiên, trong thời kỳ củng cố và phát triển của pháp luật, thì luật tục trở thành công cụ tự quản tồn tại song song với pháp luật và sự tác động của luật tục đối với đời sống cộng đồng cũng có sự thay đổi tùy thuộc vào tác động mạnh yếu của pháp luật. Ngày nay, luật định mang tính chất pháp quy của toàn xã hội nước ta được phổ biến rộng rãi. Nhưng đi kèm bên cạnh những quy định chung, đối với đồng bào các dân tộc ở các huyện của tỉnh Kon Tum vẫn bảo lưu nhiều nét riêng về tập quán truyền thống văn hóa tiến bộ, biểu hiện trong việc dàn xếp và hòa giải những bất đồng trong quan hệ xã hội. Vì thế, "ở nước ta, cùng với nhiều yếu tố tác động khác cho đến nay, luật tục đang chuyển sang vị trí, vai trò chủ yếu, bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật ở những quan hệ xã hội không cơ bản, trong nhiều trường hợp, đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng các quy chuẩn luật tục vì sự thiết thực, cụ thể, hợp lý của chúng" [42, tr.167]. Và nếu chỉ tính riêng khía cạnh: tập quán pháp và luật tục của mỗi buôn, bản với luật pháp chung của cả nước, thì đã có nhiều điểm chênh lệch, đòi hỏi những người quản lý và điều hành phải có sự kết hợp hài hòa sao cho vừa kế thừa được những nhân tố hợp lý của luật tục..., lại vừa thực hiện nghiêm minh luật pháp chung của Nhà nước [12, tr.234].

Thực tiễn Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, đã và đang đòi hỏi đội ngũ cán bộ của HTCT ở cơ sở nông thôn phải thông thạo tiếng nói, phong tục, tập quán, tâm lý, truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; có khả năng "biết nghe dân nói, biết nói dân nghe". Đồng thời, họ phải biết kết hợp nhuần nhuyễn pháp luật với "luật gia" và "luật tục" trong quản lý xã hội; biết đối thoại với mọi tầng lớp nhân dân về các lĩnh vực của đời sống xã hội theo đúng quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong truyền thống dân tộc bản địa Tây Nguyên - Kon Tum ở mỗi làng, việc điều hành mọi việc theo luật tục do Hội đồng già làng, đứng đầu là chủ làng. Phổ biến ở các dân tộc Kon Tum, chức chủ làng là do dân bầu lên thông qua cuộc họp chung ở nhà rông. Các dân tộc có số dân đông như Xê đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, bên cạnh chủ làng còn có hội

đồng già làng bao gồm những người đàn ông có uy tín, sức khỏe, minh mẫn, hoạt bát, giao thiệp rộng, có đạo đức, thương yêu dân làng, thông hiểu lễ nghi phong tục tập quán, luật tục, lịch sử làng, giàu kinh nghiệm sản xuất... Trên cương vị của mình, chủ làng và già làng là người tối cao đảm nhiệm việc quyết định những vấn đề quan trọng cả đối nội lẫn đối ngoại của làng; cả trong sinh hoạt kinh tế lẫn sinh hoạt xã hội và đời sống tinh thần - với tư cách là người đại diện tinh thần của dân làng, thực thi nhiệm vụ do dân làng giao phó. Từ đó, vị trí vai trò của già làng như một biểu tượng tinh thần với chức năng chủ yếu của ông là một trung tâm đoàn kết, hòa giải, giữ gìn truyền thống, là tấm gương mẫu mực để giáo dục các thế hệ của cộng đồng. Có thể nói, nhiều giá trị thiết thực ở uy tín của già làng vẫn phù hợp ở việc tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở có được phẩm chất như vậy trong điều kiện hiện nay.

Tóm lại, những đặc điểm mang tính đặc thù nêu trên, tác động và chi phối rất mạnh đến HTCT cơ sở cấp xã của tỉnh Kon Tum. Điều này cần phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình kiện toàn HTCT ở cơ sở nông thôn của tỉnh Kon Tum.

2.2. Quá trình hình thành, phát triển, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở tỉnh Kon Tum từ năm 1992 đến nay

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)