Theo Kono và Papp (1977) loài này thường xuất hiện trên hoa của rất nhiều loài cây trong đó có sự ưa thích đặc biệt với những cây thuộc họ đậu và họ bìm bìm, chúng phân bố rộng ở vùng có khí hậu nhiệt đới và ôn đới.
Theo Lewis (1973) tuổi đầu tiên của nhộng gọi là tiền nhộng, đây là giai đoạn trung gian giữa ấu trùng và nhộng thật sự. Giai đoạn này có mầm cánh, không ăn và bài tiết. Sau khi lột sát thì tiền nhộng trở thành nhộng. Nhộng có râu phát triển và gập về phía sau đầu. Thrips hawaiiensis chích hút trên lá và hoa. Loài này chỉ ăn trên hoa của những cây chủ, hoa bị chích hút sẽ có những đốm đỏ, lá bị biến dạng (Takahashi, 1936). Theo Palmer và Wetton (1987) (trích theo Trần Thị Kim Thúy, 2010). Thrips hawaiiensis có thể thụ phấn cho cây cọ dầu nhưng phần lớn là gây hại với tỉ lệ rất cao. Ở Ấn Độ, loài này là nguyên nhân gây hại trên cam, quýt. Ở Thái Lan, chúng gây hại trên cà phê và xoài còn ở Úc thì trên chuối.
Theo Trần Thị Kim Thúy (2010) ấu trùng tuổi 1 trong suốt, khi ấu trùng lớn hơn, khoảng tuổi 2 thì toàn bộ cơ thể sẽ chuyển sang màu vàng cam, phần bụng có màu nhạt hơn phần lưng. Râu đầu và chân màu đen nhạt. Mắt kép màu đen, không quan sát thấy mắt đơn. Thành trùng thì phần đầu và các cặp chân có màu vàng nhạt, phần ngực cũng có màu vàng nhưng đậm hơn, trong khi đó phần bụng lại có màu xám và chia thành nhiều khoang xám trắng xen kẻ, đốt thứ 3 màu vàng nhạt, các đốt còn lại màu xám. Giữa bàn chân có một chấm màu đen. Con đực có kích thước nhỏ hơn con cái nhưng phần bụng lại có màu đậm hơn. Râu đầu 7 đốt, có cơ quan cảm giác dạng nón chẻ chạc.