6. Kết cấu của đề tài
1.4 TỔNG QUAN VỀ DỊCH VỤ PHÂN PHỐI HÓA CHẤT NGÀNH SƠN
1.4.1 Quá trình hình thành và phát triển của thị trường sơn
Sự hình thành Ngành công nghiệp sơn Việt Nam có thể lấy điểm khởi đầu là năm 1914 với sự xuất hiện của một số xưởng sơn dầu tại Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là công ty sơn của ông Nguyễn Sơn Hà. Toàn bộ thời gian phát triển của ngành sơn có thể chia thành các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1914 – 1975:
Giai đoạn này, bối cảnh lịch sử đất nước tạm thời chia cắt 2 miền Bắc – Nam với chế độ chính trị khác nhau và do đó điều kiện phát triển kinh tế (trong đó bao gồm cả phát triển ngành sơn) khác nhau, cụ thể là:
• Miền Bắc: có 3 nhà máy sơn Nhà nước quy mô sản xuất công nghiệp:
- Nhà máy Sơn Tổng Hợp Hà Nội (mới thành lập) do Tổng cục hóa chất quản lý.
- Nhà máy Hóa chất Sơn Hà Nội (trước đây là Công ty Sơn Thái Bình – Cầu Diễn) do sở công nghiệp Hà Nội quản lý.
- Nhà máy Sơn Hải Phòng (trước đây là xí nghiệp sơn Phú Hà) do Sở Công nghiệp Hải Phòng quản lý.
• Miền Nam: Có 16 hãng sơn lớn nhỏ sản xuất đủ các loại sơn, tổng sản lượng 7.000 tấn/năm (Theo số liệu của Tổng Cục Hóa Chất – 28/4/1976)
- Nhà máy sơn Bạch Tuyết và Huệ Phát (nay là Công ty sơn Bạch Tuyết): sản phẩm chủ yếu là sơn alkyd dùng cho ngành xây dựng và 1 lượng không lớn sơn Epoxy.
- Nhà máy sơn Á Đông, Á Châu, Việt Điểu, Vĩnh Phát: Sau năm 1975, các nhà máy này được Tổng cục Hóa chất quản lý sát nhập lại gọi là Xí nghiệp sơn Á Đông và hiện nay là Công ty cổ phần Sơn Á Đông, sản phẩm chủ yếu là sơn dầu, sơn alkyd và sơn nước cho ngành sơn trang trí xây dựng.
Sản phẩm chủ yếu trong giai đoạn này là sơn dầu, sơn alkyd gốc dung môi với công nghệ đơn giản, chất lượng sơn không cao chủ yếu phục vụ cho yêu cầu sơn trang trí xây dựng, các loại sơn công nghiệp chất lượng cao đều nhập khẩu.
Giai đoạn 1975 – 1989:
Đặc điểm phát triển của ngành sơn giai đoạn này mang dấu ấn khó khăn chung của nền kinh tế sau chiến tranh thống nhất đất nước. Đó là thời kỳ kinh tế bao cấp, mặc dầu đến năm 1986 nền kinh tế đã bắt đầu khởi động phát triển nhưng ngành công nghiệp sơn vẫn còn phát triển trì trệ mãi đến năm 1989.
Sản phẩm sơn tiêu thụ trong nước chỉ có sơn dầu, hoàn toàn không có sơn nước, nhà cửa và công trình xây dựng chỉ được trang trí bằng quét nước vôi màu.
Các loại sơn gốc dầu nhựa thiên nhiên có chất lượng thấp được sản xuất với số lượng nhiều hơn sơn nhựa tổng hợp vì nguồn cung cấp nhựa tạo màng có sẵn trong nước khá dồi dào và rẻ tiền. Tuy nhiên sản lượng sơn sản xuất ra cũng bị hạn chế vì không đủ đáp ứng số nguyên liệu quan trọng khác của ngành sơn như dung môi, bột màu…cần nhập khẩu bằng ngoại tệ.
Trong giai đoạn này toàn quốc có 12 công ty – xí nghiệp sản xuất sơn lớn nhỏ thuộc sở hữu nhà nước. Các nhà máy có công suất lớn chỉ sản xuất cầm chừng do không đủ nguyên liệu và phụ thuộc hoàn toàn vào sự phân công của Bộ vật tư. Bên cạnh các xí nghiệp nhà nước thị trường sơn lúc này còn có sự xuất hiện của hàng loạt tổ hợp và cơ sở tư nhân sản xuất sơn, nhằm đáp ứng hầu như tất cả các loại sơn dầu chất lượng thấp cho người tiêu dùng.
Giai đoạn sau năm 1989 đến nay:
Năm 1986, kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ “đổi mới” với đặc tính của nền kinh tế thị trường, nhưng sự chuyển biến tích cực của ngành sơn chỉ
bắt đầu khởi đầu từ năm 1990 để bước vào quá trình hội nhập phát triển với khu vực quốc tế và dần dần ổn định phát triển liên tục tới nay.
Năm 1993-1997 Việt Nam nhận được nhiều sự đầu tư của nước ngoài cho ngành sơn. Mức độ đầu tư nước ngoài về sơn đạt mức khoảng 90 triệu USD: có 20 công ty sơn nước ngoài lập nhà máy liên doanh với Việt Nam hoặc 100% vốn nước ngoài. Dòng đầu tư đột phá từ nước ngoài này kéo theo sự chuyển đổi mạnh mẽ của đầu tư trong nước, chất lượng công nghệ sơn tại Việt Nam đã được “thay da đổi thịt” và tạo ra các dòng sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu thị trường.
Đến năm 2007 hầu hết các hãng sơn lớn trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam như Akzo Nobel, 4 Oranges, Jotun, Nippon…, dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài hoặc hợp tác sản xuất với các công ty sơn Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều công ty sơn Việt Nam (dạng cổ phần hoặc tư nhân 100% vốn Việt Nam) nước như Kova, Tison, Joton, Alphanam, Đồng Tâm, Hòa Bình, Đại Bàng, Petrolimex cũng mạnh dạn mở rộng hoặc xây mới nhà máy, đầu tư thiết bị công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm sơn và ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu thụ. Có thể nói sự phát triển với tốc độ cao về sản lượng công nghệ mới và nâng cao chất lượng sản phẩm đã tạo ra bức tranh ngoạn mục của phát triển ngành sơn Việt Nam trong giai đoạn này. Số lượng nhà sản xuất sơn bắt đầu tăng trưởng mạnh: năm 2002 có 60 doanh nghiệp; năm 2004: 120 doanh nghiệp; năm 2006: 168 doanh nghiệp; năm 2008: 187 doanh nghiệp năm 2013 có gần 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất sơn. (Theo thông tin của VPIA)
Thị trường sơn hiện nay được chia làm 4 phân khúc. Phân khúc cao cấp gồm những công ty đến từ Nhật, Mỹ hoặc Anh như Akzo Nobel, Nippon, Jotun. Đây là những doanh nghiệp có nhà máy cùng hệ thống phân phối tốt, chiếm 35% thị trường. Nhóm thứ hai là các thương hiệu trung bình khá đến từ Châu Á, chiếm 25% thị trường như 4 Oranges, TOA, Sea Master… Nhóm trung bình thấp chiếm 15% thị trường với các thương hiệu trong nước như Joton, Kova, Tison… Nhóm còn lại là các cơ sở sản xuất rải rác khắp cả nước, chiếm 25% thị trường. (Theo thông tin của VPIA)
1.4.2 Tình hình phân phối hóa chất ngành sơn
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng luôn ở mức cao. Theo đó, ngành sơn được đánh giá là ngành sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong tương lai. Vì vậy, kinh doanh hóa chất cho ngành sơn luôn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thực tế thì bất kỳ một công ty kinh doanh các mặt hàng hóa chất công nghiệp đều có kinh doanh hóa chất cho ngành sơn. Có rất nhiều nhà phân phối hóa chất cho ngành sơn đang hoạt động trên thị trường. Theo VPIA, hiện tại có khoảng 100 công ty thương mại đang kinh doanh hóa chất cho ngành sơn, có thể phân chia thành hai loại: nhà phân phối là các công ty nước ngoài và nhà phân phối là các công ty trong nước.
Các nhà phân phối hóa chất cho ngành sơn là các công ty 100% vốn nước ngoài gồm: Connell Bros (Mỹ), Brenntag (Đức), DKSH (Thụy Sỹ) và Jebsen & Jebsen (Singapore), Texchem (Malaysia)….. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà phân phối là các công ty thương mại tại địa phương như K&K, Thái Sơn, Ngọc Sơn, MDI, Đông Bắc, Bến Thành, Việt Đức, Sapa, Mika… Trong số các công ty trong nước này, chỉ một số ít công ty kinh doanh đa dạng các chủng loại hóa chất cho ngành sơn, từ nhựa, các loại bột màu và phụ gia… như K&K, Ngọc Sơn, MDI, các công ty còn lại chủ yếu kinh doanh đơn lẻ một vài mặt hàng như bột màu trắng (Bến Thành, Việt Đức), các loại dung môi tolune, xylene… (Sapa, Mika).
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Marketing có vai trò rất quan trọng trong kinh doanh, hoạt động Marketing giúp hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp các hoạt động của công ty. Nhờ có hoạt động Marketing, các quyết định về chiến lược phát triển của công ty có cơ sở khoa học và vững chắc hơn. Mô hình 4P trong Marketing tuyền thống nên được mở rộng thành 7P trong việc quản lý dịch vụ. Mô hình 7P có thể được sử dụng để xây dựng chiến lược Marketing giúp công ty giành được lợi thế cạnh tranh. Mỗi thành phần của 7P có thể được xem như một cơ hội để đạt được lợi thế cạnh tranh và hoạch định chiến lược. Marketing 7P bao gồm: sản phẩm, giá, phân phối, chiêu thị, quy trình, con người và phương tiện hữu hình.
Thị trường sơn Việt Nam là một thị trường còn rất trẻ, đang phát triển và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Do đó, hoạt động phân phối hóa chất để sản xuất sơn cũng phát triển theo. Hiện nay hầu hết các sản phẩm của những nhà sản xuất hóa chất ngành sơn hàng đầu thế giới đều có mặt tại Việt Nam thông qua nhiều nhà phân phối khác nhau. Chính vì thế, mức độ cạnh tranh trong thị trường này là rất lớn.
CHƯƠNG 2:
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG MARKETING MIX ĐỐI VỚI DỊCH VỤ PHÂN PHỐI HÓA CHẤT NGÀNH SƠN TẠI CÔNG TY TNHH TEXCHEM MATERIALS VIỆT NAM
2.1 GIỚI THIỆU VỀ CÔNG TY TNHH TEXCHEM MATERIALS VIỆT NAM
2.1.1 Lịch sử hình thành và phát triển
Lịch sử phát triển của Texchem Group:
Được thành lập từ năm 1973 bởi Ông Fumihiko Konishi là người có quốc tịch Nhật, Texchem Group hoạt động kinh doanh trong việc thương mại, sản xuất và cung cấp dịch vụ ở Malaysia và trên khu vực Đông Nam Á. Texchem Group có trụ sở chính tại thành phố Penang, Malaysia. Trải qua hơn 40 năm hoạt động, hiện nay Texchem Group tập trung hoạt động trong bốn mảng chính: Hóa chất công nghiệp, Polymer, Kinh doanh thực phẩm hải sản và Chuỗi nhà hàng.
o Mảng hóa chất công nghiệp: Hoạt động chủ yếu trong việc phân phối các loại phụ gia và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp dệt nhuộm, sơn, mực in, nhựa, cao su, thực phẩm.
o Mảng polymer: Chuyên về thiết kế và sản xuất các loại màng bao bì, các loại khuôn mẫu, thiết bị công nghiệp, thiết bị vệ sinh, thiết bị nghiên cứu, các vật dụng bằng nhựa.
o Mảng thực phẩm hải sản: Kinh doanh hải sản tươi sống, hải sản đông lạnh, hải sản ướp gia vị, sashimi, cá, hải sản khô.
o Chuỗi nhà hàng: Gồm các loại chuỗi nhà hàng Sushi King, Miraku, Goku Raku Ramen, Waku Waku, Tim Ho Wan cung cấp các thực phẩm dạng Shu Shi, Dim Sum và các món ăn mang văn hóa Nhật Bản.
Mảng kinh doanh hóa chất công nghiệp của Texchem (Texchem Industrial Division) liên tục được mở rộng phát triển từ lúc hình thành, đến nay đã có mặt ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Bảng 2.1 Các chi nhánh của Texchem Industrial Division
Quốc gia Trụ sở văn phòng
Malaysia Kualalumpur
Malaysia Penang
Malaysia Johor Bahru
Singapore Singapore
Thailand Bangkok
Indonesia Jakarta
Indonesia Surabaya
Viet Nam Ho Chi Minh
Viet Nam Ha Noi
(Nguồn: Tài liệu nội bộ của Texchem VN)
Doanh thu năm 2013 và 2014 của Texchem group đạt lần lượt là 218,650,000 USD và 239,960,000 USD (Theo báo cáo thường niên năm 2014 của Texchem Group).
Lịch sử phát triển của Texchem VN:
Texchem hoạt động ở Việt Nam từ năm 1994 do công ty Texchem Singapore Pte Ltd thành lập văn phòng đại diện ở TP.HCM. Thành lập văn phòng Texchem Hà Nội vào năm 1997 để mở rộng thị trường.
Texchem VN hợp tác với các công ty kho vận ở cả khu vực TP.HCM và Hà Nội để cung cấp giải pháp toàn diện về kinh doanh và phân phối cho các khách hàng tại Việt Nam trong các lĩnh vực như:
• Ngành sơn & mực in
• Ngành nhựa & cao su
• Ngành mỹ phẩm
• Ngành dược phẩm
• Ngành thức ăn gia súc
• Ngành dệt nhuộm
• Ngành giấy
• Chất kết dính và bôi trơn
Sau hơn 15 năm phát triển, đến năm 2009 Texchem VN được thành lập, có 100% nguồn vốn từ Texchem Group, Malaysia.
Tên công ty: Công ty TNHH Texchem Materials Việt Nam Tên giao dịch: Texchem
Loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn
Trụ sở chính: Phòng 206-208, Tòa nhà ABC, Số 10 Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 08 3845 8672 Fax: 08 3845 8673 Ngày thành lập: 16/10/2008
Mã số thuế: 0306121266
2.1.2 Cơ cấu bộ máy tổ chức
Cơ cấu tổ chức các phòng ban của Texchem VN là cơ cấu trực tuyến. Được mô tả trong hình bên dưới.
Hình 2.1 Sơ đồ tổ chức của Texchem VN
(Nguồn: Tài liệu nội bộ của Texchem VN)
Giám đốc Trưởng phòng kinh doanh hóa chất Trưởng phòng kinh doanh nhựa Phòng kế toán Phòng nhân sự & bộ phận hỗ trợ nhập khẩu
o Giám đốc: điều hành mọi hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng pháp luật, đúng điều lệ của công ty, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty trước tập đoàn và trước pháp luật.
o Trưởng phòng kinh doanh: làm việc với các nhân viên bán hàng để đảm bảo mục tiêu phát triển cho từng nhóm hàng và phù hợp với định hướng phát triển chung của công ty, cùng với Giám đốc đề ra các chiến lược phát triển cho từng giai đoạn khác nhau trong cả ngắn hạn và dài hạn, thường xuyên liên hệ với nhà cung cấp, nhà sản xuất ở nước ngoài để xây dựng mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp.
o Phòng kế toán: tổ chức công tác tài chính kế toán theo chính sách của Nhà nước, đảm bảo nguồn vốn kinh doanh và yêu cầu phát triển của công ty; phân tích và tổng hợp số liệu để đánh giá kết quả kinh doanh, cung cấp cho Giám đốc thông tin về tình hình tài chính của công ty để đưa ra định hướng phát triển phù hợp, đề xuất các biện pháp nhằm đảm bảo hoạt động của công ty có hiệu quả.
o Phòng nhân sự & bộ phận hỗ trợ nhập khẩu: giúp lãnh đạo công ty trong việc bố trí tuyển dụng và đào tạo lao động, đảm bảo tính an toàn cho người lao động, giải quyết các vấn đề khó khăn của người lao động. Ngoài ra bộ phận hỗ trợ nhập khẩu giúp theo dõi và thực hiện các công việc liên quan đến việc nhập hàng hóa từ các nhà sản xuất ở nước ngoài.
Đặc điểm của kiểu cơ cấu tổ chức trực tuyến này là:
- Người lãnh đạo tổ chức thực hiện tất cả các chức năng quản trị.
- Các mối liên hệ giữa các thành viên trong tổ chức được thực hiện theo đường thẳng.
- Người thừa hành mệnh lệnh chỉ làm theo mệnh lệnh của một cấp trên trực tiếp.
2.1.3 Giới thiệu chung về hoạt động kinh doanh ngành sơn của công ty TNHH Texchem Materials Việt Nam TNHH Texchem Materials Việt Nam
2.1.3.1 Về khách hàng
Texchem VN chuyên cung cấp các nguyên liệu hóa chất sử dụng để sản xuất sơn, đa số khách hàng của công ty là các doanh nghiệp sản xuất sơn. Thị trường mục tiêu của Texchem VN là các doanh nghiệp sản xuất sơn thông dụng như sơn trang trí, sơn bảo vệ gốc Alkyd hoặc Epoxy sử dụng cho bề mặt kim loại hay bê tông, sơn gỗ (hệ AC, PU, Water based), sơn bột tĩnh điện. Texchem VN hướng đến các khách ở hai thị trường chủ yếu là miền Bắc và miền Nam. Trong đó miền Nam là thị trường quan trọng nhất với khách hàng phân bố ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Tính đến thời điểm cuối năm 2014, số lượng các công ty sản xuất sơn đang sử dụng sản phẩm nguyên liệu hóa chất của Texchem VN là 60. Trong đó 50 khách hàng tại miền Nam và 10 khách hàng tại khu vực miền Bắc. Với lượng khách hàng này có thể nói Texchem VN vẫn chưa bao phủ và tiếp cận với hầu hết các công ty sản xuất sơn trên thị trường. Theo VPIA, tính đến cuối năm 2014 cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất sơn đang tham gia trên thị trường.
2.1.3.2 Về đối thủ cạnh tranh
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng luôn ở mức cao. Theo đó, ngành sơn được đánh giá là ngành sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong tương lại. Vì vậy, kinh doanh hóa chất cho ngành sơn luôn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thực tế thì bất kỳ một công ty kinh doanh các mặt hàng hóa chất công nghiệp đều có kinh doanh hóa chất cho ngành sơn. Có rất