6. Kết cấu luận văn
1.4 Các nghiên cứu về các yếu tố nội tại tác động đến tỷ suất sinh lợi các công ty
trên thế giới
Nghiên cứu của Adewale &Ajibola, 2013
Mục đích nghiên cứu là phân tích ảnh hưởng của các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh trong đó chủ yếu phân tích yếu tố cấu trúc vốn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh thông qua tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Mẫu nghiên cứu là 5 công ty sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Nigeria trong khoảng thời gian 2002-2012. Các công ty này đều hoạt động lâu năm, số lượng lao động lớn và chất lượng sản phẩm tốt so với các công ty khác.
Tác giả sử dụng kĩ thuật hồi quy dữ liệu chéo (PLS) để ước lượng các hệ số trong từng mô hình hồi quy.
Mô hình như sau:
ROE=α+β1DR+β2ASTUR+ β3SIZE +β4ASTANG + β5GROW + e Trong đó
ROE: tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu DR: tỷ lệ nợ
ASTUR: tỷ suất vòng quay tài sản SIZE: quy mô công ty
ASTANG: tỷ lệ tài sản hữu hình GROW: tăng trưởng công ty e: sai số
Kết quả nghiên cứu cho rằng
+ Tỷ lệ nợ, tỷ suất vòng quay tài sản và quy mô công ty tác động thuận chiều đến tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu.
+ Tỷ lệ tài sản hữu hình lại tác động nghịch chiều đến tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE), vì các công ty trong mẫu nghiên cứu đã không sử dụng các thành phần trong tài sản hữu hình một cách hiệu quả để gia tăng tỷ suất sinh lợi.
Nghiên cứu của Chinaemerem & Anthony, 2012
Nhóm tác giả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của 30 công ty phi tài chính Nigeria trong 7 năm từ 2004-2010.
Điểm mới của bài nghiên cứu:
+ Ngoài biến phụ thuộc ROE, hai tác giả cũng sử dụng thêm tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản ROA làm biến phụ thuộc để đại diện hiệu quả kinh doanh.
+ Thêm vào hai biến mới đó là số năm hoạt động (AGE) và ngành kinh doanh (Industrial sector) là biến giả và các biến độc lập tương tự như nghiên cứu trên bao gồm tỷ lệ nợ, tỷ suất vòng quay tài sản, quy mô công ty, tỷ lệ tài sản hữu hình,
Nhóm tác giả thiết lập hai mô hình để kiểm tra sự tác động, điểm khác nhau giữa 2 mô hình là có sự hiện diện của biến giả- ngành kinh doanh đang hoạt động. Tác giả nghiên cứu bằng phương pháp OLS với dữ liệu bảng, kiểm định tính dừng (Unit Root Test) của dữ liệu và hiệu ứng cố định hay ngẫu nhiên của mẫu.
Kết quả nghiên cứu như sau:
+ Tỷ lệ nợ có mối quan hệ nghịch chiều với ROA
+ Tỷ suất vòng quay tài sản có mối quan hệ thuận chiều với ROA và ROE.
+ ROA và quy mô công ty có mối quan hệ thuận chiều nhưng lại không có ý nghĩa, tuy nhiên quy mô công ty và ROE cũng có quan hệ thuận chiều và có ý nghĩa ở mức 1%. Tương tự như vậy ROA và số năm hoạt động có mối quan hệ thuận chiều nhưng không có ý nghĩa, số năm hoạt động và ROE có quan hệ thuận chiều và có ý nghĩa ở mức 1%.
+ Tỷ lệ tài sản hữu hình và ROA có mối quan hệ nghịch chiều ở mức ý nghĩa 1%, đối với ROE thì tỷ lệ tài sản hữu hình có mối quan hệ thuận chiều nhưng không có ý nghĩa.
Hơn thế, khi tác giả đưa vào các biến giả ngành nghề kinh doanh thì kết quả đều cho thấy các ngành kinh doanh như thức ăn nước uống, thuốc lá, hóa chất, in ấn, xây dựng đều có ảnh hưởng thuận chiều đến hiệu quả kinh doanh như vậy các ngành này thật sự là đáng để đầu tư và các ngành về máy móc, thiết bị văn phòng, vật liệu xây dựng, vải sợi thì có mối quan hệ nghịch chiều với hiệu quả kinh doanh nhưng không có ý nghĩa.
Nghiên cứu của Zeitun & Tian, 2007
Hai tác giả cũng nghiên cứu các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh. Mẫu nghiên cứu gồm 167 công ty của Jordan trong khoảng thời gian 1989-2003, niêm yết trên thị trường Amman. Các công ty thuộc 16 lĩnh vực ngành kinh tế trừ các công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty thuộc lĩnh vực tài chính.
+ Tiếp cận hiệu quả hoạt động kinh doanh cả hai khía cạnh là thông qua tỷ số tài chính kế toán (ROA và ROE, PROF) và chỉ số thị trường (Tobin’s Q, MBVR,..) nên có thể đánh giá toàn diện khi phân tích tỷ suất sinh lợi
+ Ngoài các biến như tỷ lệ nợ, quy mô công ty, cơ hội tăng trưởng, tác giả sử dụng thêm các yếu tố có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh như thuế, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (16 lĩnh vực), rủi ro chính trị bằng cách sử dụng biến giả.
Kết quả nghiên cứu như sau:
+ Mô hình hồi quy sử dụng biến phụ thuộc là ROE không có ý nghĩa, chỉ có biến phụ thuộc ROA và Tobin’s Q có ý nghĩa.
+ Công ty có tỷ lệ đòn bẩy tài chính càng cao thì ROA càng thấp, cụ thể nợ ngắn hạn trong cấu trúc vốn càng cao thì làm giảm hiệu quả kinh doanh, tuy vậy nhưng lại có tác động thuận chiều đến tỷ số Tobin’Q.
+ Cơ hội tăng trưởng chỉ tác động thuận chiều đến ROA, giải thích cho lí do này là khi tăng trưởng càng cao thì sẽ làm giảm chi phí vốn từ đó tăng tỷ suất sinh lợi trên tài sản + Quy mô công ty tác động thuận chiều đến ROA và Tobin’s Q. Quy mô công ty là một yếu tố quan trọng quyết định đến tài chính công ty, công ty càng lớn càng có thể tạo ra thu nhập lớn hơn so với công ty nhỏ vì có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
+ Công ty có tỷ lệ tài sản hữu hình càng lớn thì ROA càng thấp vì các công ty ở Jordan đầu tư quá nhiều vào tài sản hữu hình mà những tài sản này lại không thể làm tăng hiệu quả kinh doanh, hoặc là các công ty này chưa sử dụng hiệu quả các tài sản này.
+ Lĩnh vực kinh doanh cũng tác động đến ROA
+ Môi trường kinh tế và rủi ro chính trị cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Giai đoạn 1990-1992 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tại các nước Trung Đông và Bắc Phi đã tác động thuận chiều đến hiệu quả kinh doanh. Lý do đưa ra là thị trường Jordan mở rộng đến cả Iraq, vì thế nhu cầu của sản phẩm Jordan cứ thế tăng lên. Hơn nữa thu nhập của những công nhân Iraq hay các vùng khác của Trung Đông di cư làm tăng cầu của sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, kéo theo đó là chỉ trong thời gian ngắn tình hình
kinh doanh của các công ty khả quan. Tuy nhiên trong thời gian từ năm 2000, với phong trào Intifadah xảy ra tháng 9/2000 đã làm sụt giảm tỷ suất sinh lợi, nguyên nhân là do việc xuất khẩu của các sản phẩm Jordan sang thị trường các nước dải Gaza giảm hơn 16%, và cũng ảnh hưởng đến du lịch và cả đầu tư tại Jordan.
Như vậy qua ba bài nghiên cứu các yếu tố nội tại tác động đến tỷ suất sinh lợi trên thế giới ,có thể nhận thấy được các tác giả sử dụng một trong hai phương pháp đo lường tỷ suất sinh lợi đó là theo các chỉ số kế toán (ROA và ROE) hoặc các chỉ số thị trường ( Tobin’s Q). Các biến được sử dụng để quan sát sự thay đổi tỷ suất sinh lợi bao gồm tỉ lệ nợ, tỷ suất vòng quay tài sản, tăng trưởng công ty, quy mô công ty, tỉ lệ tài sản hữu hình đều phù hợp và có ý nghĩa. Các nghiên cứu này sẽ làm nền tảng cho việc lựa chọn mô hình phù hợp để phấn tích vấn đề này tại các công ty ngành CN CB & CT tại Việt Nam
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 đã trình bày các tỷ số đánh giá tỷ suất sinh lợi của công ty, những yếu tố nội tại tác động đến tỷ suất sinh lợi. Bên cạnh đó, chương này cũng đã đưa ra các bằng chứng thực nghiệp trên thế giới nghiên cứu về sự tác động của các yếu tố nội tại đến tỷ suất sinh lợi. Các kết quả nghiên cứu không đồng nhất nhưng chính các kết quả này sẽ giúp cho bài nghiên cứu này định hướng khám phá nhằm đưa ra kết quả ước lượng phù hợp nhất.
Dựa trên cơ sở lí luận chương 1, việc phân tích thực trạng về tỷ suất sinh lợi và phân tích các yếu tố nội tại tác động đến tỷ suất sinh lợi tại các công ty ngành CN CB & CT niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ được trình bày trong chương 2.
CHƯƠNG 2 PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ NỘI TẠI TÁC ĐỘNG ĐẾN TỶ SUẤT SINH LỢI CÁC CÔNG TY NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN VÀ CHẾ TẠO NIÊM YẾT TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TP.HCM
2.1 Các công ty ngành công nghiệp chế biến và chế tạo niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM