Bảo tàng Hải Phòng là bảo tàng khảo cứu địa phương ra đời sớm. Việc xây dựng bảo tàng được chuẩn bị ngay sau ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955) và chính thức đi vào hoạt động ngày 20/12/1959.
Gần 50 năm qua, Bảo tàng Hải Phòng không ngừng phấn đấu vươn lên, đóng góp quan trọng vào việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hoá - xã hội của thành phố, giới thiệu với nhân dân Hải Phòng, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về truyền thống lịch sử - cách mạng, truyền thống và bản sắc văn hoá của vùng đất và con người Hải Phòng. Đội ngũ những người làm công tác bảo tàng cũng như nhân dân thành phố và nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu - sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày tuyên truyền về vùng đất, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, các di tích khảo cổ, các di tích lịch sử văn hoá và cách mạng của thành phố Hải Phòng. Đến nay, Bảo tàng lưu giữ hơn 19 nghìn hiện vật, trên 154.500 tư liệu, gần 30.000 phim ảnh gồm nhiều giai đoạn lịch sử, chứa đựng nhiều nội dung phong phú, đa dạng phục vụ tốt công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học...
Hoạt động trưng bày, tuyên truyền được duy trì và bổ sung nhiều phương thức mới. Với 17 phòng trưng bày cố định Bảo tàng giới thiệu một cách khái quát nhất về thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, xã hội của Hải Phòng. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hải Phòng còn trưng bày nhằm giới thiệu với nhân dân một số chuyên đề của Trung ương và tỉnh bạn, giúp người xem hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử - văn hoá, truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với các Bảo tàng ở trung ương như: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh... trưng bày nhiều
chuyên đề với các bộ sưu tập hiện vật độc đáo, đặc sắc, thu hút nhiều nhà khoa học, đông đảo quần chúng nhân dân và học sinh đến tham quan, nghiên cứu học tập, đem lại cho người xem những kiến thức bổ ích.
Những năm qua, lĩnh vực bảo tồn - bảo tàng ở Hải Phòng đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm như: Tăng cường đầu tư, cải tạo, nâng cấp, tái thiết, quyết định bảo vệ, xếp hạng các di tích - danh lam, thắng cảnh; khảo sát, sưu tầm di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khai quật khảo cổ...để tìm lại và phát huy sức sống của di sản văn hoá truyền thống, đồng thời duy trì tốt hoạt động của hệ thống bảo tồn, bảo tàng góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân thành phố.
Mặc dù số lượng nhà bảo tàng, nhà trưng bày hiện vật lịch sử, văn hoá và các danh lam, thắng cảnh, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở Hải Phòng không nhiều, nhưng số liệu khách tham quan ở các địa điểm này hàng năm không nhỏ. Điều đó cho thấy hệ thống bảo tồn, bảo tàng ở đây đã góp phần đáp ứng nhu cầu tinh thần, giải trí tích cực của nhân dân thành phố [Xem Phụ lục 3, tr.102 luận văn].
2.2.1.2. Thư viện
Hệ thống thư viện trên địa bàn Hải Phòng bao gồm: 1 thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố (mới xây dựng với trị giá 23 tỷ đồng); 13 thư viện chuyên ngành, 13 thư viện quận, huyện, thị xã và trên 130 phòng đọc, tủ sách cơ sở ... Hệ thống này hiện nay đang thu hút đông đảo cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và người dân thành phố tới học tập, nghiên cứu.
Hệ thống thư viện Hải Phòng những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên và nhu cầu giải trí của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình giao lưu, hội nhập và tiếp thu tinh hoa nền tri thức của nhân loại.
Mặc dù hàng năm số phòng đọc, tủ sách cơ sở tăng nhanh, sách được bổ sung với số lượng lớn, cùng với số lượt bạn đọc đến thư viện ngày càng tăng, nhưng lĩnh vực hoạt động thư viện còn có những hạn chế như điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ của các thư viện cơ sở còn thấp. Sách nghiên cứu, sách chuyên môn còn ít. Việc tra cứu tại các thư viện vẫn còn theo cung cách cũ nên việc tiếp cận với nguồn tư liệu còn khó
khăn, tốn thời gian và hiệu quả thấp. Dự án xây dựng thư viện điện tử, nối mạng các thư viện với nhau vẫn chưa thực hiện được. Mặt khác, các phương tiện nghe, nhìn đang chiếm ưu thế nên việc đọc sách tại các thư viện vẫn chưa là hoạt động phổ biến của người dân, kể cả đối tượng là học sinh, sinh viên [Xem Phụ lục 4, tr.103 luận văn].