Dịch vụ văn hoá góp phần làm phong phú đời sống văn hoá của mỗi cá nhân và cộng đồng. Nó vừa đóng vai trò xã hội hoá các sáng tạo văn hoá của cá nhân, cung ứng các sản phẩm văn hoá nhằm thoả mãn các nhu cầu văn hoá giải trí và hưởng thụ văn hoá, bồi dưỡng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Nói tóm lại, hoạt động dịch vụ văn hoá nhằm thoả mãn những nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Từ khi Đảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội có nhiều biến chuyển. Mức sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao hơn. Nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân gia tăng, nhiều loại hình hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá mới xuất hiện và được nhân rộng trên cả nước như hoạt động kinh doanh phim, kinh doanh băng đĩa nhạc, băng đĩa hình, hoạt động karaoke... Các cửa hàng cho thuê băng đĩa, quán karaoke ... đua nhau mọc lên cả ở khu vực thành thị và nông thôn Hải Phòng. Có thể nói, chưa bao giờ đời sống văn hoá, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ văn hoá lại diễn ra sôi động như hiện nay.
Băng đĩa hình, băng đĩa nhạc nói riêng và các loại văn hoá phẩm nói chung là một loại hàng hoá đặc biệt, bởi giá trị sử dụng của nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, đạo đức, tình cảm, lối sống của con người trong cộng động xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thời gian trước đây, nếu như băng cassette, đĩa nhạc chiếm đa phần trong thị trường băng đĩa thì ngày nay thị trường đó được bổ sung thêm nhiều loại băng đĩa: Băng video,
đĩa CD, đĩa VCD, đĩa DVD... và các loại băng đĩa đó đã trở thành một thứ hàng hoá thông dụng trong đời sống sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân.
Đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá tại gia đình của công chúng, các hãng, trung tâm sản xuất, các công ty, các nhà xuất bản âm nhạc đã cung cấp cho thị trường nhiều chương trình băng đĩa mới. Những cửa hàng kinh doanh mua bán và cho thuê băng đĩa hình cũng không ngừng gia tăng đóng vai trò cầu nối trung gian giữa các hãng và người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Cục Thống kê Hải Phòng năm 2004 thì cứ 100 hộ dân thì có 49,14 % số hộ có đầu video. Như vậy số hộ dân Hải Phòng sở hữu và sử dụng đầu video, đầu đĩa hình với số lượng không nhỏ, Theo số liệu của Sở Văn hoá Thông tin Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng gần 110 cửa hàng, điểm bán và cho thuê băng hình, buôn bán đĩa CD, VCD và DVD đã được Sở VHTT cấp giấy phép. Hệ thống các của hàng nói trên đã đáp ứng nhu cầu giải trí rất lớn của người dân thành phố.
Tuy nhiên, ở thành phố Hải Phòng, tình trạng vi phạm về kinh doanh băng, đĩa khá nghiêm trọng, tuy chưa hình thành những " chợ " kinh doanh băng đĩa bất hợp pháp, nhưng nhiều nơi, việc vi phạm bản quyền trong in sao băng, đĩa, chứa chấp, tiêu thụ băng đĩa có nội dung không lành mạnh còn diễn ra khá phổ biến. Hầu như bất cứ nhu cầu nào của khách về các loại băng, đĩa đều được đáp ứng khá dễ dàng, từ những chương trình ca nhạc trong nước và hải ngoại tới các phim ảnh, kể cả phim sex, phim bạo lực...
Với số lượng các cửa hàng băng hình khá nhiều như hiện nay, việc kinh doanh băng, đĩa gặp nhiều khó khăn về doanh thu. Vì thế, để hấp dẫn khách hàng và kiếm lời, ngoài việc kinh doanh những băng đĩa được cấp phép "dán tem", nhiều cửa hàng còn kinh doanh băng đĩa bất hợp pháp. Sở dĩ khách hàng thường tìm đến loại sản phẩm này bởi vì giá cả của chúng rất rẻ, 01 đĩa CD, VCD của Trung Quốc giá chỉ 6.000- 7.000đ. Trong khi đó, giá băng,đĩa hợp pháp luôn cao gấp 3 - 5 lần.
Có thể nói, tình hình kinh doanh băng đĩa hiện nay đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các nhà quản lý văn hoá phải có đối sách thích hợp để có thể giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề mà thực tế đặt ra.