ở các chế độ xã hội trước thời kỳ chủ nghĩa tư bản, nhu cầu vui chơi giải trí của con người bị hạn chế bởi các quan hệ kinh tế nông nghiệp gia trưởng và tôn giáo chi phối. Thời kỳ này, năng suất lao động và mức thu nhập lao động xã hội thấp nên thời gian rỗi ít và tập trung vào những thời điểm “nông nhàn”, sau vụ thu hoạch hoặc chờ vụ thu hoạch. Các hoạt động vui chơi giải trí tập trung xung quanh các sinh hoạt nghi lễ mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng là chủ yếu.
Nhìn chung, trong xã hội tiền công nghiệp, khái niệm “thời gian rỗi” chưa được quan tâm đầy đủ như một khái niệm khoa học vì thời gian rỗi của con người rất ít và phân tán. Các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng cư dân trong xã hội nông nghiệp tuỳ thuộc vào thời vụ, ít được chủ động để thực hiện giải trí một cách tự do theo sở thích cá nhân. Các sở thích giải trí của mỗi người thường quy chiếu vào một số dạng vui chơi giải trí lặp đi, lặp lại và có tính khép kín cục bộ.
Trong xã hội công nghiệp, thời gian nhàn rỗi của các tầng lớp dân cư xuất hiện nhiều hơn do năng suất lao động công nghiệp tăng lên và những cuộc đấu tranh của những người lao động công nghiệp với giới chủ tư bản đòi giảm giờ làm trong xí nghiệp, công xưởng. Việc sử dụng thời gian nhàn rỗi đã kéo theo quá trình hình thành một nền văn hoá đại chúng, phục vụ quần chúng được sử dụng sâu rộng trong các vùng khác nhau trong quá trình phát triển công nghệ và sản xuất hàng loạt. Thời gian nhàn rỗi lúc này đã trở thành một bộ phận trong cuộc sống của những người dân.
Bản thân khái niệm “giải trí” xuất hiện trong xã hội công nghiệp mang một ý nghĩa mới. Trong xã hội tiền công nghiệp, giải trí của quần chúng mang hình thức những ngày nghỉ dành cho nghi lễ gia đình, hôn lễ, tôn giáo và những hội lẽ nông nghiệp, cầu an... Quan niệm mới về giải trí được coi là sản phẩm của xã hội công nghiệp hiện đại. Sản xuất cơ giới làm cho năng suất lao động được nâng lên, tạo điều kiện cho họ có thể kiếm sống với một chế độ làm việc ít giờ, ít ngày hơn, thậm chí có tiền để chi tiêu cho giải trí trong những giờ nhàn rỗi. Sự phân biệt ranh giới giữa “thời gian lao động”và “thời gian nghỉ ngơi”rõ rệt hơn.
Tuy nhiên, những người lao động trong ngành công nghiệp giành được nhiều ngày nghỉ không phải là không qua đấu tranh. Thời gian đầu, thông qua nghiệp đoàn, những người làm công ăn lương đấu tranh đòi hỏi giảm bớt giờ làm vì lý do sức khoẻ và gia đình. Đến đầu thế kỷ XX, khi ngày làm việc 10 giờ trở thành phổ biến thì người ta tiếp tục đấu tranh đòi bớt giờ làm để nghỉ ngơi giải trí.
Vào những năm 1950, ngoài khu vực công nghiệp, khái niệm giờ lao động ngắn, ngày nghỉ có lương được thừa nhận ở tất cả các nước công nghiệp hoá ở phương Tây.
Nhu cầu giải trí, tiêu khiển, tìm kiếm cơ hội trong thông tin, thể thao, nghệ thuật, giao tiếp cộng đồng của công chúng ngày càng cao. Ngành công nghiệp phục vụ giải trí nhanh chóng nắm bắt, khai thác để sản xuất, đáp ứng nhu cầu đa dạng này, tạo thành một thị trường mới, thị trường giải trí thông qua các hình thức khác nhau như sách, báo, tạp chí, phim ảnh, truyền thanh và truyền hình, các thiết bị thể dục thể thao...vv. Tuy nhiên, các quy tắc chỉ đạo việc sử dụng thì giờ nhàn rỗi không bao giờ được giao phó cho sự biến động của thị trường hay các doanh nghiệp hoạt động vì động cơ thương mại thuần tuý mà còn phụ thuộc vào Nhà nước, các tổ chức tôn giáo hay từ thiện. ở đô thị xuất hiện nhiều công viên, sân chơi, bảo tàng, vườn thú, thư viện... các hình thức giải trí xuất hiện cũng đa dạng, phong phú và không kém phần phức tạp.
1.3.2. Văn hoá giải trí trong xã hội hiện đại
Trong xã hội tiền công nghiệp, hoạt động vui chơi giải trí thường mang ý nghĩa hạn hẹp, khép kín, cục bộ. Hoạt động giải trí ở đây thường mang tính chất đáp ứng yêu cầu cá nhân, nhóm xã hội nhất định và có ý nghĩa tự phục vụ cá nhân và tầng lớp hữu sản ở bên
trên là chủ yếu. Điều này phản ánh tính chất giai cấp của các hoạt động vui chơi giải trí. Tính chất quần chúng của hoạt động vui chơi giải trí chỉ xuất hiện nhiều ở các hoạt động văn hoá dân gian như lễ hội, nghi lễ tôn giáo hoặc gia đình. Tính chất "hàng hoá "của các hoạt động vui chơi giải trí bị giới hạn ở sự trao đổi bằng hiện vật thông qua sự ban thưởng của tầng lớp thống trị xã hội và tự ban thưởng lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu tinh thần giải trí, chưa nhấn mạnh đến việc khai thác lợi ích vật chất của các hoạt động này.
Khi chuyển sang xã hội công nghiệp và thị trường, các quan hệ trong hoạt động vui chơi giải trí chuyển đổi mạnh sang sản xuất hàng hoá, biến các hoạt động giải trí có thể lưu thông trên thị trường và đem lại lợi nhuận cho các chủ thể của nó trong tổ chức hoạt động giải trí. Sự sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần được khẳng định như một loại hình lao động, một loại hình sản xuất hàng hoá đặc biệt. Loại hình này như C.Mác đã nhận xét, nó vừa có chức năng hàng hoá, được lưu thông trên thị trường, hoạt động theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, vừa có chức năng văn hoá xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển tinh thần, trí tuệ và tình cảm của xã hội. Các hoạt động văn hoá vui chơi giải trí là một bộ phận của hoạt động văn hoá cộng đồng. Nó mang chức năng “kép”, vừa mang chức năng kinh tế vừa mang chức năng văn hoá. Xã hội hiện đại ngày nay là xã hội thị trường hướng nền sản xuất vào mục tiêu lợi nhuận. Điều này ở các nước mới phát triển kinh tế thị trường còn là điều mới lạ, tính tự phát của nền kinh tế xuất hiện nhiều. Mặt khác, do công tác quản lý xã hội ở các nước mới mở cửa thị trường gặp nhiều khó khăn nên đã dẫn đến tình trạng nhiễu loạn trên thị trường giải trí.
Vì vậy, nhận thức rõ hơn về thị trường văn hoá giải trí là một vấn đề không chỉ mang ý nghĩa lý luận mà còn mang ý nghĩa thực tiễn cấp bách hiện nay.
Trước hết cần xem xét mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá trong hoạt động vui chơi giải trí:
Thứ nhất, cần khắc phục tư tưởng tách rời văn hoá ra khỏi kinh tế chỉ đề cao những
giá trị văn hoá tinh thần, coi thường những vấn đề thực tiễn xã hội, coi thường những vấn đề kinh tế. Cực đoan hơn, có quan điểm coi kinh tế là những vấn đề thông tục, thấp kém, coi thường lao động làm ra của cải vật chất, coi thường lao động chân tay, tách kinh tế ra khỏi văn hoá.
Thứ hai, trong khi tiến hành phát triển kinh tế thị trường, đã xuất hiện quan điểm khá
phổ biến ở nhiều nước đang phát triển là tuyệt đối hoá nhân tố kinh tế, lấy mô hình Phương Tây làm trung tâm; không chú trọng đến phát huy các nguồn lực văn hoá dân tộc. Điều đó dẫn các quốc gia này đến suy thoái cả về kinh tế và văn hoá, biến các nước này trở thành một xã hội tiêu thụ hơn là một xã hội sản xuất và phụ thuộc vào các nền kinh tế bên ngoài.
Như vậy, tuyệt đối hoá nhân tố văn hoá hay tuyệt đối hoá nhân tố kinh tế đều là sai lầm. Xu hướng chung hiện nay là đi tìm sự tương tác giữa nhân tố văn hoá và nhân tố kinh tế trong quá trình phát triển. Đối với văn hoá giải trí hiện nay cũng như vậy.
Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, hoạt động giải trí cần được nhìn nhận như một hoạt động kinh tế có tính văn hoá cao. Quy luật kinh tế tác động một cách trực tiếp, cụ thể và là động lực cơ bản (bên cạnh động lực văn hoá) để phát triển các hoạt động giải trí và đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội.
Hoạt động giải trí phải hướng tới phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Điều này phản ánh bản chất chung của kinh tế thị trường. Thực chất của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giải trí là giải quyết mối quan hệ giữa ba nhân tố hợp thành quan hệ thị trường. Đó là các doanh nghiệp - công chúng - và các đối tác cạnh tranh. Đảng và Nhà nước ta đã xác định trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế khác nhau đều tự do, bình đẳng cạnh tranh trong khuôn khổ tôn trọng luật pháp và đạo lý dân tộc. Điều này làm thay đổi nhận thức cũ của thời kỳ bao cấp trước đây là Nhà nước làm văn hoá cho nhân dân hưởng, Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư về nội dung, chỉ đạo nhất quán theo bộ máy của nhà nước lập ra và nhu cầu của nhân dân phụ thuộc vào sự “mở” hay "đóng” của Nhà nước. Từ đó dẫn đến tâm lý chờ đợi, ỷ lại và thụ động của nhân dân trong hoạt động văn hoá, trong đó có lĩnh vực giải trí. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vui chơi giải trí có rất nhiều các thành phần kinh tế khác nhau, trong đó có cả các nhà đầu tư nước ngoài. Các chủ thể này luôn tìm cách để khai thác nhu cầu và đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội theo nguyên tắc của thị trường. Nguyên tắc chung của thị truờng là bình đẳng, công khai. Bản chất chung của thị trường là hoạt động
hướng tới phục vụ khách hàng tốt nhất trên cơ sở cạnh tranh quyết liệt. Đây được coi là triết lý sơ đẳng nhất, đơn giản nhất, cốt lõi nhất và cũng là cơ bản nhất của kinh tế thị trường. Như vậy, các hoạt động vui chơi giải trí do Nhà nước lập ra hay là do các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị tạo nên thì cũng phải chuyển sang thực hiện theo quy luật chung này. Vấn đề xây dựng thị trường văn hoá giải trí ở nước ta trước hết là phải làm cho các chủ thể, ở các thành phần khác nhau hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường. Cưỡng lại quy luật này sẽ dẫn đến sự nhiễu loạn của thị trường. Tất nhiên, ở đây cũng cần phân biệt có hai loại phục vụ giải trí: Loại hoạt động mang tính lợi nhuận và loại hoạt động phi lợi nhuận. Loaị hoạt động phi lợi nhuận thường do các cơ quan văn hoá của nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội đứng ra tổ chức nhằm phục vụ những mục tiêu về chính trị, văn hoá, xã hội khác nhau. Vì vậy không nên đồng nhất hoá các loại hoạt động này mà cần có sự phân biệt chính xác để có những chính sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển việc xây dựng môi trường văn hoá giải trí công cộng.
Kinh tế thị trường là một nền kinh tế mở, mọi chủ thể đều bình đẳng và chủ động kinh doanh tất những gì mà Nhà nước và luật pháp không cấm. Nó khác nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu trước đây ở chỗ không chờ đợi khách hàng có nhu cầu mới sản xuất để đáp ứng mà ngược lại, nó chủ động kích thích, khai thác các nhu cầu mới của khách hàng để bán hàng, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt.
Vì vậy, các hoạt động vui chơi giải trí của xã hội trong nền kinh tế thị trường thường luôn luôn năng động, đổi mới, tạo ra các hình thức vui chơi giải trí mới lạ, hấp dẫn đối với công chúng. Tiến công là triết lý kinh doanh nói chung và là triết lý kinh doanh trong lĩnh vực vui chơi giải trí nói riêng.
Như vậy, thừa nhận có thị trường văn hoá giải trí, chúng ta phải vận dụng sáng tạo phương pháp quản lý kinh tế đối với lĩnh vực hoạt động giải trí, điều tiết các hoạt động kinh tế theo đòn bẩy kinh tế, dựa trên cơ sở các hướng ưu tiên và các hướng không khuyến khích thông qua chế độ thuế và các hàng rào kinh tế khác. Đồng thời, chúng ta không thể để cho hoạt động kinh tế lôi kéo các hoạt động giải trí trượt ra ngoài đường ray của pháp luật. Mặt khác, cũng không nên áp đặt mô hình quản lý kinh tế một cách cứng nhắc vào lĩnh vực hoạt động vui chơi giải trí làm mất tính đặc thù của các hoạt động giải trí. Kinh tế
thị trường là nơi thử thách đối với các hoạt động giải trí, có thể có cơ hội và điều kiện phát triển mạnh mẽ tích cực hơn, đóng góp nhiều hơn vào phát triển vật chất và tinh thần của xã hội. Ngược lại có thể là nơi bùng phát các mặt trái của xã hội, làm tha hoá nhân cách, đạo đức của xã hội. ở đây, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sao cho có thể vừa khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển các hoạt động vui chơi giải trí, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Chương 2