2.1. Khái quát về sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá ở thành phố Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới Phòng trong thời kỳ đổi mới
2.1.1. Sự phát triền kinh tế, văn hoá - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới kỳ đổi mới
Thành phố Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới đã và đang từng bước thay đổi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hiện nay thành phố Hải Phòng có diện tích là 1.507,6km2, dân số 1.723.500 người; trong đó nam 855.700 người (49,6%0), nữ 867.800 người (50,4%), dân số thành thị 588.900 người (34,2%), dân số nông thôn 1.134.600 người (65,8%), số dân làm nông nghiệp 926.300 người (53,7%), số dân làm các ngành nghề khác 797.200 người (46,3%).
Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và nội lực. Kinh tế thành phố tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, năm sau cao hơn năm trước và luôn tăng gấp 1,5 lần so với mức tăng chung của cả nước. Năm 2000 tốc độ tăng GDP của thành phố là 9,1% (cả nước 6,79%), năm 2001 là 10,38% (cả nước 6,89%), năm 2002 là 10,65 (cả nước 7,08), năm 2003 là 10,71% (cả nước 7,34), năm 2004 là 11,39% (cả nước 7,69) và năm 2005 là 12,25%. Đây là năm GDP của thành phố đạt mức cao nhất từ trước tới nay [36, tr.110].
Trong 5 năm (2001 - 2005) tốc độ tăng GDP hàng năm đạt bình quân chung 11,1%. Nhóm nông lâm thuỷ sản tăng 5,1% (mục tiêu kế hoạch tăng 5,0%). Nhóm công nghiệp xây dựng tăng 13,5% (mục tiêu kế hoạch tăng 14,4%); Nhóm dịch vụ tăng trên 11,0% (mục tiêu kế hoạch tăng 10,0%), góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.
Kết quả tăng trưởng kinh tế đã làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng khá. Năm 2000 mới đạt 641,5 USD/người thì đến năm 2004 đã đạt 927,0 USD/người và năm 2005 đạt 1.070
USD/người - vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 do Đại hội Đảng bộ thành phố XII đề ra (950 - 1.000 USD/người) [36, tr.110].
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá VIII). Kết luận Hội nghị TW10 (khoá IX) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện Nghị quyết 9 của Thành uỷ (khoá XI) về phát triển văn hoá, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả về xây dựng văn hoá, con người. Đời sống văn hoá được chăm lo xây dựng và đạt kết quả rõ rệt trong tổ chức thực hiện nếp sống văn hoá, xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở như: Làng văn hoá, nhà văn hoá, điểm bưu điện văn hoá xã, thư viện, khu dân cư văn hoá, cụm văn hoá thể thao CNVC, LĐ, cơ quan văn hoá, gia đình văn hoá... Phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Hải Phòng qua 5 năm thực hiện (2000 - 2005) đã ngày càng được mở rộng và phát triển nhanh chóng, thực sự đi vào cuộc sống và trở thành cuộc vận động quần chúng rộng lớn, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nâng cao dân trí, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Đến năm 2005, toàn thành phố đã có 672/761 làng và 100% khu dân cư tổ chức lễ phát động xây dựng làng, khu dân cư văn hoá, 71% cơ quan doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ quan văn hoá và hàng trăm đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị văn hoá từ cấp quận cho đến cấp thành phố. Đã có 316.056/414.696 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, trong đó có 263.725 hộ được công nhận gia đình văn hoá cấp quận, huyện, thị xã, 225 gia đình được công nhận gia đình văn hoá cấp thành phố, 149 điểm bưu điện văn hoá xã. Trên địa bàn thành phố có 197 đội văn nghệ cơ sở, 281 câu lạc bộ gia đình văn hoá, 13 đội thông tin lưu động, 19 cụm văn hoá thể thao công nhân lao động với sự tham gia của trên 300 đơn vị thành viên và hàng chục nghìn công nhân, viên chức, lao động tham gia vào các hoạt động văn hoá văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao, 100% xã có nhà văn hoá. Phong trào văn hoá văn nghệ cơ sở ngày càng phát triển. Hàng năm, các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng được tổ chức ở cấp quận, huyện, thị xã và cứ 2 năm một lần tổ chức liên hoan văn nghệ cấp thành phố, khơi dậy và phát triển mạnh mẽ các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở. Một số lễ hội truyền thống được tổ chức, quản lý đúng quy chế như: Hội làng, Hội chọi trâu,
Hội hát đúm, Hội đua thuyền, thả đèn trời, Múa Rồng, Múa Tứ linh, Múa Kỳ lân...có tác dụng tốt trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. 100% các làng, khu dân cư văn hoá đã xây dựng các quy ước cụ thể nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các văn hoá phẩm đồi truỵ, đồng thởi đấu tranh ngăn chặn âm mưu " diễn biến hoà bình " của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng. Việc quan tâm xây dựng môi trường văn hoá đã tạo điều kiện để đông đảo nhân dân hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hoá - văn nghệ, là cơ sở để phát triển toàn diện con người. Mục tiêu cao nhất của phát triển văn hoá là xây dựng con người Hải Phòng có đầy đủ những đức tính nêu trong nghị quyết TW 5 (khoá VIII) và Nghị quyết 9 Thành uỷ (khoá XI); biết trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phát huy cao độ truyền thống " trung dũng - quyết thắng", năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tự tin trong lao động, công tác, có tác phong công nghiệp, văn minh, lịch thiệp, có trình độ văn hoá và nghề nghiệp cao, có lòng tự tôn, tự hào về truyền thống, vị thế thành phố, bản lĩnh, phẩm chất của người Hải Phòng.
Văn học - nghệ thuật Hải Phòng những năm qua đã gặt hái được nhiều kết quả mới. Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) của Đảng vừa tạo môi trường tự do sáng tác, vừa định hướng cho các hoạt động sáng tác của đội ngũ văn nghệ sỹ của thành phố. Văn học - nghệ thuật Hải Phòng đã phản ánh được nhịp sống sôi động của thành phố, ca ngợi, tôn vinh các giá trị tốt đẹp, phê phán những thói hư, tật xấu, đấu tranh chống tiêu cực xã hội, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí của nhân dân.
Toàn thành phố hiện nay có 179 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 96 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 83 di tích cấp thành phố, 137 di tích được tu bổ, tôn tạo. Các di tích được nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí để tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trang hơn, nhiều di sản văn hoá vật thể của thành phố được lập kế hoạch bảo vệ, giữ gìn và phát huy tác dụng như khu mộ cổ ở Thuỷ Nguyên, di tích Cái Bèo ở Cát Bà, Cát Hải, di tích Việt Khê ở Thuỷ Nguyên, và nhiều ngôi đình, chùa, nhà thờ.. ở các địa bàn khác.
Văn hoá phi vật thể ở thành phố cũng được giữ gìn và phát huy. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một trong 15 lễ hội lớn cấp quốc gia của ngành du lịch; lễ hội đua thuyền Rồng trên
biển Cát Bà là lễ hội lớn của ngành Thuỷ sản; lễ hội hát Đúm ở Phả Lễ (Thuỷ Nguyên); lễ hội chạy - vật cầu ở Tân Trào (Kiến Thuỵ); múa rối cạn, rối nước ở Nhân Hoà, Đồng Minh (Vĩnh Bảo), Hội thi pháo đất, Hội múa tứ linh- rồng - kỳ lân ở huyện Vĩnh Bảo...đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bản sắc văn hoá địa phương, tăng thêm tình cảm cộng đồng làng xóm, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan, giải trí và thông qua các hoạt động này tạo việc làm, phát triển nghề truyền thống, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhân dân địa phương.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Hải Phòng có gần 800 trường học từ mầm non đến đại học với khoảng 20.000 giáo viên và trên 600.000 học sinh, có 62 trường đạt chuẩn quốc gia và đang phấn đấu có 2 trường đạt chuẩn quốc tế. Trong tổng số 1 triệu 172 nghìn người trong độ tuổi lao động đang làm việc trên địa bàn thành phố có 216 tiến sỹ, 817 thạc sỹ, trên 49 nghìn người có trình độ đại học, cao đẳng, 38 nghìn người có trình độ trung cấp, trên 75 nghìn công nhân kỹ thuật. Tính bình quân có 2,6 đại học, cao đẳng /1.000 dân; 22 trung học và 14 công nhân kỹ thuật /1.000 dân. Trong 5 năm (2001 - 2005) hàng năm có khoảng 36 nghìn lượt lao động được tạo việc làm mới [Xem Phụ lục 1, tr.100 Luận văn].
Sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân thành phố. Khảo sát của Cục thống kê Hải Phòng năm 2004 cho thấy mức độ trang bị đồ dùng gia đình trong các hộ dân cư không ngừng tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng.
Số lượng các vật dụng sinh hoạt được người dân sử dụng đã minh chứng cho mức sống vật chất, tiêu dùng ngày càng được nâng cao của nhân dân thành phố và thích ứng với đời sống vật chất được cải thiện là nhu cầu văn hoá tinh thần, trong đó có văn hoá giải trí của nhân dân thành phố ngày càng cao. [Xem Phụ lục 2, tr.101 luận văn].