Quan hệ chính trị:

Một phần của tài liệu Luận Văn Ảnh hưởng của văn hóa đến đàm phán thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Trang 35 - 37)

Hai bên xây dựng khuôn khổ quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác lâu dài. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999, lãnh đạo cấp cao hai nước xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Dịp Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc tháng 12/2000, hai bên ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hoá phương châm 16 chữ đó thành những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2005, hai bên thoả thuận đưa quan hệ hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2008, hai bên nhất trí phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đồng thời nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tạo cơ sở cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài trong thời gian tới.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì đều đặn các chuyến thăm và gặp gỡ bên lề hội nghị quốc tế. Trong hai năm gần đây, có các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2008), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh (8/2008), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị cấp cao ASEM (10/2008); dự Diễn đàn Bác Ngao, thăm Quảng Đông, Hồng Kông và Macao (4/2009). Phía Trung Quốc có đoàn Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang (10/2008) và một số đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các Ban ngành địa phương thăm ta (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư tỉnh Quảng Đông Uông Dương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thiên Tân Trương Cao Lệ; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Chí Lập; Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Mạnh Kiến Trụ, Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy,

Trưởng Ban tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều…). Trong các chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu của hai nước và nhân dân hai nước, cần được hết sức giữ gìn và không ngừng vun đắp; khẳng định sẽ làm hết sức mình để đưa quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy hơn, cùng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai bên thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (11/2006) và đã tiến hành 2 phiên họp (phiên thứ 2 họp tại Bắc Kinh tháng 1/2008). Phiên họp thứ 3 dự kiến vào vào nửa đầu năm 2009 tại Việt Nam. Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng. Từ cuối năm 2007, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các chương trình bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho ta. Trong chuyến thăm Việt Nam của Trưởng ban liên lạc đối ngoại Trung Quốc Vương Gia Thụy, hai bên trao đổi ý kiến về các biện pháp tăng cường giao lưu giữa các cơ quan hai Đảng trên các lĩnh vực đào tạo cán bộ, công tác xây dựng Đảng… Ngoài ra, hai Đảng đã tổ chức 4 cuộc hội thảo về lý luận, kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, về đổi mới, cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế (tháng 10/2008, tổ chức Hội thảo lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc tại Nha Trang). Giao lưu giữa thế hệ trẻ 2 nước tiếp tục được duy trì (tháng 10/2008, đã diễn ra cuộc “Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 8 với chủ đề Giao lưu hữu nghị Việt - Trung).

Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng tiếp tục được tăng cường với việc ký các thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (12/2002), hai Bộ Công an (9/2003), hai Bộ Quốc phòng (10/2003); hai ngành An ninh (3/2005), Thoả thuận hợp tác biên phòng (8/2007) và Thỏa thuận về hợp tác giữa hai Tổng Cục chính trị Bộ Quốc phòng hai nước (12/2007). Năm 2008, hai bên trao đổi các đoàn quan trọng: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm ta

(4/2008); Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ thăm Việt Nam và dự “Hội nghị Bộ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc về hợp tác phòng chống tội phạm lần thứ nhất”(12/2008); Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Khắc Nghiên thăm Trung Quốc (11/2008).

Quan hệ giữa các địa phương hai bên cũng được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như trao đổi đoàn các cấp, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm... Liên tiếp trong 5 năm kể từ năm 2004 đến nay, hàng năm lãnh đạo Quảng Tây đều sang thăm Việt Nam, trong đó gần nhất là chuyến thăm của Bí thư Khu uỷ Quảng Tây Quách Thanh Côn (2-5/4/2008). Ngoài ra, Tỉnh trưởng Vân Nam Tần Quang Vinh (4/2007); Ủy viên BCT, Bí thư tỉnh Quảng Đông Uông Dương (9/2008); Ủy viên BCT, Bí thư Thiên Tân Trương Cao Lệ (11/2008) cũng đã thăm Việt Nam. Lãnh đạo ta cũng nhiều lần thăm các địa phương phía Nam của Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam .v..v. Năm 2008, hai bên tiến hành phiên họp lần thứ nhất Ủy ban công tác liên hợp giữa 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với Quảng Tây tại Quảng Ninh và giữa 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu với Vân Nam tại Lào Cai. Các tỉnh biên giới trao đổi biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể, chú trọng hiệu quả thiết thực, trong đó có việc xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển . Trong khuôn khổ hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, hai bên tổ chức hội nghị lần thứ 4 về hợp tác kinh tế giữa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai với Vân Nam, Trung Quốc. Hiện nay ta có các Tổng lãnh sự quán tại Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Hồng Kông. Tháng 11/2007, Đại sứ quán ta tại Trung Quốc mở Văn phòng Lãnh sự tại Thượng Hải. Hai bên tích cực trao đổi, phối hợp lập trường trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là phối hợp trong HĐBA/LHQ kể từ khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ.

Một phần của tài liệu Luận Văn Ảnh hưởng của văn hóa đến đàm phán thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Trang 35 - 37)

w