Bộ phận Văn học “vết thương” ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn học vết thương trong văn xuôi việt nam thời kỳ đổi mới luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 31 - 32)

5. Cấu trúc luận văn

1.2.Bộ phận Văn học “vết thương” ở Việt Nam

Không giống như Văn học Vết thương ở Trung Quốc, quy tất cả nội dung “vết thương” của các tác phẩm về những bi kịch do cuộc Cách mạng văn hóa gây ra cho người dân Trung Quốc, chúng tôi cho rằng, bộ phận văn học “vết thương” ở Việt Nam, nên được hiểu là toàn bộ những sáng tác lấy phần bi kịch, phần đau thương và mất mát – những “vết thương”, của quá khứ và lịch sử làm đề tài. Đó là có thể là “vết thương” do Cải cách ruộng đất gây ra, nhưng đó cũng có thể là những “vết thương” do chiến tranh, quá trình cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh, quá trình hợp tác hóa nông nghiệp, cơ chế bao cấp,… - những biến cố

32

lớn của dân tộc trong suốt lịch sử thế kỷ XX gây ra. Bên cạnh đó, nếu như Văn học Vết thương ở Trung Quốc giống như một phản ứng tức thời đối với những bi kịch do Cách mạng văn hóa gây ra, thì những sáng tác văn học “vết thương” ở Việt Nam lại có một độ lùi thời gian ít nhất vài chục năm đối với những biến cố lịch sử gây ra những “vết thương” ấy. Ở Trung Quốc, cuộc Cách mạng văn hóa do tính sai lầm của nó, đã bị phủ nhận một cách triệt để và công khai. Điều này tạo nên cơ sở xã hội và thẩm mỹ cho sự hình thành hẳn một trào lưu văn học ở thời kỳ ngay sau đó. Những tác phẩm đầu tiên của dòng Văn học Vết thương ở Trung Quốc xuất hiện vào năm 1976 - 1977, ngay sau khi “bè lũ bốn tên” bị bắt – thời điểm mà Trung Quốc coi là kết thúc cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. Ở Việt Nam thì lại khác. Trong suốt một thời gian dài, vì nhiều lý do khác nhau, những mặt đau thương, mất mát của chiến tranh hay những bi kịch gây ra do những sai lầm của Cải cách ruộng đất,… đều bị coi là những đề tài “nhạy cảm” và các nhà văn đều cố gắng tránh viết về những đề tài như vậy. Cho mãi tới thời kỳ Đổi mới (1986), khi đời sống văn học trở nên dân chủ hơn, khi các nhà văn đã có đủ khoảng lùi về mặt thời gian để suy tư và chiêm nghiệm những vấn đề của lịch sử, thì những sáng tác về “vết thương” của quá khứ và lịch sử mới bắt đầu xuất hiện. Điều này khiến văn học “vết thương” ở Việt Nam không phải là tiếng nói tố cáo hay lên án những sai lầm của lịch sử đơn thuần như Văn học Vết thương ở Trung Quốc mà mà là sự suy tư, chiêm nghiệm đối với những “vết thương” lịch sử nhằm rút ra kinh nghiệm cho hiện tại. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt từ quá trình phát triển, đặc trưng thẩm mỹ cho tới thi pháp của bộ phận văn học “vết thương” ở Việt Nam so với trào lưu Văn học Vết thương ở Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn học vết thương trong văn xuôi việt nam thời kỳ đổi mới luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 31 - 32)