Kiểu nhân vật chính trực, quân tử

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật luận văn ths văn học 60luaant 20 pdf (Trang 62 - 64)

5. Phƣơng pháp nghiên cứu

2.2.2 Kiểu nhân vật chính trực, quân tử

Bên cạnh kiểu nhân vật tham vọng thì một kiểu nhân vật khác mà ta có thể bắt gặp trong những tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật đó là kiểu nhân vật chính trực, quân tử. Đó là những con người thấu hiểu đạo lý thánh hiền, thấm nhuần tư tưởng Nho giáo về đạo quân – thần; đó cũng còn là những con người hết lòng vì chính

nghĩa, không màng danh lợi, không sợ thiệt thân,... Sống trong xã hội phong kiến đang trong thời buổi suy vong – đất sống của những kẻ tiểu nhân chuyên luồn cúi, nịnh bợ thì những người có tấm lòng nhân nghĩa, chính trực không nhiều và khó tồn tại hơn. Tuy vậy, đó cũng là thời điểm mà họ có thể tỏ rõ lòng trung, sự chính trực của mình. Cũng bởi thế mà tấm gương của những con người này còn sáng mãi muôn đời. Điển hình cho kiểu nhân vật này có thể kể đến các nhân vật như quan tri phủ Đặng Phi Hiển, Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ, nàng hầu Thúy Hồng,…

Trước tiên có thể nói về nhân vật quan tri phủ Đặng Phi Hiển - ông nội của Ấu Mai là một người liêm khiết, chính trực. Lúc làm quan ông dùng mưu lược thu phục được một đảng cướp khét tiếng ở vùng Thanh Hoá. Cả nhà mấy trăm mạng người bị giết, nhưng đứa con trai nhỏ của tên cướp vì không có nhà nên cũng được ông tha tội chết để giữ hương khói cho tổ tiên. Nhưng không ngờ, ông làm phúc mà phải tội. Đứa trẻ ấy sau làm hại cả nhà ông để trả thù, khiến ông thân bại danh liệt. Khi còn làm quan ở kinh thành, ông đi bắt đám bạc ở phường Đồng Xuân. Khi đó, Trịnh Kha là anh em thúc bá với chúa thượng, là chủ sòng bạc, đã xin ông nể tình mà tha cho. Vì phép nước, ông không nể nang gì, cứ lôi về phủ Liêu để trị tội. Ông là một vị quan rất công minh, làm việc nguyên tắc, không vì tình riêng mà làm hại tới luật pháp quốc gia. Khi làm quan Ngự sử, vì can gián chúa Thanh Đô Vương mà ông bị cách chức đuổi về. Có thể nói, suốt thời gian làm quan, ông luôn là một vị quan mẫu mực, có trách nhiệm với sự tồn vong của quốc gia. Khi về ở trí sĩ, ông luôn nêu cao khí chất của một nhà nho sống cao khiết và đức hạnh. Ông thường dạy con cháu trong nhà rằng “người ta, ngồi ra ngồi, nằm ra nằm không nên nửa ngồi nửa nằm uể oải. “Nạo khí trạo chi” có thế mới giữ được mình thẳng thắn trong lòng mà đối với người khác không đến “linh nhân khí nỗi” [31; tr.373]. Đồ đạc của ông giản dị, nhưng tỏ rõ khí chất con người ông. Trên cái kỉ con dài chừng thước bẩy, rộng chừng thước mốt, cao chừng sáu tấc, để một lư trầm, bên cạnh một chiếc lọ Giang Tây, cắm cành hoa lan bạch ngọc đầu mùa, cạnh chiếc lọ xếp một tập “Đường Tống thi thuần”, đêm đêm ông thường ngâm nga. Đặng Phi Hiển thọ bảy mươi chín tuổi. Suốt cuộc đời ông là cuộc đời của một nhà nho sống mẫu mực, đáng trân trọng.

Bên cạnh nhân vật quan tri phủ Đặng Phi Hiển, nhân vật Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ cũng là một đại diện tiêu biểu cho kiểu nhân vật chính trực, quân tử. Vốn là dòng dõi “kim chi ngọc diệp”, nhưng số phận không cho ông làm vua. Bản thân ông “không thiết gì phú quý cả, chỉ mong sao lúc nào trong tâm tư cũng thảnh thơi rồi nay đây mai đó, bạn cùng non thanh nước đẹp, gửi mình vào cõi mộng hồn thơ. Nghĩ được một câu đắc ý, như cởi ruột mở gan, ngắm được một cảnh đẹp mắt như tắm gội thần trí. Cái thú lương thần mĩ cảnh, bầu rượu túi thơ nó nhẹ nhàng thú vị lắm”. Vì yêu Ấu Mai mà hai người đã tìm mọi cách để được gặp nhau trong chốn Sơn lăng. Chuyện bị bại lộ, khi bị tố giác và ghép vào tội dâm loạn, Vũ Lăng hầu chẳng chút sợ hãi, ông chửi thẳng vào tính dâm ô, ích kỉ của bọn vua chúa thống trị: “Tội phạm phép nước thì tôi xin chịu tội. Còn như nói là ô uế thì vị tất... còn có việc ô uế hơn việc tôi làm... Sống làm hại trăm gái non vô tội, chết đi lại đem hàng trăm người vô tội dìu đến ấp đống xương mục dưới đất. Cái thói dâm ô đến lúc nằm dưới đất đen, có lẽ còn ô uế bằng vạn cái tính háo sắc thường của tôi” [31; tr.462]. Vũ Lăng hầu biết việc làm của mình là sai, là vi phạm phép nước, nhưng đứng về phía tình cảm con người mà nói thì việc làm của ông là rất nhân bản, không có gì là vi phạm đạo đức. Trong hành động, lời ăn tiếng nói của mình, Vũ Lăng hầu thường tỏ rõ khí chất của một người quân tử. Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ là một đại diện tiêu biểu cho những người quân tử chính trực dưới chế độ phong kiến. Ông là người không màng danh lợi, vinh hoa phú quý, chỉ mong tâm tư được thảnh thơi, thanh thản sống với đời.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật luận văn ths văn học 60luaant 20 pdf (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)