Giọng điệu, ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật luận văn ths văn học 60luaant 20 pdf (Trang 96 - 98)

5. Phƣơng pháp nghiên cứu

3.4 Giọng điệu, ngôn ngữ

3.4.1 Giọng điệu

Giọng điệu là một trong những yếu tố của thế giới nghệ thuật, là dấu ấn riêng của nhà văn trong tác phẩm, tạo nên phong cách của nhà văn đồng thời góp phần khu biệt các nhà văn. Chỉ những nhà văn có tài mới có giọng điệu riêng: “Đó chính là đặc điểm chủ yếu của một tài năng sống độc đáo” (M.B.Khrapchencô). Vì vậy, khi nghiên cứu thế giới nghệ thuật tất yếu phải nghiên cứu giọng điệu trong tác phẩm. Các kiểu giọng điệu chính trong những tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật đó là giọng điệu phê phán, lên án, tố cáo và giọng điệu thâm trầm, vị tha.

Giọng điệu phê phán, lên án, tố cáo

Trong thời kỳ mà triều đình loạn, vây cánh bè đảng phân chia, nạn Kiêu binh, lũ chôn người gây tai họa khắp chốn cùng nơi; nhân dân lâm vào cảnh điêu linh, máu

đổ tương tàn; chúa Trịnh ăn chơi sa đọa,… tác giả cũng không khỏi bất bình thể hiện qua giọng điệu mỉa mai, phê phán.

Giọng điệu phê phán trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật thể hiện ở việc nhà văn đã phơi bày một cách chân thực xã hội và con người trong một giai đoạn lịch sử có thật của dân tộc. Như trên chúng ta đã nói, đây là thời kì bão táp nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Chưa bao giờ các tập đoàn phong kiến thống trị bộc lộ đầy đủ sự sa đoạ, sự tàn bạo, và suy thoái như lúc này. Do đó, giọng điệu phê phán, lên án, tố cáo thường thấy trong những tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật. Hay nói cách khác, việc tái hiện lịch sử một cách chân thực cũng chính là thể hiện thái độ phê phán của tác giả. Nhà văn phê phán những cái xấu xa, bạo tàn, bất lực của lịch sử để làm bài học cho ngày hôm nay, cảnh tỉnh tấm lòng của những con người thời hiện tại đối với lịch sử của dân tộc. Vì thế, có thể nói những trang viết của Nguyễn Triệu Luật hết sức sâu sắc.

Giọng điệu thâm trầm, vị tha

Các tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật một mặt rất coi trọng sự thực lịch sử, nhưng một mặt cũng hướng trọng tâm vào vấn đề số phận của những con người cá nhân, vào khát vọng tự đo và tình yêu của con người. Điều này chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất qua tác phẩm Hòm đựng người, Bà chúa Chè,...

Qua câu chuyện tình yêu của nàng Ấu Mai và Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ trong tiểu thuyết Hòm đựng người, Nguyễn Triệu Luật muốn cổ vũ cho tình yêu cá nhân. Đồng thời, đó cũng là tiếng nói phê phán sâu sắc tới chế độ phong kiến với những luật lệ, lễ giáo hà khắc, phi nhân đạo.

Không chỉ cổ vũ cho tình yêu cá nhân, hạnh phúc của con người, Nguyễn Triệu Luật còn thể hiện niềm xót thương cho số phận những người đàn bà trong hậu cung. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật “ta thấy tỉ mỉ cái sống u uẩn trong bí mật của cung vi, đã chôn vùi bao nhiêu ánh sáng thanh xuân mơn mởn... ta thấy lòng dào dạt một xót thương đối với ức vạn người đàn bà, đời ấy qua đời khác, phải bắt buộc làm vật hi sinh cho sự ích kỉ của các vua chúa, xót thương đến cả những lầm lỗi, những mưu mô phản trắc, những ganh tị nhỏ nhen của một hạng đàn bà không hiểu cảnh ngộ thê thảm của chính mình” [31; tr.16].

Tấm lòng xót thương của Nguyễn Triệu Luật còn được thể hiện ở hình ảnh những người dân thường đi chạy loạn ngay chốn kinh kì. Khi quân Kiêu binh làm loạn kinh thành, đốt phá các phủ đệ, tác oai tác quái, khiến những thường dân vô tội rất khổ sở. Những người dân vô tội phải gồng mình lên trước sự lũng đoạn khủng khiếp của lũ Kiêu binh. Đã có máu đổ, đã có những sự vô tâm của người đời dành cho nhau bởi có quá nhiều cảnh thương tâm, bởi đó đã là chuyện thường ngày,… Xót xa!

Như vậy, với một tấm lòng mang nặng nỗi niềm thế sự, khi viết về thân phận những con người bất hạnh, Nguyễn Triệu Luật như muốn bộc lộ những tiếng thở than thầm kín với thời đại. Với một giọng điệu thâm trầm, vị tha, lắng đọng tác giả quan tâm tới tình yêu, hạnh phúc cá nhân, tới cuộc sống của người dân trong buổi loạn lạc. Điều này cũng thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc trong những tác phẩm của ông.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật luận văn ths văn học 60luaant 20 pdf (Trang 96 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)