5. Phƣơng pháp nghiên cứu
3.2.1 Kết cấu chương hồi
Nguyễn Triệu Luật là một tác giả chịu ảnh hưởng và kế thừa những tinh hoa của thi pháp văn chương cổ điển. Có thể nói như vậy bởi vì trong những tác phẩm của ông, nhìn từ phương diện kết cấu, một số được xây dựng theo kiểu chương hồi truyền thống. Kết cấu chương hồi là một phương diện của thi pháp tiểu thuyết chương hồi. Cấp độ bề mặt của kết cấu chương hồi là các chương, hồi – các đơn vị kết cấu. Một chương (hồi) trong tiểu thuyết chương hồi thường có các dấu hiệu nhận biết sau:
Trước hết là tác phẩm được chia thành nhiều đoạn và ghi “Hồi I”, “Hồi II”,… Có một hoặc hai câu thơ làm tiêu đề cho mỗi hồi, thâu tóm nội dung hay sự kiện nổi bật của hồi. Tiếp đó là mỗi khi chuyển từ nhân vật hay hay sự việc này sang nhân vật hay sự kiện khác thường sử dụng cụm từ: “Đây nói”, “Đây nhắc lại”, “Nói về”, “Lại nói về”,… Một dấu hiệu khác của tiểu thuyết chương hồi đó là xuất hiện những lời bình luận của tác giả (dưới hình thức văn vần hay văn xuôi) mỗi khi
gặp một sự kiện, tình tiết đáng bình luận hoặc kết thúc một hồi. Và dấu hiệu nhận biết cuối cùng đó là kết thúc chương (hồi) vào lúc sự kiện đang trở nên gay cấn, hồi hộp; do vậy có câu: “Muốn biết việc thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”.
Cấp độ bề sâu của loại kết cấu chương hồi lại:“Lấy đoạn làm đơn vị, mỗi đoạn có thể gồm một hay nhiều hồi, tương đương với một kết cấu tự sự nhỏ, có mở đầu, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc. Sự chuyển biến từ hồi này sang hồi khác, từ đoạn này sang đoạn khác là sự chuyển biến tuần tự trước sau, theo một hướng duy nhất là dựa trên trục thời gian. Đó là chỗ mạnh mang đậm tính cố sự tạo nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết chương hồi [51; tr.163].
Trong số các tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật, có thể thấy hai tiểu thuyết Bà Chúa Chè và Rắn báo oán được tác giả sử dụng lối kết cấu chương hồi truyền thống với những biểu hiện đặc trưng. Tuy nhiên, nhà văn cũng thể hiện nỗ lực vượt thoát khỏi kết cấu chương hồi qua những điểm cách tân trong lối kết cấu này qua những tác phẩm của mình.
Thông thường, trong những tiểu thuyết chương hồi truyền thống đó là mở đầu chương thường ghi: “Hồi thứ…” nhưng Nguyễn Triệu Luật đã không đi theo lối món này mà dùng số La Mã để phân chia đơn vị chương. Trong Bà Chúa Chè, tác giả đã chia làm sáu chương, có đánh số La Mã. Nội dung chính của các chương được tác giả thâu tóm lại trong tiêu đề, bao gồm chương I: Cô gái hái chè, chương II: Những cơn giông tố trong nội cung, chương III: Dâng hoa, chương IV: Mưa móc tẩm nhuần, chương V: Giữ Cán bỏ Tông và chương VI: Huy quận với Tuyên phi. Trong đó, mỗi chương đều trình bày trọn vẹn nội dung chính mà tác giả đã thâu tóm lại trong tiêu đề. Phần kết thúc chương, ta không thấy xuất hiện câu nói quen thuộc trong mỗi tiểu thuyết chương hồi truyền thống đó là: “Muốn biết việc thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”. Nhưng trong nội dung chính của chương, có nhiều đoạn bình luận sắc sảo của tác giả mỗi khi gặp một sự kiện hay tình tiết đáng bình luận. Trong đó, tác giả cũng thẳng thắn trình bày quan điểm của mình. Điển hình như đoạn văn tác giả bình luận về thú chơi hoa của chúa Trịnh Sâm: “Những loài hoa ấy, một là ở xứ ta không có, hai là dù có cũng không thủ tín được với thì hầu, thành ra mỗi năm, vì
cố hết sức uốn hoa nở theo tiết, cố ghép hoa vào cho đủ tiết, bọn cung nhân trồng đủ trăm thức hoa rồi ép mỗi hoa vào mỗi tiết. Hoa nở trong thâm cung, coi vậy cũng bị kiềm chế như người đẹp trong cung”. [31; tr.69]. Ở đây, Nguyễn Triệu Luật đã thể hiện thái độ xót thương của mình với những người phụ nữ phải chôn vùi tuổi thanh xuân của mình chốn cung cấm như những loài hoa bị ép nở trong cung. Hay như trước hình ảnh Tuyên phi Đặng Thị Huệ đang ngồi xem các bản khải, tác giả đã không khỏi xót xa cho nàng: “Là một vị quốc chủ, đành rằng cao quý, nhưng cái cao quý này, phỏng có bền không? Lại còn nỗi hãy còn đầu xanh – nàng mới hai mươi sáu tuổi – mà đã phải làm kẻ vị vong. Hai mươi sáu tuổi, vào trạc tuổi ấy, nếu là người đàn bà quê mùa vất vả thì đã vào lúc gần đứng bóng. Nhưng hai mươi sáu xuân ấp ủ trong cung thì nhị xuân còn như vừa mới hé mở”. [31; tr.117]. Trước cảnh một người phụ nữ còn đang tuổi xuân thì, phơi phới đang phải sống bên một người già nua, héo hon cả về thể xác lẫn tinh thần, tác giả không khỏi cảm thương.
Trong mỗi chương của Bà Chúa Chè được tác giả xây dựng thành một kết cấu tự sự nhỏ, có mở đầu, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc. Sự chuyển biến từ chương này sang chương khác, từ đoạn này sang đoạn khác là một sự chuyển biến tuần tự trước sau, theo trật tự thời gian.
Bên cạnh Bà Chúa Chè, Rắn báo oán cũng là một tác phẩm được Nguyễn Triệu Luật xây dựng theo kiểu kết cấu chương hồi. Biểu hiện dễ dàng nhận thấy của kết cấu chương hồi trong tác phẩm này đó là tác giả cũng chia tác phẩm ra thành các đơn vị nhỏ, có đánh số La Mã, tương đương với mỗi chương. Trong mỗi chương, tác giả trình bày trọn vẹn một nội dung chính đề cập ở trên chương (trừ chương 1 không có tên). Các chương được nối tiếp nhau theo trình tự thời gian. Ở mỗi chương, những diễn biến chính được tác giả kể lại một cách tuần tự, việc gì xảy ra trước kể trước, việc gì xảy ra sau kể sau. Tác phẩm là câu chuyện về việc Quan phục hầu Nguyễn Trãi gặp Thị Lộ và hai người trở thành phu thê. Rồi ông lui về Côn Sơn ở ẩn. Tiếp đó là việc vua Lê Thái Tông đi qua huyện Chí Linh, gần biệt thự của Nguyễn Trãi và ghé vào nghỉ mệt. Đến chương IV, tác giả giành để nói về việc bà Nguyễn Thị Lộ được vua phong cho làm Lễ nghi Nữ học sĩ. Sau khi phong
xong cho Thị Lộ, vua truyền xa giá hồi loan về Lệ Chi viên. Trên đường đi, Nguyễn Trãi xin từ giá về, còn Thị Lộ tiếp tục theo ngự giá. Đến Lệ Chi Viên, tên Thái giám Lương Dật sắp đặt cho Thị Lộ vào đọc thơ cho vua. Ở vườn Lệ Chi, vua vui quá nên còn nấn ná chưa muốn về cung, không may đổ bệnh và qua đời tại đây. Tin này được báo về cung, Thị Lộ bị bắt giam trong nội điện, cũi có khóa nhưng sau đó, nàng biến mất, thay vào đó là một con rắn khổng lồ. Và đến chương cuối cùng mang tên Bài thơ tuyệt mệnh, Nguyễn Trãi phải chịu án diệt tộc, còn bản thân ông phải chọn một trong ba cách để tự kết thúc cuộc đời mình. Ba hình ảnh thanh gươm, chén thuốc độc và tấm lụa dài cùng dấu ba chấm ở đoạn kết thúc tác phẩm mang đầy ám ảnh.
Cũng như trong Bà chúa Chè, ở Rắn báo oáncũng không có các cặp câu tóm tắt ở đầu mỗi chương. Bên cạnh đó, người kể chuyện không chỉ góp mặt vào lời kể qua những lời bình thể hiện thái độ, mà còn bằng những lời cảm thán biểu lộ tình cảm, đặc biệt là định hướng cả thái độ cho độc giả. Việc định hướng thái độ cho độc giả thể hiện ở đoạn cuối chương XI: “Độc giả chắc cũng đoán ra cái vật chứa trong cũi này.
Nguyên khi vua Thái Tông đi duyệt binh về, cùng Lương giám vào rừng săn bắn. Vua Thái Tông thấy con rắn trắng vừa lột xong, truyền bắt đem về cung chơi, nhưng cấm không cho hậu phi biết, sợ hại đến thai giáo. Tợi Lệ Chi viên, vua bị ngược tật mất, cũi rắn ấy sau khiêng về nhà Thái giám Lương Dật”. [32, tr.488]. Qua đoạn văn trên, người đọc băn khoăn, thắc mắc về việc người hóa rắn là thực hay chỉ là câu chuyện hoang đường được tác giả bịa ra. Và cũng qua đó, Nguyễn Triệu Luật đã thể hiện rõ quan điểm của mình với một thảm án trong lịch sử, dù đã được minh chứng.
Nhìn chung, mô hình kết cấu chương hồi thuộc mô hình kết cấu thời gian. Thời gian là trục chính dẫn dắt sự kiện, biến cố cũng như số phận con người. Cốt truyện được xây dựng trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thời gian sự kiện, nghĩa là việc nào có trước thì nói trước và việc nào có sau thì nói sau. Nguyễn Triệu Luật đã chọn phương thức kết cấu này cho một số tác phẩm của mình như một sự kế
thừa những tinh hoa của bút pháp tiểu thuyết truyền thống. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện ý thức cách tân thể loại rõ rệt. Nó thể hiện những nỗ lực của tác giả trong việc thoát khỏi lối kết cấu chương hồi, rập khuôn cổ điển.